Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2022 do UBND TP HCM tổ chức ngày 8-1, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết thành phố bắt đầu ghi nhận một số người gặp vấn đề về sức khỏe sau khi mắc Covid-19.
Theo ông Tăng Chí Thượng, biểu hiện của những người này khá đa dạng, như mệt mỏi, di chứng phổi, di chứng tim mạch, rối loạn tâm thần…
Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết TP ghi nhận di chứng tim phổi, rối loạn tâm thần hậu Covid-19. Ảnh: Nguyễn Phan
"Ngành y tế xem đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm, là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2022. Ngành y tế đang cùng các chuyên gia xây dựng kế hoạch can thiệp với mục tiêu, giải pháp cụ thể" – ông Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP HCM, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nhà khoa học và các quốc gia nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023. Các chủng virus mới nguy hiểm hơn có thể xuất hiện, làm cho dịch diễn biến khó lường.
Trước tình hình đó, TP HCM cũng không ngoại lệ dù số ca mắc, số chuyển nặng và tử vong giảm sâu. Trong ngày 7-1, TP HCM ghi nhận 18 ca tử vong, trong đó có 7 ca từ các tỉnh chuyển lên. Đây là mức tử vong thấp nhất kể từ đợt cao điểm dịch đến nay.
Tổng số ca nhiễm tại TP.HCM hiện đã vượt 500.000 và số ca tử vong là hơn 20.000. Đến nay, 440.000 người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh, trở lại cuộc sống bình thường.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết trong năm 2022, ngành y tế tập trung vào 2 nhiệm vụ quan trọng là phòng chống dịch Covid-19; không làm gián đoạn công tác chăm lo sức khỏe cho nhân dân, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất.
Nghiên cứu hỗ trợ điện thoại thông minh cho người nghèo
Báo cáo tham luận tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Lâm Đình Thắng nhìn nhận nhiều rào cản làm hạn chế tốc độ chuyển đổi số dù thành phố từng đi đầu cả nước trong việc khởi động Chương trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh.
Chuyển đổi số chưa được thống nhất trong các ngành, các cấp của chính quyền thành phố. Giấy phép điện tử ngành này cấp vẫn không được ngành khác chấp nhận. Doanh nghiệp lẽ ra chỉ cần một giấy phép điện tử, nay phải cần đến 2 loại là giấy phép điện tử và giấy phép có "tên đề, dấu đóng".
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đã đưa ra nhiều giải pháp như xây dựng chính quyền số, triển khai một ứng dụng di động thống nhất nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân; phát triển hạ tầng viễn thông...
Đáng chú ý, ông Lâm Đình Thắng cho rằng cần một chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho người nghèo, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau và tạo điều kiện để phát triển công dân số, xã hội số.
Đơn vị này sẽ phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khảo sát, xây dựng chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho khoảng 50-70% người nghèo chưa có điện thoại thông minh trong năm 2022.
Bình luận (0)