Ngày 18-2, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội tháng 1-2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020.
Đầu tư vốn cá nhân có dấu hiệu sụt giảm
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai thông tin tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng ước đạt 112.770 tỉ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ở lĩnh vực công nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp lại giảm gần 4%. Tương tự, 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước giảm hơn 2,7% so với cùng kỳ. "Nguyên nhân là do doanh nghiệp (DN) có số ngày làm việc ít hơn. Các DN tập trung đẩy mạnh sản xuất trong tháng 12-2019 để phục vụ Tết, đến tháng 1-2020 chủ yếu sản xuất cầm chừng để giữ lượng hàng chuẩn bị cho các tháng tiếp theo" - bà Mai phân tích.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà cho biết do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, hoạt động bất động sản và đầu tư vốn cá nhân có dấu hiệu sụt giảm. Điều này gây tác động đến tình hình kinh tế và sản xuất kinh doanh ở các DN, các nguồn thu giảm và mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ. Theo bà Hà, tổng thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm ước đạt 65.485 tỉ đồng, 16,14% dự toán, giảm 3,33% so với cùng kỳ. Thuế thu nhập DN 2 tháng đầu năm tuy tăng 1,25% so với cùng kỳ nhưng đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Thuế giá trị gia tăng giảm 1,46% so với cùng kỳ. Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng giảm 6,02% so với cùng kỳ. Riêng thuế thu nhập cá nhân tăng 7,92% so với cùng kỳ nhưng đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây do sụt giảm của hoạt động chuyển nhượng bất động sản và hoạt động chuyển nhượng vốn.
Để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước và bảo đảm sự chủ động trong điều hành thu chi ngân sách năm 2020, bà Hà cho biết sở sẽ tham mưu UBND TP các nội dung liên quan công tác quản lý tài chính - ngân sách, tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách và tài sản công, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí trong quản lý chi tiêu ngân sách của tất cả các ngành, các cấp.
Ở lĩnh vực đô thị có tín hiệu khả quan hơn khi trong tháng 1, TP đã thực hiện 10.294 lượt kiểm tra, phát hiện 114 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, giảm 279 trường hợp so với cùng kỳ, tỉ lệ giảm gần 71%. Trong đó, 46 trường hợp sai phép, 44 trường hợp không phép, 24 trường hợp còn lại chủ yếu là các công trình không che chắn, rơi vãi vật liệu xây dựng. TP đã cấp 3.522 giấy phép xây dựng, giảm 624 giấy phép so với cùng kỳ với tổng diện tích sàn là hơn 800.000 m2. TP cũng triển khai thực hiện 62 hạng mục công trình cấp bách, đã duyệt thiết kế dự toán 62 hạng mục, đã thi công 14 hạng mục, đang triển khai thi công 38 hạng mục và đang xin giấy phép đào đường 5 hạng mục.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TẤN THẠNH
Đối thoại để tìm giải pháp
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu ngành công thương khẩn trương thực hiện những biện pháp không để giảm sút chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp, nhất là 4 ngành công nghiệp trọng yếu trong những tháng tiếp theo.
Theo Chủ tịch UBND TP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn và chờ Quốc hội thông qua vào kỳ họp sắp tới. Đây sẽ là cơ hội để nâng cao hàng hóa sản xuất. Do đó, ông yêu cầu Sở Công Thương phải chú ý, đồng thời rà soát lại các chính sách, giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực, chuẩn bị cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm của hàng hóa Việt Nam, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP. "Đây là cơ hội đẩy mạnh giao lưu DN, giao lưu hàng hóa giữa TP với các nơi. Vì thế, chúng ta cần phải chủ động" - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ đối thoại với DN theo từng lĩnh vực cụ thể. Trước mắt, trong tháng 2, lãnh đạo TP sẽ gặp gỡ các DN bất động sản. Do đó, các sở - ngành tham mưu chính sách, giải pháp tập trung tháo gỡ một số dự án đã được Chính phủ, bộ - ngành cho ý kiến, đặc biệt là các dự án đã được thanh tra cho ý kiến, để đẩy nhanh tiến độ triển khai. Tổ công tác đầu tư trên địa bàn TP cũng sẽ duy trì họp đều đặn hằng tuần, thậm chí là thứ bảy, chủ nhật nhằm kịp thời giải quyết các đề xuất của DN, tháo gỡ vướng mắc ở các dự án đầu tư; xác lập rõ quy trình, trách nhiệm từng đơn vị trả lời, không để tồn đọng quá nhiều ở các dự án đầu tư.
TP HCM đang tiếp tục thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về chính sách tái định cư ở Khu Công nghệ cao (quận 9), khu 4,3 ha thuộc dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).
Ông NGUYỄN THÀNH PHONG, Chủ tịch UBND TP HCM
Quản chặt lao động đến từ vùng dịch
Liên quan đến tình hình dịch Covid-19, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho hay tổng số lao động nước ngoài tại các cơ quan, DN trên địa bàn TP tính đến ngày 10-2 là khoảng 4.600 người, trong đó gần 2.500 lao động là người Trung Quốc, không có lao động đến từ Vũ Hán và Hồ Bắc. Các DN đã tổ chức công tác cách ly tại nơi ở và nơi làm việc đối với lao động Trung Quốc, người nước ngoài di chuyển qua các vùng dịch trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh; trang bị khẩu trang, nước khử trùng, kiểm tra thường xuyên thân nhiệt, sức khỏe của người lao động.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu các bên liên quan đánh giá tác động của dịch bệnh đối với DN, từ đây làm cơ sở đề xuất với Chính phủ có những chính sách về thuế phù hợp cho DN.
Bình luận (0)