Chiều 15-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng việc tiếp tục cách ly xã hội là cần thiết, song ông đề nghị xem xét, điều chỉnh ở mức độ phù hợp với tình hình từng địa phương để đảm bảo được 2 nhiệm vụ: vừa chống dịch vừa phải bảo đảm cuộc sống người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện có dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đã bàn thảo chi tiết về việc phân loại mức độ nguy cơ dịch bệnh các địa phương thành ba nhóm, gồm: có nguy cơ cao, có nguy cơ trung bình và có nguy cơ thấp.
Dựa trên các tiêu chí đã được cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng, 12 tỉnh, thành được xếp vào nhóm "có nguy cơ cao" gồm: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, TP HCM, Tây Ninh, Hà Tĩnh.
12 tỉnh có "nguy cơ cao" có TP HCM, Hà Nội được đề xuất kéo dài thời gian cách ly xã hội thêm một tuần
"Ban chỉ đạo kiến nghị các tỉnh, thành này sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, ít nhất đến ngày 22-4. Sau đó, Ban Chỉ đạo sẽ đánh giá và báo cáo, đề xuất Thủ tướng quyết định" – ông Nguyễn Thanh Long nói.
15 tỉnh, thành được xếp trong nhóm "có nguy cơ trung bình" là: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước và Đồng Tháp. Các tỉnh còn lại thuộc nhóm "nguy cơ thấp".
Đối với nhóm 2 và 3, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng cần có các hình thức quy định cụ thể về hoạt động sản xuất - kinh doanh để đảm bảo yêu cầu chống dịch, thực hiện các biện pháp bắt buộc, gồm: hạn chế ra khỏi nhà, khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay, giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác tối thiểu 2 m; cấm tập trung đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng); cấm các dịch vụ vui chơi giải trí, tiếp tục đóng cửa các khu du lịch.
Trong khi đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng đã có những kết quả khả quan bước đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, một số ổ dịch cơ bản đã được kiểm soát, số ca nhiễm trong thời gian 2 tuần cách ly xã hội đã giảm sâu so với 10 ngày trước đó.
Tuy nhiên, ông Mai Tiến Dũng nhìn nhận dịch bệnh Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Do đó, Văn phòng Chính phủ đề nghị chia các địa phương thành 2 nhóm. Nhóm có "nguy cơ cao" gồm Hà Nội, TP HCM, Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tây Ninh, Hải Phòng. Các địa phương còn lại được xếp vào nhóm nguy cơ thấp.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kiến nghị áp dụng việc cách ly xã hội với các địa phương có "nguy cơ cao" nêu trên đến hết ngày 22-4.
"Không cần thiết phải tiếp tục cách ly toàn quốc vì các lực lượng và nhân dân đã có trải nghiệm, kinh nghiệm về phòng chống Covid-19. Dù không cách ly xã hội thì người dân vẫn có thể tiếp tục thực hiện các biện pháp như đeo khẩu trang, không tụ tập đông người..." - ông Mai Tiến Dũng nói.
Theo ông Mai Tiến Dũng, trong những ngày gần đây, áp lực xã hội về vấn đề cách ly dài như thế nên mong muốn của người dân là đối với các địa phương không có nguy cơ lây nhiễm thì nên nới lỏng ra.
Hơn nữa, đến thời hạn 22-4, theo dịch tễ học, sau 14 ngày kể từ ca mắc cuối cùng trong cộng đồng không có nguồn lây như ca 21 tại Hà Nam ngày 8-4 và không mắc mới trong cộng đồng thì có thể yên tâm hơn.
Đối với các địa phương còn lại không có nguy cơ cao theo tiêu chí Ban Chỉ đạo quốc gia, ông Mai Tiến Dũng đề nghị các thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức việc cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.
Đối với các địa phương có nguy cơ thấp, ông Mai Tiến Dũng cho rằng có thể cho các cửa hàng hoạt động trở lại nhưng việc tụ tập vẫn không quá 10 người, có thể nới dần. "Nếu các tỉnh, TP không có nguy cơ cao thì có thể cách ly xã hội giảm dần xuống mức độ" - ông Mai Tiến Dũng nhìn nhận.
Bình luận (0)