Buổi họp mặt được tổ chức tại Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TP HCM ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi.
Nguyên lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên dâng hương tại đền tưởng niệm trong Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TP HCM.
Tham dự họp mặt có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cùng cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng; đại diện ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang thành phố và đại diện gia đình nguyên lãnh đạo Trung ương, Xứ ủy, Khu ủy, Thành ủy qua các thời kỳ…
Chương trình sân khấu hóa ôn lại truyền thống cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TP HCM.
Phát biểu tại buổi họp mặt, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết trong 2 cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định là chiến trường trọng điểm của 3 mũi giáp công: chính trị, vũ trang và binh địch vận, góp phần to lớn vào những thắng lợi quan trọng của cách mạng Việt Nam mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30-4-1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - ngày đã trở thành biểu tượng rực rỡ của sự nghiệp kháng chiến thần thánh suốt 30 năm (như lời cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nói trong hội thảo 300 năm Sài Gòn – Gia Định – TP HCM).
"Trong cuộc gặp gỡ xúc động này, chúng ta cùng thắp nén hương lòng kính cẩn tưởng nhớ các bậc lãnh đạo tiền bối của Đảng, các Anh hùng, liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh, hiến dâng đời mình cho Tổ quốc" – Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên bày tỏ.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: "Mỗi lần ôn lại lịch sử là mỗi lần khắc sâu thêm truyền thống đoàn kết, sắt son, thủy chung của Đảng với nhân dân và Bác Hồ".
Trong 2 cuộc kháng chiến, Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã xây dựng được "căn cứ" vững chắc bằng sức mạnh của lòng dân mà kẻ thù không thể nào công phá được. Ngay tại trung tâm đầu não của địch, chúng ta đã có chiến khu An Phú Đông, căn cứ Vườn Thơm, căn cứ Rừng Sác và nhiều khu du kích, căn cứ lõm từ vùng ven đến đô thị.
"Đặc biệt, căn cứ Củ Chi nổi tiếng với hệ thống địa đạo trong lòng đất đã trở thành một trong những công trình đánh giặc sáng tạo, độc đáo của quân dân ta và cũng một trong những biểu tượng sáng ngời về ý chí kiên cường, bất khuất và sức mạnh của thế trận lòng dân. Khi đất nước lâm nguy thì tinh thần ấy càng được tăng lên gấp bội. Đây chính là gốc rễ, là bài học có ý nghĩa quyết định thành công của Đảng bộ thành phố qua các thời kỳ" – Bí thư Thành ủy TP HCM đúc kết.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên gặp gỡ đại biểu tham dự buổi họp mặt.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, quyết tâm đổi mới toàn diện, với mục tiêu vì cả nước, cùng cả nước.
Ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh cuộc họp mặt truyền thống năm nay càng có ý nghĩa hơn khi TP HCM vừa trải qua một năm đầy thử thách. Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 với biến thể Delta nguy hiểm, khó lường, lây lan nhanh chưa từng có tiền lệ đã tàn phá và gây tổn thất nặng nề về kinh tế - xã hội, đến đời sống, sức khỏe và tính mạng của nhiều người. Thành phố phải tập trung khắc phục thiệt hại nặng nề do đại dịch gây ra.
Sau buổi họp mặt tại Khu truyền thống cách mạng, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đến thắp nhang, tham quan, ôn lại truyền thống cách mạng tại Đền Gia Định.
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM, năm 2022 là năm tạo nền tảng để hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn 2020 – 2025 và phải cố gắng bằng 200% sức lực để bù đắp cho năm 2021. Với chủ đề năm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp", TP HCM vẫn tiếp tục đặt trọng tâm ưu tiên là công tác phòng chống dịch, đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh năm 2022, TP HCM tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị về tư tưởng và đạo đức, nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, phát huy truyền thống của Đảng bộ thành phố, khích lệ tinh thần năng động, sáng tạo, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, luôn đổi mới tâm thế để quản trị bản thân; phải làm cho mỗi cán bộ, nhất là cán bộ trẻ yên tâm thực hiện nhiệm vụ của mình trong môi trường minh bạch và lành mạnh.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên thắp hương tưởng nhớ các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng - liệt sĩ, tiền bối lãnh đạo cách mạng tại Đền Gia Định.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi thắp nhang tưởng niệm tại Đền Gia Định.
Ông Phạm Minh Hiền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống khánh chiến khối Quân – Dân – Chính – Đảng Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn, cho biết Đền Gia Định (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) được xây dựng từ 20 năm trước là cơ sở tiền thân của Khu lịch sử truyền thống cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TP HCM ngày nay, vẫn đang hoạt động như một "địa chỉ đỏ", một địa chỉ lịch sử truyền thống cách mạng. Tại đây đang thờ hơn 80 vị tiền bối lãnh đạo cách mạng, các mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng – liệt sĩ tiêu biểu, gắn bó trực tiếp với phong trào cách mạng của Gia Định – Sài Gòn – Chợ Lớn.
Trung tá Phạm Minh Hiền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống khánh chiến khối Quân – Dân – Chính – Đảng Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn.
"Chúng tôi đang tập trung mọi nỗ lực hoàn tất các công trình nâng cấp cơ sở vật chất và cả nội dung hoạt động của đền để trở thành một cơ sở hoạt động có chất lượng, hiệu quả cao và khi đủ điều kiện cho phép sẽ chuyển giao lại cho địa phương. Việc này góp phần phát huy và giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ nối tiếp của Củ Chi – Đất thép thành đồng, của Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn và của TP HCM" - ông Hiền nêu rõ.
Bình luận (0)