xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM làm thêm đường để thông khu Nam

NHÓM PHÓNG VIÊN

Trước tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng ở khu vực phía Nam, giải pháp mở thêm đường được TP HCM cho là cấp thiết

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng đường trục Bắc - Nam (đoạn từ Hoàng Diệu đến Nguyễn Văn Linh và đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm, đi qua địa bàn quận 4, quận 7, huyện Nhà Bè) theo hình thức đối tác công - tư (PPP) như đề xuất của Sở Giao thông Vận tải (GTVT).

Quá tải trầm trọng

Thống kê cho thấy mật độ dân cư ở khu vực phía Nam TP hiện tăng gấp hàng chục lần so với 10 năm trước, bởi các khu đô thị ở huyện Nhà Bè và quận 7 phát triển rất nhanh, nhất là khu cảng Hiệp Phước, khiến lượng xe từ các khu này vào trung tâm và ngược lại rất lớn.

TP HCM làm thêm đường để thông khu Nam - Ảnh 1.

Khu vực cầu Kênh Tẻ thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải phương tiện Ảnh: NGỌC HÂN

Qua ghi nhận, lượng xe từ khu vực trên ra vào trung tâm và ngược lại chủ yếu dồn vào các tuyến đường chính như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Hữu Thọ… Trong khi đó, việc kết nối giữa nhiều khu như cảng Hiệp Phước, KCX Tân Thuận, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng… đang tập trung chủ yếu trên tuyến huyết mạch đường Nguyễn Văn Linh. Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 - Sở GTVT TP cho biết lượng xe từ các cảng ở quận 7, huyện Nhà Bè qua cảng Cát Lái ở quận 2 hiện cũng rất lớn; lưu thông theo hướng qua cầu Phú Mỹ tới nút giao Mỹ Thủy khiến toàn bộ khu vực ngày càng căng thẳng.

Một điểm nghẽn khác khiến kẹt xe thường xuyên xảy ra tại khu vực trên là đoạn qua cầu Kênh Tẻ (nối quận 4 với quận 7). Theo ghi nhận vào chiều 16-9, hàng ngàn phương tiện "rồng rắn" nối đuôi nhau, di chuyển khó nhọc ở cả 2 hướng. Đoạn đường dưới chân cầu, mật độ phương tiện dày đặc, trong khi các làn đường trên cầu cũng ken cứng các loại xe, lộn xộn di chuyển. Nhiều xe bồn, xe tải… giành đường khiến không ít người chạy xe máy phải leo lề.

Tương tự, giao thông trên các tuyến đường gần khu vực trên như Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát… cũng trong tình trạng thường xuyên ùn ứ. "Lượng xe ngày càng nhiều trên các tuyến đường này nên không chỉ giờ cao điểm mà mỗi buổi chiều, từ khoảng 15 - 16 giờ đã bắt đầu kẹt cứng ở các giao lộ. Vì vậy, việc mở thêm đường tại khu vực này là rất cần thiết và cần sớm thực hiện để giải quyết tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng" - ông Bùi Văn Bình (ngụ đường Nguyễn Thị Thập, quận 7) nói.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng Phòng Kế hoạch và Đầu tư Sở GTVT TP, do sức ép của tốc độ phát triển kinh tế đô thị và áp lực giao thông đang ngày càng gia tăng ở khu Nam nên TP phải mở rộng cầu Kênh Tẻ. "Nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, khu vực trên cần nhiều công trình lớn, có sự kết nối đồng bộ mới hạn chế được tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông. Trong đó, việc thực hiện nhanh dự án đường trục Bắc - Nam là một yêu cầu bức thiết bởi sẽ giúp kết nối giữa các tuyến vành đai với các đường hướng tâm" - ông Toàn cho hay. Ông Toàn nhìn nhận tuyến đường này sẽ giúp khép kín và tạo ra mạng lưới liên hoàn giữa giao thông nội đô cùng giao thông đối ngoại, đồng thời trong tương lai sẽ tạo ra sự kết nối mạng lưới vận tải giữa các tuyến đường vành đai 2, 3 và 4 với các cụm cảng biển, KCX-KCN, không chỉ thuận lợi ở riêng khu vực này mà còn liên vùng với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều nhà đầu tư quan tâm

Trước đó, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh và một doanh nghiệp khác đã đề xuất được đầu tư 2 đoạn đường trên. Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh đề xuất đầu tư đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm, theo hình thức hợp đồng BT, thanh toán bằng quỹ đất khoảng 1.200 ha trong khu đô thị Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Doanh nghiệp còn lại cũng đề xuất đầu tư đoạn từ Hoàng Diệu đến Nguyễn Văn Linh theo hình thức hợp đồng BT, thanh toán bằng quỹ đất khoảng 188,2 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Sau khi đồng ý về mặt chủ trương, Phó Chủ tịch UBND TP đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn 2 công ty trên cân đối kinh phí, nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu tiền dự án Đầu tư xây dựng đường trục Bắc - Nam trong thời gian 6 tháng. UBND TP cũng nêu rõ: "Việc giao nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu tiền dự án không phải điều kiện ràng buộc chỉ định các công ty trên là nhà đầu tư thực hiện dự án. Các đơn vị khác vẫn có quyền tham gia nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu tiền dự án theo quy định. Sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, TP sẽ tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư làm dự án theo đúng quy định hiện hành". Nếu báo cáo nghiên cứu tiền dự án không được phê duyệt hoặc quá thời gian 6 tháng mà chưa hoàn thành hoặc không được chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án thì xem như các công ty từ chối không tham gia tiếp tục đầu tư và tự chịu mọi khoản chi phí đã thực hiện.

Theo như tìm hiểu của phóng viên, đối với dự án đường trục Bắc - Nam các đoạn nêu trên, trước đây đã có một số nhà đầu tư quan tâm và được UBND TP chấp nhận chủ trương nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu tiền dự án. Cụ thể, vào tháng 9-2016, UBND TP đã chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) hợp tác cùng Công ty CP Tập đoàn phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Công ty CP An Phú, Công ty CP Đầu tư xây dựng Tấn Lộc nghiên cứu lập đề xuất đầu tư dự án xây dựng đường trục Bắc - Nam (đoạn Hoàng Diệu - Nguyễn Văn Linh - cầu Bà Chiêm) và khu đô thị Hiệp Phước theo hình thức đối tác công tư. Tuy nhiên, việc giao IPC lập nghiên cứu đề xuất không ràng buộc TP chỉ định IPC là nhà đầu tư dự án. Điều này đồng nghĩa với việc hiện nay có tổng cộng 3 đơn vị lập báo cáo nghiên cứu tiền dự án. 

Đã được quy hoạch

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính thủ phê duyệt tại Quyết định 568/2013 về điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, đường trục Bắc - Nam có chiều dài 34 km từ nút giao An Sương đến Vành đai 4 (huyện Nhà Bè).

Bao gồm các đoạn tuyến sau: điểm đầu (nút giao An Sương) - ngã ba Âu Cơ - Phạm Hồng Thái - cầu Ông Lãnh - Hoàng Diệu chiều dài khoảng 13,5 km, mặt cắt ngang 6-8 làn xe. Đoạn từ Hoàng Diệu - Tôn Đản - cầu Kênh Tẻ 2 - đường Nguyễn Văn Linh - cầu Bà Chiêm - Vành đai 4 (điểm cuối) dài khoảng 20,5 km, mặt cắt ngang 8-10 làn xe.

Liên quan đến dự án trên, hiện UBND quận 4, quận 7 và huyện Nhà Bè đã hoàn thành công tác khảo sát, điều tra sơ bộ hiện trạng, tình hình dân cư phải bồi thường giải phóng mặt bằng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo