Không chỉ có chuyện làm ngơ không cần bảo quản để gỗ dần mục ruỗng, gỗ cây xanh đô thị ở TP HCM sau khi đốn hạ, dù được bán theo hình thức đấu thầu như hiện tại hay bán tại chỗ như trước đây thì mức giá cũng ở mức... rẻ bèo. Vậy lỗ hổng nằm ở đâu?
Nguyên nhân này là của... chung!
Theo bà Huỳnh Thị Nga, Phó Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 (gọi tắt là Khu 3) - đơn vị được Sở Giao thông Vận (GTVT) TP HCM giao trách nhiệm xử lý gỗ công trên địa bàn TP, cho rằng trước năm 2015, toàn bộ số gỗ thu hồi được cấn trừ vào chi phí duy tu của nhà thầu. Sau đó, từ năm 2015, Sở GTVT TP không cho cấn trừ nữa mà chuyển sang thanh lý tập trung theo hình thức bán đấu giá. Thế nhưng, đến tháng 12-2016, UBND TP mới ban hành Quyết định 61 về Quy chế quản lý và xử lý vật tư thu hồi từ các công trình hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và công viên cây xanh do TP quản lý. Chính vì chậm ban hành quy định nên trong 2 năm 2015 và 2016, số gỗ thu hồi chưa được tổ chức đấu giá. Chưa hết, sau khi có quy định đến nửa năm, tức đến tháng 6-2017, thì Sở GTVT TP mới giao trách nhiệm xử lý gỗ thu hồi từ công tác duy tu cây xanh trên địa bàn TP cho Khu 3.
Trong tháng 11-2018, số gỗ nằm phơi nắng, phơi mưa tại Vườn ươm Đông Thạnh sẽ được thanh lý
"Ngay sau khi được sở giao, Khu 3 đã gửi văn bản đến 3 khu quản lý giao thông đô thị còn lại và Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn đề nghị các đơn vị này kiểm đếm số lượng gỗ hiện có. Tiếp đó, Khu 3 đã thuê Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán Việt Nam thẩm định giá trị khối lượng gỗ 1.696 m3 thu hồi trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2015 đến 28-2-2017. Đến ngày 31-1-2018, Sở GTVT TP phê duyệt mức giá khởi điểm là 1,222 tỉ đồng. Trong tháng 3-2018, Khu 3 thuê Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (thuộc Sở Tư pháp) tổ chức bán đấu giá. Đợt đấu giá này có 94 doanh nghiệp tham gia, kết quả đơn vị trúng thầu cao nhất với số tiền 1,77 tỉ đồng" - bà Nga thông tin.
Với thông tin bà Nga cung cấp, tính ra 1 m3 khối gỗ chỉ được định giá 720.000 đồng. Tính ra không đủ chi phí đốn hạ và chuyên chở, kho bãi? Bà Nga cho biết việc vận chuyển gỗ thu hồi từ đường phố về Vườn ươm Đông Thạnh do Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP thực hiện. Phía Công ty Công viên cây xanh TP đã có 2 lần đề xuất chi trả chi phí vận chuyển, trong khi trong quy định không có chi phí cho việc này. Vì vậy, Khu 3 đang nghiên cứu trước khi đề xuất Sở GTVT TP.
Riêng chi phí kho bãi và bảo vệ, một nguồn tin cho biết hiện Công ty Công viên cây xanh TP đang "giữ giùm" số gỗ ở Vườn ươm Đông Thạnh chứ chưa được thanh toán đồng nào. Đối với việc vận chuyển cây xanh bị đốn hạ trên đường Tôn Đức Thắng về khu đô thị Sala, Sở GTVT TP có văn bản đề nghị nhưng cũng chưa xác định kinh phí chi trả cho việc này.
Dù số gỗ bán đấu giá với giá rẻ bèo như thế nhưng bà Nga còn tiết lộ thêm thông tin khiến chúng tôi phải sốc. Đó là, theo bà Nga, giá trị thu về giữa cấn trừ như trước năm 2015 so với bán đấu giá thì bán đấu giá mang về số tiền cao hơn (!). Bà Nga cho biết thêm dự kiến giữa tháng 11-2018, sẽ tổ chức bán đấu giá thanh lý gỗ đợt 2 đối với số lượng gần 1.095 m3 thu hồi từ ngày 1-3-2017 đến 31-3-2018, số gỗ này được Sở GTVT TP phê duyệt với giá khởi điểm 2,352 tỉ đồng.
Cương quyết và hứa
Nói về cách khắc phục gỗ phơi mưa nắng thời gian dài dẫn đến mục ruỗng, bà Nga thừa nhận gỗ cây là một loại tài sản giảm chất lượng theo thời gian lưu kho, có nghĩa là giá trị thanh lý sẽ bị giảm nhưng vẫn phải thực hiện theo Quyết định 61 nên không thể đấu giá ngoài hiện trường. "Sắp tới, chúng tôi sẽ thực hiện kiểm đếm định kỳ 6 tháng/lần để xác định khối lượng gỗ là bao nhiêu rồi tổ chức thanh lý" - bà Nga khẳng định.
Bình luận về giải pháp thời gian thanh lý mà bà Nga đưa ra, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cây xanh cho rằng để 1 năm hay 6 tháng mới thanh lý gỗ cũng là quá lâu bởi gỗ sẽ bị mục nên Sở GTVT TP nên rút ngắn còn 2-3 tháng để nâng cao giá trị hoặc cách hay nhất là bán đấu giá ngay tại chỗ với nhiều đơn vị tham gia chứ không phải bán tại chỗ cho một đơn vị như trước năm 2015, với mức giá rẻ khó ngờ.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho rằng phải tùy vào khối lượng gỗ nhiều hay ít thì mới tổ chức bán đấu giá. Bên cạnh đó cũng còn phụ thuộc vào tình trạng của cây trên đường phố, nếu cây bị sâu bệnh, chết nhiều hoặc thời tiết xấu làm cây ngã đổ thì mới thu hồi, cây sinh trưởng bình thường thì không thể thực hiện bán đấu giá ngay tại hiện trường. Riêng tình trạng gỗ cây xanh thu về vẫn phải nằm ngoài trời, ông Hưng lý giải là do các đơn vị không có bãi để bảo quản nhưng nếu ít gỗ quá mà tổ chức thanh lý thì có khi chi phí tổ chức đấu giá còn tốn kém hơn số tiền thu về (!?).
Cũng theo ông Hưng, sắp tới đây, quan điểm của TP và sở là với những loại cây có giá trị thì sau khi đốn hạ, gỗ sẽ được dùng làm các sản phẩm phục vụ cộng đồng, chỉ có những khúc gỗ không chế tác được thì mới thanh lý. "Vừa rồi, Sở GTVT TP đã cho phép khu thí điểm làm các sản phẩm cho các công trình công cộng từ những cây có giá trị. Sau đó, sở sẽ đánh giá trước khi quyết định có nhân rộng ra các địa bàn còn lại hay không" - ông Võ Khánh Hưng nói.
Không nên dưỡng cây lớn sau bứng
Liên quan đến tình trạng cây xanh có đường kính tương đối lớn được bứng đem đến Công viên Gia Định dưỡng chết hàng loạt mà Báo Người Lao Động đã phản ánh hồi tháng 8-2018, các chuyên gia về cây xanh khuyến cáo đối với cây xanh có đường kính trên 20 cm ngoài đường phố thì không nên bứng dưỡng vì khả năng sống sót thấp. Trong trường hợp vẫn đem về trồng mà cây bị chết thì sẽ tổn thất kinh phí gấp 2 lần mà lại không hiệu quả.
Trước khuyến cáo trên, Sở GTVT TP cho biết sắp tới đây, sở này cũng chỉ bứng dưỡng những cây thuộc chủng loại quý và còn nhỏ, đưa về chăm sóc tại các công viên chứ không bứng dưỡng đại trà.
Tr.Hoàng
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-10
Bình luận (0)