Theo kế hoạch, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn và Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong sẽ chủ trì hội nghị các bộ, ngành, cơ quan trung ương góp ý cho Đề án chính quyền đô thị ở TP HCM trong sáng nay (19-9). Trước đó, UBND TP HCM đã có tờ trình, đề nghị Bộ Nội vụ thẩm định Đề án về thí điểm tổ chức mô hình CQĐT tại TP HCM.
Những lập luận từ thực tiễn
Theo UBND TP, với quy mô dân số và mật độ dân cư cao nhất cả nước là trên 10 triệu dân cùng với quy mô kinh tế và cường độ hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước, yêu cầu đặt ra là các quyết định quản lý hành chính của chính quyền TP HCM phải được triển khai đến chính quyền cơ sở, đến người dân và doanh nghiệp nhanh và chính xác, được thi hành kịp thời, đồng bộ, hạn chế việc các cấp trung gian diễn đạt và hướng dẫn lại. Đồng thời, do hoạt động kinh tế ở TP HCM có tính chất liên thông, liên kết và thường xuyên thay đổi giữa các quận, huyện, phường, xã, thị trấn, việc cung cấp các dịch vụ hạ tầng như điện, cấp - thoát nước, xử lý rác thải, giao thông công cộng, y tế, giáo dục đòi hỏi phải được quy hoạch và thực hiện thống nhất, đồng bộ toàn TP, không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Là đô thị đặc biệt, TP HCM rất cần một bộ máy chính quyền đô thị hiện đại để phát triển bền vững. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
UBND TP cho rằng với thực tế các biến động về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, dân cư tăng nhanh, TP rất cần một bộ máy chính quyền đô thị hiện đại, có khả năng lập kế hoạch, sử dụng các tài nguyên, phát triển các dịch vụ hạ tầng đồng bộ, hiệu quả cao, đáp ứng nhanh.
Ngoài ra, UBND TP cũng nêu thêm lý do cần thiết thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, đó là công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội phải được rút ngắn thời gian, quy trình xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện thống nhất trong các cấp chính quyền toàn TP HCM. Thực tế ở các nước phát triển, bộ máy chính quyền đô thị cũng khác vùng nông thôn. Mặt khác, TP HCM đã có kinh nghiệm thí điểm thành công việc thí điểm không tổ chức HĐND ở tất cả quận, huyện, phường trên địa bàn TP. "TP HCM đang tiến hành xây dựng Đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, đáp ứng yêu cầu phát triển TP nhanh và bền vững trong thời gian tới; đồng thời đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chính quyền đô thị" - tờ trình của UBND TP nhấn mạnh.
Hóa giải những bất cập
Về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM, TP sẽ tổ chức chính quyền địa phương ở TP HCM, TP thuộc TP HCM (trường hợp thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức), huyện, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. TP HCM tổ chức chính quyền địa phương ở quận và phường thuộc TP HCM là UBND quận, UBND phường.
Trong phần nội dung đề án, UBND TP đề cập đến nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND TP thuộc TP HCM. Theo đó, HĐND TP thuộc TP HCM thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn như quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương (bao gồm dự toán ngân sách chính quyền địa phương cấp dưới) và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình...; giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của HĐND cấp mình ở phường; giám sát hoạt động của UBND, chủ tịch UBND phường trực thuộc...
Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP thuộc TP HCM cũng được đề cập trong tờ trình. Theo đó, UBND TP thuộc TP HCM thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn như xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn...; quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách phường trực thuộc, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách TP, các nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý, trừ dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ...
Ủng hộ TP HCM thí điểm mô hình chính quyền đô thị, ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam của Bộ Nội vụ, nói thực tế cho thấy để bảo đảm vận hành, điều hành của chính quyền được nhanh chóng, hiệu lực, hiệu quả, giảm bớt tầng trung gian, đáp ứng nhanh chóng mọi yêu cầu của người dân, cần có mô hình riêng cho đô thị, đó là mô hình chính quyền đô thị. "Lâu nay, chúng ta tổ chức quản lý đô thị không khác với địa bàn nông thôn và những bất cập cũng xuất phát từ đó. Có thể nói một cách hình ảnh "dùng chiếc áo mặc cho nông thôn để mặc cho đô thị là không phù hợp với tầm vóc to lớn của đô thị" - ông Diệp Văn Sơn phân tích.
Theo ông Diệp Văn Sơn, những bất cập trên chỉ có thể hóa giải khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị bởi mô hình này đòi hỏi công tác quản lý đô thị phải có những đặc thù riêng, bảo đảm các nguyên tắc: tập trung thống nhất cao, tránh tình trạng cắt khúc; quản lý đô thị nhất thiết phải dựa theo quy hoạch; tổ chức quản lý đô thị theo nguyên tắc trực tiếp; phân cấp quản lý rành mạch giữa ngành và cấp ở đô thị; triệt để sử dụng công cụ pháp luật để quản lý đô thị; bộ máy quản lý đô thị phải tinh gọn, có kiến thức về quản lý đô thị; luật pháp phải đồng bộ, pháp chế nghiêm, phương tiện quản lý phải hiện đại.
Cơ cấu tổ chức HĐND TP HCM thế nào?
Về cơ cấu tổ chức của HĐND TP HCM, khi thực hiện thí điểm chính quyền đô thị sẽ không tổ chức HĐND quận, phường, vì vậy để thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu HĐND TP HCM cần được tăng cường về số lượng, chất lượng.
TP HCM đề xuất cơ cấu tổ chức của HĐND TP HCM được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Cụ thể, TP HCM được bầu 105 đại biểu; Thường trực HĐND TP HCM gồm chủ tịch, 2 phó chủ tịch và các ủy viên là trưởng ban của HĐND TP HCM. Chủ tịch HĐND TP HCM có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Ban của HĐND TP HCM có không quá 2 phó trưởng ban là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; trưởng ban của HĐND TP HCM có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
Bình luận (0)