Ngày 1-3, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, Sở Khoa học và Công nghệ, ĐHQG TP HCM và Thành Đoàn thành phố tổ chức tọa đàm "Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, các hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cơ hội và thách thức". Tọa đàm là một trong số các động thái nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình "Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP HCM giai đoạn 2020-2030".
Trang bị kiến thức để làm chủ ChatGPT
Tại tọa đàm, nhiều đại biểu nhận xét trí tuệ nhân tạo nói chung và ChatGPT nói riêng nếu được cung cấp dữ liệu đầu vào tốt thì sẽ hình thành sản phẩm tốt. Chính vì thế, nếu không có sự kiểm soát dữ liệu đầu vào, thông tin tạo ra sẽ sai lệch. Đây là nguy cơ của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thất thoát dữ liệu, thậm chí là lừa đảo trên không gian mạng…
Tại tọa đàm, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đã đặt hàng nghiên cứu ứng dụng ChatGPT vào 4 lĩnh vực
Theo PGS-TS Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM), ChatGPT sẽ hỗ trợ khá nhiều cho công tác quản lý nhà nước, nhất là ở nhóm công việc phân loại thông tin, trả lời tự động. "Bình thường, mỗi ngày một cơ quan hành chính có thể nhận tới hàng ngàn thư từ, thông tin phản ánh từ người dân, doanh nghiệp. Nếu giao cán bộ phân loại phải mất vài ngày nhưng ChatGPT sẽ xử lý sẽ nhanh hơn, giúp nhà quản lý phân loại các phản ánh theo từng nhóm ngành nghề và chuyển tới các phòng ban xử lý theo đúng chuyên môn" - TS Đinh Điền phân tích.
Tuy nhiên, TS Đinh Điền cũng lưu ý ứng dụng này có sai số. Sai số ở đây là việc cung cấp các kiến thức về kinh tế, xã hội, lịch sử... có rất nhiều kết quả khác nhau. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước muốn sử dụng ChatGPT hiệu quả thì phải làm chủ nó. Nghĩa là người dùng phải tự trang bị kiến thức kỹ càng để có thể kiểm chứng độ chính xác mà ChatGPT cung cấp.
Trong khi đó, TS Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam, nhận định ChatGPT tiềm ẩn một số rủi ro như tin giả, lừa đảo mạng, thất thoát dữ liệu nhạy cảm. Do đó, cần có cơ chế kiểm soát và bảo vệ dữ liệu đầu vào, kiểm định tri thức đầu ra. Người dùng cũng cần chủ động bảo vệ tính riêng tư, không tin ChatGPT một cách máy móc, mù quáng.
Tiếp cận thận trọng, khoa học
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Lâm Đình Thắng cũng nhìn nhận để tiếp cận ChatGPT hiệu quả thì cần bình tĩnh, thận trọng, xem xét một cách khoa học, tận dụng những lợi thế và xác định những rủi ro.
Dẫn nhiều ý kiến cho rằng ChatGPT có thể ứng dụng vào hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho công dân hay hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc ra quyết định, ông Lâm Đình Thắng nói dù có nhiều mặt tích cực nhưng ChatGPT cũng đặt ra những thách thức, tiềm ẩn cho công tác quản lý nhà nước. Cụ thể như thách thức trong bảo đảm tính minh bạch, chính xác và an toàn thông tin.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM mong muốn qua tọa đàm, các đơn vị sẽ xác định được những giải pháp trong thời gian sắp tới gắn với ChatGPT. Ông lấy ví dụ như việc ứng dụng công cụ trên vào các Cổng dịch vụ công của thành phố và các đơn vị hoặc hệ thống tổng đài 1022... Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ hành chính, hỗ trợ công chức trong quá trình làm việc, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức khẳng định TP HCM rất quan tâm ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ trên tất cả lĩnh vực, trong đó có ChatGPT. "ChatGPT hay một ứng dụng nào khác cũng là một công cụ do con người tạo ra, điều quan trọng là sử dụng như thế nào. Hiểu đúng về ưu điểm lẫn nhược điểm và sử dụng đúng, ChatGPT sẽ mang lại hiệu quả, phục vụ người dân, phục vụ chính quyền thành phố một cách tốt nhất" - ông Dương Anh Đức nói.
Theo ông Dương Anh Đức, đối với ChatGPT cần tiếp cận đa chiều. Cần tìm hiểu, nghiên cứu ứng dụng cho từng lĩnh vực, từng ngành nghề một cách hiệu quả để góp phần cải thiện công việc cho bộ máy nhà nước, nhất là khi ChatGPT có rất nhiều điểm mạnh.
Đặt hàng 4 lĩnh vực
Tại tọa đàm, Sở Thông tin và Truyền thông đã đặt hàng nghiên cứu ứng dụng ChatGPT vào 4 lĩnh vực. Một là, ứng dụng ChatGPT hỗ trợ thành phố nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ. Cụ thể, ứng dụng ChatGPT vào dịch vụ công trực tuyến, trả lời tiến độ giải quyết thủ tục hành chính; ứng dụng ChatGPT vào tổng đài 1022 nhằm ghi nhận và trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Thứ 2, ứng dụng ChatGPT trong việc hỗ trợ cho lãnh đạo thành phố, như xây dựng hệ thống trợ lý ảo, đăng ký và kiểm tra lịch làm việc, tóm tắt hồ sơ, tài liệu. Thứ 3, ứng dụng ChatGPT làm trợ lý ảo học tập phục vụ cho giảng viên, thầy cô giáo, học sinh trên địa bàn. Thứ 4 là nghiên cứu cơ chế bảo mật, quản lý dữ liệu trong việc sử dụng ChatGPT.
Bình luận (0)