Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết trước đây do không có cảng biển và ách tắc về hạ tầng giao thông nên tỉnh khó kêu gọi đầu tư. Tỉnh mong muốn phát triển các KCN thông qua hệ thống cảng biển. "Tỉnh rất kỳ vọng khi giao thông được kết nối, đặc biệt là cảng biển tổng hợp Cà Ná sẽ mở ra hướng phát triển cho các KCN" - ông Trần Quốc Nam nói.
Đến nay, 3 KCN Du Long, Phước Nam và Thành Hải mới chỉ lấp đầy khoảng 57%. Khi cảng biển tổng hợp Cà Ná (cảng Cà Ná) với tổng diện tích quy hoạch 85,52 ha, gồm 2 bến cảng tiếp nhận hàng tổng hợp, hàng container, hàng rời trọng tải đến 100.000 DWT đi vào vận hành, sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Sài Gòn, cho rằng cảng Cà Ná có vị trí tiệm cận với tuyến hàng hải quốc tế, sẽ là nơi trung chuyển nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất năng lượng... Theo ông Tâm, hiện cảng Sài Gòn đang phát triển về các chuỗi kết nối logistics tại khu vực Nam Trung Bộ với TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam. Trong chuỗi logistics này, cảng Sài Gòn có hệ thống cảng trong khu vực TP HCM và có 3 cảng liên doanh tại khu vực Cái Mép. Khi Tập đoàn Trung Nam, đơn vị chủ đầu tư cảng Cà Ná, ký kết hợp tác cùng Công ty CP Cảng Sài Gòn thì sẽ kết nối chuỗi logistics từ TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đến Ninh Thuận, trước khi vào TP HCM và ngược lại. "Bên cạnh vận chuyển hàng hóa thì chuỗi logistics này sẽ thu hút thêm các doanh nghiệp (DN) vào các KCN tại Ninh Thuận thông qua cảng Cà Ná" - ông Nguyễn Lê Chơn Tâm cho hay.
Theo báo cáo của tỉnh Ninh Thuận, năm 2022, toàn tỉnh đón khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó TP HCM chiếm 60% tổng lượng khách. Sau các hội nghị xúc tiến của Ninh Thuận tại TP HCM, lượng khách từ thành phố đến tham quan, du lịch tại Ninh Thuận ngày một tăng dần. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết các DN du lịch TP HCM đánh giá cao tiềm năng du lịch của Ninh Thuận, tuy nhiên tỉnh cần tạo ra các sản phẩm độc đáo, khác biệt. Trong đó, khai thác tối đa thế mạnh từ vị trí địa lý, bãi biển là hướng gợi mở. "Hiện loại hình du lịch tàu biển của TP HCM đang rất phát triển nhưng chủ yếu là liên kết với các tỉnh ĐBSCL, chưa có nhiều DN đầu mối tàu biển để đưa khách đến vùng Nam Trung Bộ và các tỉnh ven biển của phía Bắc. Việc Ninh Thuận có lợi thế về cảng biển sẽ là điều kiện để kết nối thêm nhiều hướng phát triển mảng tàu biển, qua đó tăng thêm dòng khách trung và cao cấp từ TP HCM, thậm chí là khách quốc tế đến Ninh Thuận thông qua kênh này" - bà Ánh Hoa nhận định.
Bình luận (0)