Sáng 12-7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã làm việc với UBND TP HCM về Nghị quyết 53/2005 và Kết luận 27/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 của TP HCM.
Tránh "mạnh ai nấy làm"
Thay mặt UBND TP HCM báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 53, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ chậm lại và chậm hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Giai đoạn 2016-2020, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tăng trưởng 5,6%, vùng Đông Nam Bộ tăng trưởng 5,5%, trong khi cả nước tăng 5,9%. Phân tích nguyên nhân, bà Mai nói sự phối hợp, phát triển vùng dựa trên khai thác những tiềm năng và lợi thế của từng địa phương còn nhiều bất cập.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: Trung tâm Báo chí TP HCM)
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Phạm Bình An cũng nhìn nhận vùng Đông Nam Bộ có nhiều lợi thế nhưng chưa thể phát triển đúng định hướng. Vướng mắc lớn nhất là thiếu giải pháp về mặt thể chế. Riêng đối với TP HCM, thời gian qua gặp nhiều điểm nghẽn khi thiếu hạ tầng kết nối vùng, nguồn lực tài chính.
"Mổ xẻ" tiếp nguyên nhân, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đánh giá thời gian qua, các địa phương trong vùng chưa làm tốt vai trò, lợi thế, sứ mệnh của mình. "Người ta nói mạnh nhất là "mạnh ai nấy làm" nên chỗ này phải ngồi bàn lại để tính toán, từ đó làm bật vai trò, sứ mệnh của vùng so với cả nước"- ông Phan Văn Mãi nói. Ngoài ra, theo Chủ tịch UBND TP HCM, Hội đồng vùng cần được thành lập lại trên cơ sở thành phần phù hợp. Hội đồng vùng phải theo dõi, xác định mục tiêu vùng; giám sát tiến độ, trách nhiệm và nguồn lực. Nếu thực hiện chưa đúng thì có cơ chế cảnh báo. Hội đồng vùng cũng phải có một bộ máy giúp việc và có cơ chế cho các địa phương đóng góp kinh phí để cho bộ máy này hoạt động. Bên cạnh đó, cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn, rõ ràng hơn kèm theo điều kiện để tránh phân cấp, phân quyền xong khi thực hiện vẫn phải xin ý kiến bộ, ngành trung ương, rồi quay về làm theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng cần khẩn trương thực hiện công tác lập quy hoạch vùng. Theo Chủ tịch UBND TP HCM, phải xác định đến năm 2045, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ phải đạt mục tiêu cao hơn mục tiêu cả nước đề ra. Trước hết, đây phải là đầu tàu thật mạnh, là trung tâm của khu vực và quốc tế, vừa đóng góp vừa làm lực kéo cho cả nước.
Mạnh dạn đề xuất cơ chế mới
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết đây là dịp để đánh giá lại mặt được, chưa được, thấy được những hạn chế, yếu kém cũng như điểm nghẽn, nút thắt đang làm cản trở sự phát triển của vùng. "Quan trọng hơn nữa là sắp tới chúng ta định hình như thế nào trước bối cảnh mới, chủ trương mới của Đảng. Từ đó, đưa ra định hướng, tầm nhìn phát triển vùng phù hợp" - ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong vùng Đông Nam Bộ, TP HCM là cực tăng trưởng, trung tâm lớn nhất của vùng, quyết định cho cả vùng. Do đó, phải xác định cơ hội, định hình lại để tính bước phát triển thời gian tới. Từ định hướng đó thì có kiến nghị gì về cơ chế, chính sách? "TP HCM và vùng Đông Nam Bộ phải có những cơ chế chính sách mới. Những cơ chế này phải đặc thù, vượt trội so với cả nước, cạnh tranh với quốc tế" - Bộ trưởng nêu và cho rằng TP HCM cùng với vùng Đông Nam Bộ nên mạnh dạn đề xuất những cơ chế chính sách này để phát triển.
Liên quan đến cơ chế liên kết vùng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết đây không phải vấn đề mới, các bộ, ngành đã nghiên cứu rất sâu và rất lâu nhưng chưa có kết quả. Theo ông, một số nước như Pháp, Bỉ có chính quyền vùng, ngân sách vùng nhưng luật pháp Việt Nam không có "tính vùng" nên không có thể chế riêng cho từng vùng. Cơ quan vùng không phải là cơ quan cấp trên của tỉnh, thành phố; không chính danh, không có địa vị pháp lý nên không có quyền lực, không có ngân sách. Do đó, Bộ trưởng đề nghị dựa trên hiện trạng của thể chế, cần nghiên cứu vấn đề này sâu hơn, đề xuất thế nào là Hội đồng vùng, quy chế phối hợp, điều phối, ngân sách, thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng vùng trong bối cảnh không có thể chế của một cấp chính quyền vùng.
Riêng về TP HCM, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Thành phố cần mạnh dạn kiến nghị cơ chế chính sách vượt trội, cạnh tranh, đặc thù. Quan trọng nhất là TP HCM phải là nơi được thí điểm, áp dụng những gì mới đầu tiên. Chứ TP HCM cũng "đi" như các địa phương, dùng cơ chế chung thì rất khó...
Biên chế cần phù hợp với dân số, khối lượng công việc
Chiều cùng ngày, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đã tổ chức hội nghị góp ý dự thảo báo cáo tổng kết Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội và báo cáo sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: NGUYỄN PHAN
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã thảo luận sâu về vấn đề biên chế của thành phố. Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM, nhấn mạnh thành phố là địa phương mà công chức phục vụ số lượng người dân lớn nhất cả nước. Trong khi 1 quận, huyện của cả nước bình quân có 137.000 dân thì con số này ở TP HCM là 441.000 dân. "Khi đó, bị áp lực thì chắc chắn sẽ có sai sót. Do đó, biên chế của quận và phường phải xét đến yếu tố dân số" - ông Nhân nói. Cũng cho rằng thành phố có những phường có dân số cực lớn, từ đó ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất cứ mỗi đơn vị hành chính có dân số gấp đôi bình quân cả nước thì tăng 15% biên chế. Cùng quan điểm, đại biểu Trần Kim Yến, Bí thư quận 1, nói khối lượng công việc cán bộ công chức ở TP HCM phải giải quyết rất nhiều, có nơi đến 2-3 giờ sáng mới về đến nhà nhưng 7 giờ sáng hôm sau phải quay trở lại công việc. Vì thế, bà Yến cho rằng việc phân bổ cán bộ công chức còn cần phải dựa theo khối lượng công việc.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cảm ơn sự góp ý toàn diện, chi tiết trên tinh thần thẳng thắn của các đại biểu. "Từ những góp ý của các đại biểu Quốc hội, TP HCM sẽ "gia công" thêm báo cáo, làm rõ những mặt được, chưa được khi thực hiện Nghị quyết 54. TP HCM sẽ có đánh giá những gì nên kế thừa và tiếp tục, những gì cần loại ra, những gì cần bổ sung mới. Nhất là trong những cơ chế, chính sách bổ sung mới phải giúp cho thành phố thực hiện được vị trí, vai trò, sứ mệnh của đầu tàu. Đây phải thật sự là những cơ chế đặc thù, vượt trội" - ông Phan Văn Mãi nói. Chủ tịch UBND TP HCM cho biết từ đây cho đến hết tháng 7, Ban Biên soạn cố gắng hoàn thiện báo cáo để trình cho Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM. Sau đó, thành phố sẽ làm việc với các cơ quan trung ương, đặc biệt là các cơ quan của Quốc hội, để đủ điều kiện trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2022.
Khai thác hàng ngàn hécta đất dọc Vành đai 3
Đề cao hiệu quả nguồn lực đất đai, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM Võ Trung Trực cho biết sở này đang nghiên cứu đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với các tuyến đường giao thông. Hiện nhu cầu vốn để tổ chức thu hồi đất, bồi thường, tái định cư đối với các khu đất liền kề, lân cận tuyến đường giao thông rất khó khăn vì không thể chi từ vốn ngân sách. Dẫn chứng đường Vành đai 3, ông Trực cho hay thành phố cần hơn 100.000 tỉ đồng để thu hồi đất, bồi thường và tái định cư đối với khoảng 2.000 ha đất liền kề.
Tuy nhiên, TP HCM không thể bố trí kinh phí thực hiện. Vì thế, Sở TN-MT đề xuất thí điểm triển khai thu hồi đất, bồi thường tái định cư theo hướng bố trí đất ở bằng diện tích đất ở tương tự, đất nông nghiệp sẽ tính toán quy đổi giữa giá bồi thường dự kiến với tỉ lệ hoán đổi từ đất nông nghiệp qua đất ở. Nếu làm theo phương án này, từ quỹ đất thu hồi, thành phố làm lại quy hoạch, đầu tư thêm cơ sở hạ tầng và tổ chức bán đấu giá để thu về nguồn lực lớn, tái đầu tư phát triển. Dự kiến, đề án sẽ được Sở TN-MT trình UBND TP HCM trong tháng 7-2022.
Bình luận (0)