Ngày 23-11, UBND TP HCM tổ chức Diễn đàn Kinh tế TP năm 2018 với chủ đề "Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác - Vai trò động lực của doanh nghiệp (DN)" với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về lĩnh vực đô thị thông minh trong và ngoài nước.
Kết nối 4 nhà và 5 giải pháp thực hiện
Ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết đây là lần đầu tiên TP tổ chức diễn đàn này nhằm thảo luận vai trò DN trong việc xây dựng khu đô thị sáng tạo cũng như lắng nghe sáng kiến để kết nối 4 nhà: nhà nước - nhà DN - nhà khoa học và nhà đầu tư. Khi triển khai xây dựng khu đô thị sáng tạo thì TP có thuận lợi là Quốc hội thông qua đề án thí điểm cơ chế đặc thù và đang chuyển mình để bước vào giai đoạn là một siêu đô thị. Chủ tịch UBND TP nhận định để xây dựng thành công khu đô thị sáng tạo thì cần gắn kết, tương tác giữa 4 nhà, trong đó, DN đóng vai trò tiên phong, là động lực cho mọi đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, cung cấp nhân lực tài chính, triển khai các ý tưởng khởi nghiệp và công nghệ mới.
Để thực hiện mục tiêu này, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, cho rằng TP sẽ triển khai 5 giải pháp để đẩy nhanh xây dựng khu đô thị sáng tạo. Thứ nhất, hình thành mạng lưới lãnh đạo các tổ chức, DN - viện trường - nhà nước để hợp tác chính thức về việc lập chương trình, thiết kế, phân phối, tiếp thị và quản trị. Thứ hai, đặt ra tầm nhìn cho sự phát triển đô thị trên cả 3 lĩnh vực: kinh tế, đô thị và xã hội. Thứ ba, xây dựng các chiến lược thu hút tài năng và công nghệ để tạo ra một nền tảng chất lượng cao cho các công ty sáng tạo. Thứ tư, thúc đẩy tăng trưởng tổng thể bằng cách sử dụng khu vực đổi mới làm nền tảng tái tạo các vùng lân cận đang gặp khó khăn cũng như tạo ra các cơ hội giáo dục, việc làm và cơ hội khác cho cư dân có thu nhập thấp. Thứ năm, tăng cường khả năng tiếp cận vốn để hỗ trợ khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, khởi nghiệp và mở rộng DN, phát triển bất động sản đô thị, dân dụng, công nghiệp và thương mại.
Chỉ có thể là khu vực phía Đông
Tham dự diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân khẳng định tiềm năng về giáo dục, khoa học công nghệ ở khu vực phía Đông TP (gồm các quận 2, 9, Thủ Đức) là rất lớn với 16 trường đại học và 500.000 sinh viên, đây là hạt nhân của TP để xây dựng đô thị sáng tạo. Do đó, cần phải kích thích được khu vực này, nhất là nâng cao khả năng nghiên cứu của viện - trường. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cũng đặt ra nhiều câu hỏi gợi mở để các chuyên gia, nhà nghiên cứu thảo luận và tìm lời giải, cách làm phù hợp. Cụ thể, với khu đô thị sáng tạo, làm thế nào để tạo điều kiện cho sự tương tác giữa các bên có liên quan? Cách nào xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách để thúc đẩy các bên cùng hợp tác nhằm đáp ứng công việc và cuộc sống hằng ngày của mỗi người? Dẫn ra việc Khu Công nghệ cao TP HCM đã tồn tại 15 năm nhưng chưa tận dụng được hết, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng vấn đề đặt ra là làm thế nào để tạo điều kiện cho sự tương tác hiệu quả giữa các bên liên quan?
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, đánh giá xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông là hợp lý nhất. Bởi nơi đây dễ dàng kết nối chặt chẽ, hiệu quả các chức năng trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực trình độ cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, dịch vụ theo chuẩn quốc tế. Qua đó, hình thành các chuỗi giá trị gia tăng từ khâu nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng, thiết kế, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có hàm lượng khoa học cao. "Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ trở thành lõi trung tâm kinh tế sầm uất, giáo dục khoa học sáng tạo mở phát triển bậc nhất của Việt Nam và Đông Nam Á" - ông Nhã nhận định. Nơi đây sẽ phát triển theo hướng mở, chấn hưng nền giáo dục trong các lĩnh vực tiên phong, nghiên cứu khoa học kỹ thuật chuyên sâu, chiến lược đặc biệt của Chính phủ và TP HCM.
Ở góc độ quản lý đô thị, GS-TS Nguyễn Trọng Hòa nhận xét chủ trương hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông đã nâng tầm công tác quản lý phát triển đô thị tại TP lên tầm cao mới, rút ngắn khoảng cách so với các đô thị phát triển trên thế giới. Ông cũng dự đoán nơi đây chắc chắn trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của TP và khu vực trong tương lai.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cam kết TP làm hết sức để DN trở thành động lực của đô thị sáng tạo. "TP sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, khung pháp lý minh bạch, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của DN và cung cấp những hỗ trợ tốt nhất" - người đứng đầu chính quyền TP HCM nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tham quan các gian hàng triển lãm tại Diễn đàn Kinh tế TP năm 2018. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Những việc cần làm ngay
PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho rằng TP cần thành lập hội đồng đô thị sáng tạo với một nhóm nhà lãnh đạo có tầm nhìn và sức ảnh hưởng ở các lĩnh vực khác nhau để lồng ghép chuyên môn trong quá trình hoạt động và tránh hành chính hóa cơ quan này. Nhiệm vụ của hội đồng là xây dựng lộ trình tổng thể mang tính định hướng chiến lược cùng các kế hoạch trung hạn và ngắn hạn. Ông Đạt cũng gợi ý trong thời gian 2018-2020, việc đầu tiên là đưa ra tầm nhìn cho khu đô thị sáng tạo gắn với 7 chương trình đột phá. Đồng thời, gia tăng kết nối giữa các phân khu, tổ chức các cuộc thi sáng tạo, ý tưởng khởi nghiệp. Đặc biệt, TP cần đẩy nhanh việc xúc tiến với các đối tác trong khu vực và trên thế giới cùng chung lĩnh vực.
TS Trần Du Lịch nói rằng giáo dục phải được ưu tiên hàng đầu vì nó quyết định sự thành công của khu đô thị sáng tạo. Nếu các trường đại học không tạo ra sản phẩm công nghệ mới thì khó thực hiện. Để làm được việc này, TP cần phải thay đổi phương thức tài trợ cho khoa học theo đầu vào như hiện nay mà phải tài trợ đầu ra, nghĩa là sản phẩm nào có giá trị thì sẽ được trả kinh phí xứng đáng. Đồng quan điểm, ông Kyosuke Nagata, Hiệu trưởng Đại học Tsukuba, khẳng định hệ thống trường đại học đóng vai trò cốt lõi quan trọng của một TP sáng tạo, còn hoạt động kinh doanh vì khoa học công nghệ luôn là lợi thế cạnh tranh quan trọng. Dẫn chứng mô hình quy hoạch của TP Tsukuba, ông Kyosuke Nagata cho biết trường của ông cùng nhiều viện - trường khác nằm ngay trung tâm TP. Điều quyết định của TP sáng tạo là các DN tại đây liên kết chặt chẽ với các trường và thường xuyên đặt hàng các giải pháp công nghệ, sáng tạo từ các viện, trường trong TP.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý từ nước ngoài tham gia diễn đàn khuyến cáo TP phải bắt tay ngày vào việc lập quy hoạch, kế hoạch cho tương lai. Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khuyến cáo TP cần đổi mới về cơ sở hạ tầng cả phần cứng và phần mềm thông qua việc lập kế hoạch và tính đến việc kết nối với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương nhằm tạo ra một TP mang tính cạnh tranh, năng suất cao…
Sẽ nhân rộng
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao việc trao đổi, thảo luận giữa các học giả, nhà nghiên cứu và cộng đồng DN trong việc xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông TP HCM.
Phó Thủ tướng đề nghị ban tổ chức diễn đàn tổng hợp chi tiết các nội dung, ý kiến trao đổi tại diễn đàn, báo cáo lãnh đạo TP và Chính phủ để làm kênh tham chiếu trong quá trình hoạch định chính sách cũng như trong thực tiễn chỉ đạo điều hành xây dựng khu đô thị sáng tạo. Những bài học kinh nghiệm từ lý thuyết và thực tiễn của TP sẽ là nguồn tham khảo quý báu để nghiên cứu và nhân rộng ra các địa phương khác trong cả nước.
Mời gọi DN trong và ngoài nước tham gia
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm thông tin TP sẽ có các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút thêm nhiều nguồn lực và vốn từ xã hội, khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP cho các hợp phần của dự án khu đô thị sáng tạo. TP mong muốn cộng đồng DN trong nước và quốc tế tham gia đầu tư, kinh doanh trên khu vực này tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, quan tâm đổi mới công nghệ trong sản xuất bằng cách hướng đến công nghệ cao, tự động hóa và dây chuyền linh hoạt có thể điều hành từ xa. TP khuyến khích hợp tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm thương mại giữa DN và viện - trường.
Bình luận (0)