Hôm nay (8-6), dự kiến các đại biểu Quốc hội thảo luận tại nghị trường về dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, thay thế Nghị quyết 54/2017. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Người Lao Động trước phiên thảo luận.
. Thưa ông, quá trình TP HCM chuẩn bị nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 diễn ra thế nào?
- Ông PHAN VĂN MÃI: Từ khi chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 16 và Nghị quyết 54, TP HCM đã bắt tay vào xây dựng nghị quyết mới; tổ chức lấy ý kiến qua việc tổ chức hội thảo, tọa đàm...
Xét yêu cầu phải có nghị quyết mới bao quát hơn, giúp thành phố tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn chiến lược, đồng thời tạo ra động lực phát triển đột phá thành phố, Quốc hội ban hành Nghị quyết 76/2022 về ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54.
Sau đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 31/2022 về phương hướng phát triển TP HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Quán triệt 2 nội dung này, TP HCM cùng trung ương soạn thảo nội dung nghị quyết mới, tìm ra cơ chế, chính sách vượt trội để thành phố giải quyết được những điểm nghẽn, vướng mắc; khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Từ đó, thành phố phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành trung ương chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy định, quy trình; tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, cán bộ công chức, các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội, HĐND, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Sau đó thành phố báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hoàn thiện hồ sơ bảo đảm quy trình, chất lượng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá quá trình chuẩn bị hồ sơ nghị quyết mới kỹ lưỡng, chất lượng; dự thảo đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét thông qua. Trong quá trình thảo luận tổ tại kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã có ý kiến về sự chuẩn bị công phu, chu đáo và đánh giá cao chất lượng dự thảo nghị quyết mới. Chúng tôi mong đại biểu Quốc hội tiếp tục góp ý để hoàn thiện, đồng thuận thông qua nghị quyết tại kỳ họp này.
. Thực hiện Nghị quyết 54, thành phố mất năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai. Để nghị quyết mới đi ngay vào cuộc sống sau khi được Quốc hội thông qua, TP HCM đã chuẩn bị những gì, thưa ông?
- Từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54, TP HCM đã có bài học về việc phát huy hiệu quả nghị quyết của Quốc hội để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Không đợi đến lúc Quốc hội thông qua, TP HCM đã có sự chuẩn bị chủ động cả về tâm thế, đội ngũ, điều kiện tổ chức thực hiện đến phân công chuẩn bị các nội dung cụ thể để trình cơ quan có thẩm quyền trong thời gian sớm nhất.
Trước mắt, TP HCM đang tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị dự thảo nghị định của Chính phủ hướng dẫn triển khai thực hiện nghị quyết mới về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Cùng với đó, TP HCM đã làm việc với bộ, ngành trung ương để có những hướng dẫn đối với những cơ chế, chính sách bắt buộc phải có hướng dẫn khi triển khai thực hiện.
Từ tháng 5-2023, UBND TP HCM đã ban hành kế hoạch triển khai chuẩn bị thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Đây là bước chuẩn bị với tâm thế chủ động, để không bị chậm trễ, đem lại hiệu quả thiết thực từ sớm và đầy đủ khi thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù của TP HCM. Bởi nếu chờ đợi đến khi Quốc hội thông qua rồi làm theo quy trình cũ thì sẽ mất thời gian và sự năng động vốn có của thành phố.
Việc chuẩn bị này TP HCM thực hiện thống nhất trên nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy trong quá trình triển khai các công tác chuẩn bị nội dung thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù; các đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy năng lực chuyên môn; bảo đảm đúng quy trình, thủ tục với tinh thần khẩn trương và hiệu quả.
Kế hoạch của UBND TP HCM xác định nội dung cụ thể của các cơ chế, chính sách đặc thù; từng đầu việc được phân công cho các sở, ban, ngành với trách nhiệm, nhiệm vụ rõ ràng để triển khai đồng bộ, bảo đảm tiến độ và yêu cầu nhiệm vụ, tương ứng 7 lĩnh vực trong dự thảo nghị quyết mới.
Ngay trong tháng 6 này, các sở, ngành sẽ hoàn thiện 8 tờ trình để UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm vào tháng 7-2023, ngay sau khi nghị quyết mới được Quốc hội thông qua.
Lộ trình đến tháng 9, tháng 12 cần trình lên HĐND thành phố những nội dung gì về cơ chế, chính sách theo nghị quyết mới cũng đã được UBND TP HCM lên kế hoạch. Cùng với đó, các cơ quan thẩm quyền cơ bản hoàn thiện công tác thể chế hóa trong năm 2003 và tập trung thực hiện trong 4 năm còn lại.
Sắp tới, Thành ủy TP HCM sẽ tổ chức hội nghị cán bộ để triển khai việc thực hiện Nghị quyết mới vào đầu tháng 7. Thành ủy TP HCM cũng sẽ có chỉ thị về việc này và nghiên cứu thành lập các tổ, ban chỉ đạo cũng như tổ chức các hội đồng tư vấn, tổ thư ký để triển khai, đưa nghị quyết mới vào cuộc sống một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Đặc biệt, trong quá trình triển khai, thành phố sẽ tiến hành sơ kết hằng năm để kịp thời đánh giá kết quả, điều chỉnh, bổ sung giải pháp để bảo đảm thực hiện thắng lợi nghị quyết. Trong quá trình thực hiện, thành phố cũng sẽ làm tốt công tác khen thưởng, kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo thành phố khảo sát thực tế tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: PHAN ANH
. Nghị quyết mới cũng là hiện thực hóa Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, giúp TP HCM có cơ chế vượt trội để thực hiện vai trò là hạt nhân, động lực cho vùng kinh tế Đông Nam Bộ và cho cả nước, thưa ông?
- Bộ Chính trị luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với TP HCM. Trong hơn 40 năm qua, Bộ Chính trị đã thông qua 4 nghị quyết vào các năm 1982, 2002, 2012 và 2022. Trong các nghị quyết này, TP HCM đều được Bộ Chính trị xác định là đầu tàu kinh tế và trao cho sứ mệnh lớn lao là động lực tăng trưởng của khu vực phía Nam và cả nước.
Tại Nghị quyết 31/2022, sứ mệnh, trọng trách ấy đã được Bộ Chính trị nâng tầm khi đặt mục tiêu đến năm 2030 TP HCM phải có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á; đến năm 2045 TP HCM phải phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á.
Mục tiêu, kỳ vọng được Bộ Chính trị đặt ra cho TP HCM rất lớn, ở một vị thế mới và cao hơn, không so sánh với tỉnh, thành khác trong cả nước mà ở thế trận với các thành phố lớn trên thế giới. TP HCM là bộ mặt quốc gia, phải sánh vai với khu vực và thế giới.
Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào, vừa là trọng trách lớn lao mà thành phố phải quyết tâm, nỗ lực thực hiện như phương châm nghị quyết đã đề ra: "TP HCM vì cả nước, cả nước vì TP HCM". Những cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá từ nghị quyết mới sẽ là điều kiện cần, "vũ khí" để TP HCM thực hiện sứ mệnh, nhiệm vụ lớn lao của Nghị quyết 31.
Thành lập Tổ Công tác
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã ký quyết định thành lập Tổ Công tác triển khai thực hiện các nội dung thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (gọi tắt là Tổ Công tác).
Tổ Công tác gồm 25 thành viên, do Chủ tịch UBND TP HCM làm Tổ trưởng; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ phó; thành viên là giám đốc các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức.
Tổ công tác có nhiệm vụ triển khai thực hiện các nội dung thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Cụ thể: Chỉ đạo thực hiện triển khai các nội dung thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố; chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các nội dung, đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; theo dõi, hướng dẫn thực hiện thống nhất các quy định có liên quan khi thực hiện thí điểm; chỉ đạo tổ chức sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-6
Bình luận (0)