Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa có quyết định ban hành kế hoạch sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp quận - huyện, cấp phường - xã TP HCM trong giai đoạn 2019-2021. UBND TP cho biết mục đích của việc sáp nhập là nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển kinh tế - xã hội của TP, khả năng quản lý của chính quyền cơ sở, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
Thực hiện trong 3 năm
Theo UBND TP, lộ trình của việc sáp nhập được tiến hành trong 3 năm. Trong năm 2019, sẽ cơ bản hoàn thành việc sáp nhập. Năm 2020 sẽ tổ chức đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 tại những đơn vị hành chính mới hình thành sau khi sáp nhập. Sau đó, tiến hành sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư tại những đơn vị hành chính mới hình thành. Đến năm 2021 sẽ tổ chức bầu cử đại biểu HĐND và kiện toàn tổ chức của HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021-2026 tại những đơn vị hành chính mới hình thành và tiến hành sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư sau khi kiện toàn.
TP HCM yêu cầu sau khi sáp nhập, người dân liên hệ làm thủ tục hành chính phải thông suốt. (Ảnh chụp ở UBND phường 11, quận 8 - phường nằm trong diện sáp nhập) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trao đổi với phóng viên chiều 13-6, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đỗ Văn Đạo cho biết việc sáp nhập không phải đề án riêng của TP mà là chủ trương chung. Năm 2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 37 và tháng 3-2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 653, Chính phủ ban hành Nghị quyết 32 liên quan đến việc sắp xếp lại đơn vị hành chính theo tiêu chí mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tại Nghị quyết 1211/2016 (tiêu chuẩn cấp phường là có diện tích không dưới 5,5 km2 và dân số phải đạt ít nhất 15.000 người).
Trên cơ sở chủ trương chung đó, ở giai đoạn 2019-2021, các đơn vị hành chính ở TP không đạt 50% về tiêu chí diện tích và dân số theo quy định phải sáp nhập. Theo ông Đạo, TP hiện có 322 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện thì có 15 phường không đạt theo tiêu chí phải sắp xếp lại. Trong 15 phường, quận 2 có 3 phường; các quận: 3, 4, 5, 10 và Phú Nhuận mỗi quận có 2 phường; quận 6 và quận 8 mỗi quận có 1 phường. Riêng cấp quận - huyện không có đơn vị thuộc diện phải sáp nhập trong giai đoạn 1.
"Riêng quận 2 có 3 phường đã bị giải tỏa trắng để xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, không còn dân. TP có đề xuất cho giữ nguyên không sáp nhập vì trong tương lai khi Khu đô thị mới Thủ Thiêm hình thành thì người dân sẽ về ở. Tuy nhiên, đây mới là bước tham mưu, quyết định cuối cùng thuộc về cấp trên" - ông Đỗ Văn Đạo thông tin.
Khó nhất vẫn là sắp xếp nhân sự
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP, cái khó nhất là sắp xếp "con người", giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức liên quan vì khi sáp nhập 2 phường thành 1 đương nhiên có những chức danh không còn, cán bộ, công chức sẽ dôi dư. Ví dụ như 2 ông bí thư, chủ tịch giờ chỉ còn 1 thì phải tính toán bố trí sao cho phù hợp. "TP đã động viên nhưng việc cán bộ, công chức nằm trong diện sắp xếp sẽ tâm tư là không tránh khỏi. Vấn đề này trung ương đã cho thời gian 3-5 năm để sắp xếp. Quy định cũng cho phép thời gian đầu các phường bị sáp nhập bảo đảm đội ngũ cán bộ, công chức cần thiết, sau đó từ từ mới giảm chứ không cắt giảm ngay được. Nên trước mắt ai làm việc đó, rồi tổ chức sẽ tính toán. Không thể trong một sớm một chiều làm ảnh hưởng đến công việc của các công chức, cán bộ vì họ còn gia đình nữa" - ông Đạo nói.
Đường Lương Nhữ Học đoạn thuộc phường 10, quận 5 - phường nằm trong diện sáp nhập Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trước lo lắng việc người dân, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, vướng mắc đi làm thủ tục hành chính khi TP tiến hành sáp nhập, ông Đạo cho hay đây không phải là lần đầu tiên TP thực hiện sáp nhập, tách đơn vị hành chính mà trước đó ít nhất đã 2-3 lần sáp nhập, điều chỉnh. Xáo trộn sau khi sáp nhập là điều không thể tránh khỏi. Ông Đạo nêu quan điểm: "Bất cứ sự thay đổi nào cũng sẽ gây ra xáo trộn trong một thời gian nhất định khi phải thay đổi địa chỉ, giấy tờ, giao dịch... Nhưng tôi cho rằng trong trường hợp này là cần thiết để tiến tới một nền hành chính tinh gọn, hiệu quả".
TP cũng đặt yêu cầu là khi sắp xếp, sáp nhập phải làm sao để phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn. Ông Đạo nói tinh thần chung là khi tiến hành các bước sắp xếp, sáp nhập phải hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đối với người dân và doanh nghiệp. Các phường trong diện sáp nhập không được lấy lý do đang sáp nhập, chưa ổn định về nhân sự mà chậm trễ giải quyết hồ sơ, công việc của người dân, doanh nghiệp.
Địa phương đã sẵn sàng
Về phía các địa phương thuộc diện sáp nhập cũng đã xây dựng phương án để trình lên TP. Ông Trương Hoài Phong, Trưởng Phòng Nội vụ, UBND quận 10, cho hay trên địa bàn quận có phường 3 (diện tích tự nhiên là 10,17 ha, dân số 7.213 người) và phường 6 (diện tích tự nhiên là 10,57 ha, dân số 7.536 người) thuộc diện phải sáp nhập. Quận đã trình phương án lên Sở Nội vụ TP. "Theo tính toán, quận sẽ nhập nguyên trạng phường 3 vào phường 2; nguyên trạng phường 6 vào phường 7. Sau khi nhập, quận sẽ còn 13 phường thay vì 15 phường như trước kia" - ông Phong thông tin. Dự kiến việc sáp nhập các đơn vị hành chính sẽ thực hiện trong quý IV/2019 sau khi Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể của TP, theo hướng dẫn của UBND TP, Sở Nội vụ và Sở Tài chính.
Theo ông Phong, nhằm ổn định bộ máy, tổ chức trong việc phục vụ người dân cũng như không làm ảnh hưởng đến tư tưởng, tinh thần, tâm lý làm việc của cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách, UBND quận 10 dự kiến giữ nguyên số nhân sự sau khi sắp xếp. Đồng thời tổ chức rà soát, điều động một số vị trí nhân sự là cán bộ chủ chốt, công chức dư dôi về các cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc UBND quận, các tổ chức Đảng, đoàn thể còn thiếu biên chế.
Riêng đối với người hoạt động không chuyên trách sẽ tổ chức rà soát, thực hiện theo giai đoạn 2021-2023. Đến năm 2024, bố trí bảo đảm số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách bảo đảm đúng theo điều 2 của Nghị định 34/2019 của Chính phủ. Đối với các trường hợp dôi dư không thể bố trí công tác khác, UBND quận thực hiện tinh giản biên chế và giải quyết chế độ chính sách sau khi có hướng dẫn của TP.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Thiện, Chủ tịch UBND phường 13, quận 3 (phường thuộc diện phải sáp nhập), cho biết quận đã thông tin xuống phường về việc này. Tinh thần là mọi người cứ ổn định làm việc, còn việc sắp xếp đã được quận tính toán. "Về phía phường, tôi cũng đã trao đổi với cán bộ, công chức; thông tin đến từng tổ dân phố để người dân biết kế hoạch sáp nhập của phường, tránh bất ngờ gây xáo trộn trong cuộc sống. Còn về nhân sự thì căn cứ vào đề án của quận mà mình thực hiện" - ông Thiện chia sẻ. Về phần mình, ông Thiện tâm sự: "Riêng bản thân tôi không có tâm tư gì về chuyện này. Tôi thấy bình thường, không có vấn đề gì. Đây là việc chung của TP, là chuyện cần phải làm, đúng quy định, phù hợp. Tôi sẽ theo sự phân công của tổ chức, của quận".
Chuẩn bị trình Bộ Nội vụ
Nói về các bước sắp xếp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Đỗ Văn Đạo cho hay sở này phối hợp cùng các đơn vị liên quan sẽ tham mưu cụ thể trình UBND TP, Thường vụ Thành ủy TP. Khi Thường vụ Thành ủy thống nhất mới trình lên Bộ Nội vụ xem xét. Bộ Nội vụ duyệt phương án tổng thể sẽ gửi lại cho TP ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể. Kế hoạch triển khai chi tiết của TP phải được HĐND các cấp thông qua, lấy ý kiến cử tri TP rồi mới thực hiện.
"Nói như vậy để thấy còn phải qua nhiều quy trình, thủ tục để khi triển khai thực hiện bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hợp lý. Cách làm cần chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm ổn định chính trị, xã hội. Do đó, quan trọng nhất là người đứng đầu hệ thống chính trị ở địa phương phải quán triệt chủ trương, tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận" - ông Đạo nói và cho biết trong tháng 6 này, TP phải trình phương án sáp nhập lên Bộ Nội vụ.
Bình luận (0)