Trong tổng số 11 dự án giao thông tĩnh thuộc chương trình giảm ùn tắc, tai nạn giao thông tại TP HCM giai đoạn 2016 - 2020, hiện chỉ 1 công trình bãi xe buýt tại huyện Cần Giờ đã hoàn thành. Trong khi đó, hàng loạt dự án bến bãi thuộc danh mục trọng điểm của ngành giao thông vận tải (GTVT) năm 2020 hiện cũng trong tình trạng trì trệ, không thể triển khai do không có mặt bằng, quy hoạch quỹ đất không hợp lý.
Nghịch lý quy hoạch bến bãi
Về nguyên nhân, trong nội dung gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc liên quan việc quy hoạch đất làm bãi đỗ xe công cộng tại TP HCM mới đây, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT, nêu rõ việc quy hoạch quỹ đất dành cho bãi đỗ xe tại nhiều quận, huyện không hợp lý. Cụ thể, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, bãi đỗ xe công cộng cần phân bổ và bố trí tại các khu đô thị, khu công nghiệp, chợ, ga hàng hóa, các công trình có yêu cầu vận chuyển, khu vực điểm đầu - cuối tuyến phục vụ xe buýt... Tuy nhiên, hiện một số quận, huyện tại TP, các đồ án quy hoạch khu dân cư lại không quy hoạch bãi đỗ xe công cộng phục vụ nhu cầu. Thậm chí, có những quận, huyện không bố trí quỹ đất quy hoạch làm bãi đỗ xe.
Đề cập sâu hơn về vấn đề này, một cán bộ thuộc Sở GTVT cho biết nhiều năm nay, ở các địa phương, việc lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết ở từng khu vực có tình trạng phát sinh nhiều thay đổi so với xác lập ban đầu. Tình trạng này đồng nghĩa quy hoạch bị thay đổi hoặc chưa thể đầu tư. "Bên cạnh đó, một vướng mắc lớn hiện nay ở quy hoạch vị trí bến bãi là một số khu vực chưa lập đồ án quy hoạch 1/2.000 hoặc đã lập nhưng lại thay đổi vị trí, quy mô so với trước. Đặc biệt, nhiều nơi cũng không cập nhật quỹ đất dành cho bến bãi hoặc thay đổi chức năng, lồng ghép vào các dự án xây dựng khu đô thị, dẫn đến không đủ cơ sở triển khai các bước tiếp theo" - cán bộ nêu trên cho hay.
Trong khi đó, ngoài vấn đề liên quan đến những bất cập ở việc quy hoạch, một khó khăn khác cũng được nêu ra trong việc đầu tư xây dựng các công trình bến bãi hiện nay là vướng giải phóng mặt bằng. Đơn cử như xây dựng bến xe buýt tại huyện Củ Chi, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho biết hiện dự án đang phải điều chỉnh chủ trương đầu tư do vướng mặt bằng. Trong khi việc điều chỉnh thường kéo dài bởi liên quan rất nhiều công đoạn, thủ tục... Đó cũng là một trong những vướng mắc lớn hiện nay đối với chủ đầu tư.
Thiếu bến bãi khiến việc mở rộng mạng lưới xe buýt tại TP HCM gặp nhiều khó khăn
Những bãi đậu xe ngàn tỉ... "đứng hình"
Trước những bất cập trên, Sở GTVT đề xuất Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP tổng rà soát các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các quận, huyện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian qua, đồng thời xem xét phối hợp nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung quỹ đất quy hoạch dành cho bãi đỗ xe công cộng (ôtô, taxi, xe buýt, xe cá nhân) tại đồ án nhằm phù hợp. Mặt khác, phía Sở GTVT cũng đề xuất đối với các đồ án quy hoạch xây dựng phân khu, quy hoạch chi tiết đã xây dựng hoàn thiện, không còn quỹ đất để làm bãi đỗ xe, cần rà soát bố trí lồng ghép chức năng bãi đỗ xe tại các công trình hạ tầng hiện hữu để phát triển hệ thống bãi đỗ xe cao tầng hoặc ngầm.
Theo ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, trong việc điều chỉnh quy hoạch chung tại TP HCM, cơ quan này đã thuê đơn vị tư vấn tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các lĩnh vực, từ đó thực hiện các bước tiếp theo và đấu thầu, chọn đồ án quy hoạch báo cáo các cơ quan có thẩm quyền và phấn đấu hết năm nay có thể trình Thủ tướng Chính phủ...
Một vấn đề khác đáng chú ý là theo quy hoạch phát triển GTVT TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, diện tích bến bãi tại khu trung tâm vào khoảng 8,9 ha. Trong đó, quận 1 chiếm 7,55 ha và có 4 vị trí "đắc địa" được quy hoạch làm bãi đậu xe ngầm gồm: Công viên Lê Văn Tám, Sân khấu Trống Đồng, sân bóng đá thuộc Công viên Tao Đàn và sân vận động Hoa Lư. Tuy nhiên, trong số các dự án này hiện chỉ có dự án tại Sân khấu Trống Đồng đang triển khai và nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh cơ cấu, chức năng ở một số chỉ tiêu. Với 3 dự án bãi đậu xe ngầm còn lại, ngoài dự án tại Công viên Lê Văn Tám đã bị "khai tử", chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư thì 2 dự án khác là bãi xe ngầm ở sân vận động Hoa Lư và Công viên Tao Đàn hiện cũng đang bị đề xuất chấm dứt quyết định đầu tư theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Hai dự án này đang có chủ trương giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM thực hiện báo cáo tiền khả thi.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, nhìn nhận việc xây dựng các bãi đậu xe ngầm phục vụ công cộng tại TP những năm qua có nhiều bất cập. Vấn đề dự án "ngâm" nhiều năm ngoài việc ảnh hưởng rất lớn đến các quy hoạch còn làm lỡ nhiều cơ hội trong sự phát triển chung của TP, chưa kể khi dự án càng để lâu lại càng "đội" vốn. Vì vậy, ông Cương cho rằng TP trước mắt cần đánh giá lại tình hình thực hiện thời gian qua đã có phương án và điều kiện gì hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện. Song ngược lại cũng cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, không chỉ là thu hồi như tại dự án ở Công viên Lê Văn Tám.
"Tại những vị trí xây dựng bãi đậu xe ngầm đều là những khu đất "vàng" ở trung tâm TP HCM, tuy nhiên cả thập kỷ dự án nằm trên giấy là sự lãng phí rất lớn, trong khi nhu cầu đậu xe đang thiếu trầm trọng, mà song song đó là những hệ lụy liên quan như tình trạng kẹt xe, thiếu đồng bộ đối với hệ thống hạ tầng" - TS Võ Kim Cương phân tích.
Thúc tiến độ xây dựng các bến xe buýt
Sở GTVT TP HCM vừa đề nghị các địa phương đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng bến bãi xe buýt gồm: dự án xây đường kết nối Bến xe buýt Hóc Môn (huyện Hóc Môn), xây điểm đầu mối trung chuyển hành khách xe buýt tại xã Phú Xuân (huyện Nhà Bè) và Bến xe buýt KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh).
Bình luận (0)