Bộ Y tế vừa xây dựng hướng dẫn cụ thể với trường hợp người tiếp xúc gần (F1) ca nhiễm cách ly tại nhà để TP HCM áp dụng thí điểm. Hiện tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện các chủng virus SARS-CoV-2 mới có khả năng lây nhiễm nhanh trên diện rộng với số lượng F1 lớn, gây quá tải cho các cơ sở cách ly y tế tập trung.
Cách ly 28 ngày
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các trường hợp F1 đủ điều kiện cách ly tại nhà khi ở nhà riêng lẻ như biệt thự, nhà liền kề…; trước cửa phải có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: "Địa điểm cách ly y tế phòng chống dịch Covid-19". Thời gian cách ly tại nhà là 28 ngày. Trong nhà phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nếu nhà có nhiều tầng thì sử dụng một tầng riêng biệt để thực hiện cách ly. Cạnh phòng cách ly phải có một phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện việc khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe.
Người dân chung cư City Gate, TP HCM xét nghiệm Covid-19 đêm 26-6 Ảnh: LÊ PHONG
Người cách ly tại nhà không được dùng máy điều hòa trung tâm, có thể dùng máy riêng, bảo đảm thông thoáng khí. Tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ; không ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác; không tiếp xúc động vật nuôi. Hằng ngày, người cách ly tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe để cập nhật trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone, tuân thủ nguyên tắc 5K. Ngoài ra, các gia đình có F1 cách ly tại nhà phải có đầy đủ phương tiện phòng chống lây nhiễm như khẩu trang, găng tay, giày, kính bảo hộ, quần áo… để người nhà sử dụng khi bắt buộc tiếp xúc. Trong 28 ngày cách ly tại nhà, người cách ly được lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 5 lần (ngày thứ 1, 7, 14, 20 và 28).
Nếu trường hợp F1 là trẻ em hoặc người già yếu, có bệnh nền cần người chăm sóc, hỗ trợ thì có thể bố trí người chăm sóc, hỗ trợ cách ly cùng và bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch. UBND cấp xã, phường chỉ cho phép thực hiện cách ly F1 tại nhà sau khi đã kiểm tra, xác nhận bảo đảm đủ điều kiện cách ly và đảm trách việc quản lý, giám sát các F1 thực hiện nghiêm những quy định cũng như tổ chức vận chuyển, thu gom chất thải y tế.
Lấy mẫu xét nghiệm diện rộng
Trước tình hình các ca Covid-19 liên tục được phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện, nhằm chủ động đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng, TP HCM triển khai thực hiện xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho người dân, người lao động tại khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tại tất cả quận, huyện và TP Thủ Đức.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết TP đẩy nhanh tốc độ và số lượng xét nghiệm giám sát ở cộng đồng trong 5 ngày tới. Theo đó, tất cả 5 quận, huyện có nhiều ca mắc Covid-19 (quận 8, Tân Phú, Bình Tân, huyện Hóc Môn, Bình Chánh) thực hiện lấy mẫu với chỉ tiêu 500.000 mẫu/ngày, bắt đầu từ 26-6 và kết thúc vào ngày 30-6. Các quận, huyện còn lại lấy mẫu giám sát cộng đồng từ ngày 1-7 theo phương pháp lấy mẫu gộp 10, gộp 15 với số lượng 500.000 người/ngày.
Ghi nhận tại một số điểm lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn TP HCM cho thấy việc lấy mẫu diễn ra khẩn trương, công tác tổ chức có trật tự, người dân hợp tác tốt và giữ khoảng cách an toàn phòng dịch trong khi chờ đợi. Anh L.V.P (ngụ chung cư Carina, quận 8) cho biết nơi đây tổ chức lấy mẫu cho 1.800 cư dân, triển khai từ lúc 17 giờ hôm 26-6 kéo dài tới 1 giờ ngày 27-6 mới hoàn tất. Việc lấy mẫu ở đây diễn ra thông suốt, bài bản, nền nếp, dù kéo dài đến tận khuya nhưng hầu hết người dân đều hợp tác, không phàn nàn.
Sẽ sớm tiếp nhận công nghệ sản xuất vắc-xin
Trong khi đó, Bộ Y tế cho biết Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đang xúc tiến đàm phán với đối tác Nhật Bản để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin cho Việt Nam. Hiện VABIOTECH đã ký thỏa thuận với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga về việc đóng ống vắc-xin Covid-19 Sputnik V bán thành phẩm từ tháng 7 tới, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.
Ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH, thông tin trong tuần tới, các lô vắc-xin Sputnik V đầu tiên sẽ được chuyển đến Nga để nhà sản xuất đánh giá chất lượng. Nếu đạt yêu cầu, sẽ chính thức đóng ống, đóng gói từ tháng 7-2021, với công suất khoảng 5 triệu liều/tháng. Giai đoạn 2 dự kiến xây dựng nhà máy mới mở rộng công suất đóng gói lên 200 - 250 triệu liều. Đồng thời, tiếp tục đàm phán để tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Sputnik V tại Việt Nam. Hiện vắc-xin Sputnik V có giá khoảng 10 USD/liều tiêm (khoảng 240.000 đồng).
Cùng với đóng ống gia công vắc-xin phòng Covid-19 của Nga, VABIOTECH đang tiếp tục phát triển vắc-xin do công ty sản xuất. Vắc-xin này đang trong giai đoạn tiền lâm sàng (thử nghiệm trên động vật, đánh giá an toàn). Điểm khác biệt của vắc-xin này là cập nhật các chủng SARS-CoV-2 mới được đánh giá là kháng vắc-xin cao, trong đó có chủng tìm thấy lần đầu phát hiện ở Nam Phi. Dự kiến, chương trình sẽ có kết quả vào cuối năm nay và sang năm 2022 có thể thử nghiệm lâm sàng trên tình nguyện viên.
Thủ tướng kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bình Dương, Đồng Nai
Làm việc với lãnh đạo Bình Dương vào sáng 27-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh này. Bình Dương vẫn kiểm soát được dịch bệnh, đạt tăng trưởng kinh tế trên 7%, thu ngân sách hơn 60%, đời sống nhân dân chưa bị tác động nhiều, chính sách an sinh xã hội được duy trì thực hiện tốt. Đây là những điểm sáng của Bình Dương trong 6 tháng đầu năm 2021, cần tiếp tục đúc rút kinh nghiệm để phát huy thật tốt.
Tuy nhiên, Bình Dương còn xuất hiện một số ca nhiễm, chùm ca nhiễm chưa rõ nguồn lây, khó kiểm soát, dễ lây lan. Tỉnh chưa có phương án cụ thể phòng chống dịch trong các khu công nghiệp. Giải ngân đầu tư công rất thấp, mới đạt 18% kế hoạch cả năm, cần rút kinh nghiệm, làm rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.
Dự báo tình hình sắp tới dịch bệnh có thể sẽ diễn biến phức tạp, nếu không kiểm soát được sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị từ nay tới cuối năm, nhất là phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, Bình Dương cần bám sát tình hình để xây dựng kịch bản, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả. Mục tiêu cho thời gian sắp tới là phải chống dịch hiệu quả, ngăn chặn, đẩy lùi, không để bùng phát dịch trong khu công nghiệp; phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống người dân năm sau tốt hơn năm trước.
Làm việc tại Đồng Nai vào chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra công tác phòng chống dịch cũng như tình hình kinh tế - xã hội tại tỉnh; kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu tại Trung đoàn 935, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân đóng trên địa bàn.
T.Đồng - X.Hoàng
Bình luận (0)