xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM truyền cảm hứng cho sự phát triển chung

PHAN ANH

TP HCM đề xuất 10 kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo cơ chế mới để thành phố chủ động trong quản lý, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển xứng với tiềm năng

Chiều 27-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo TP HCM về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm. Dự buổi làm việc có Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên.

Xin cơ chế để không phải vừa làm vừa lo

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết dù gặp nhiều khó khăn nhưng việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, kinh tế tăng trưởng khá cao, hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái (GRDP thành phố 9 tháng đầu năm 2022 đạt 9,97%), vượt kế hoạch đề ra - kế hoạch năm 2022 là 6%-6,5%. Thu ngân sách ước đạt 457.500 tỉ đồng, đạt 118,35% dự toán và tăng 17,05% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đến nay, dự kiến TP HCM có 15/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 cơ bản đạt và vượt kế hoạch; 2 chỉ tiêu dự kiến không đạt và 2 chỉ tiêu chưa đủ cơ sở tính toán, đánh giá. Về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Chủ tịch UBND TP HCM cho hay đến hết ngày 25-11, thành phố đã giải ngân tổng số vốn hơn 12.600 tỉ đồng, đạt 34%.

TP HCM truyền cảm hứng cho sự phát triển chung - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu TP HCM đẩy nhanh đầu tư công đối với các dự án trọng điểm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo ông Phan Văn Mãi, dù tình hình phát triển kinh tế - xã hội đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn một số tồn tại, khó khăn về tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản; khan hiếm xăng, dầu. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành chưa hiệu quả; việc lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung còn chậm…

TP HCM đã kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành 10 nhóm nội dung. Trong đó, tập trung vào một số nội dung cơ bản nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như: nới room tín dụng; cho phép thành phố thí điểm thực hiện một số nội dung liên quan đến y tế, văn hóa - thể thao; hỗ trợ, thúc đẩy giải ngân đầu tư công...

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng khi tình hình kinh tế - xã hội gặp khó khăn, người dân muốn nhìn thấy hệ thống chính trị lăn xả, xông tới nhưng thực tế, một bộ phận còn e ngại. "Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhưng đến một mức nào đó thôi chứ cơ chế bảo vệ chưa đủ" - ông Nguyễn Văn Nên thẳng thắn.

Vì vậy, Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng phải nghiên cứu xem cơ chế còn những vướng mắc nào và giải quyết để cán bộ dám làm. TP HCM mạnh dạn xin cơ chế để được thí điểm những vấn đề mới. "Xin cơ chế thí điểm để được quyền dám làm mà có người bảo vệ, để yên tâm làm mà không phải nơm nớp lo âu" - ông giải thích.

Trung ương và địa phương cùng làm, cùng giải quyết

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận dù bị bào mòn sức lực trong đại dịch COVID-19 nhưng TP HCM đã phục hồi mạnh mẽ với thành tích đáng ngạc nhiên. "Trong 11 tháng đầu năm 2022, TP HCM đã đóng góp thành quả quan trọng vào thành quả chung của cả nước, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát" - Thủ tướng đánh giá.

Thủ tướng nhận định TP HCM tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế, là động lực phát triển của đất nước, truyền cảm hứng cho sự phát triển chung. Thủ tướng lưu ý TP HCM không chủ quan, thỏa mãn trước những kết quả đã đạt được nhưng cũng không nên bi quan trước khó khăn. "Tinh thần là phát huy những cái đã làm được và khắc phục những tồn tại, vướng mắc" - Thủ tướng nêu rõ.

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu TP HCM rà soát các đầu việc để hoàn thành nhiệm vụ năm 2022 và chuẩn bị cho năm 2023. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện quy hoạch chung TP HCM, quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch TP Thủ Đức; lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh đầu tư công, nhất là 5 dự án trọng điểm: Metro số 1, Metro số 2, Vành đai 3, dự án nhà ga T3, cao tốc TP HCM - Mộc Bài.

Đối với Nghị quyết 54, Thủ tướng cho biết Chính phủ và các bộ, ngành trung ương sẽ cùng TP HCM đẩy nhanh việc xây dựng nghị quyết thay thế để trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung tối đa, tiếp thu toàn bộ những đề xuất của TP HCM, đặc biệt là nội dung thí điểm những cái mới.

Thủ tướng đề nghị TP HCM tiếp tục phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng COVID-19; tiếp tục đổi mới, sáng tạo, xây dựng hình mẫu về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo người có công, người nghèo; quan tâm phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, gắn với phát triển du lịch.

Đối với 10 nhóm nội dung mà TP HCM kiến nghị, Thủ tướng chỉ đạo từng bộ, ngành phụ trách giải quyết từng vấn đề cụ thể với tinh thần trung ương và địa phương cùng làm, cùng bàn, cùng giải quyết. 

TP HCM cần bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thị sát các dự án, công trình lớn tại huyện Bình Chánh, TP HCM, gồm: Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng thuộc dự án cải thiện môi trường nước; dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50; công trình nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Tại Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư bảo đảm tiến độ mở rộng giai đoạn 2 của dự án, tiến tới chuẩn bị giai đoạn 3.

Đối với 2 dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 và tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư và địa phương chú trọng việc bố trí tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi bởi dự án. Khi bố trí khu tái định cư, cần lưu ý bảo đảm các điều kiện về y tế, giáo dục, viễn thông…

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải phóng mặt bằng, xem đây là một trong những vấn đề then chốt bảo đảm tiến độ dự án. Địa phương nào làm tốt việc này cần phải rút ra bài học kinh nghiệm để chia sẻ và nhân rộng cho các địa phương khác.

Thủ tướng cũng yêu cầu TP HCM bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, tranh thủ vừa thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng vừa bảo đảm các thủ tục đầu tư, đưa dự án về đích đúng tiến độ theo quy định.

Thu Hồng

10 kiến nghị của TP HCM

1. Chính phủ và các bộ, ngành khẩn trương có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất và bất động sản. Cụ thể là xem xét nới room tín dụng thêm 2%...

2. Mở room tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.

3. Có giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt ổn định tình hình sau vụ việc của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

4. Cho phép TP HCM thí điểm áp dụng quy định "căn cứ để giao đất, cho thuê đất là văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá, đấu thầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền" đối với những quỹ đất được chấp thuận chủ trương thanh toán cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BT) trước ngày 1-1-2021.

5. Ủng hộ chủ trương trình Bộ Chính trị xem xét, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 và Kết luận 21 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020.

6. Ủng hộ TP HCM các nội dung trong nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54; đồng thời chỉ đạo một cơ quan chủ trì thẩm định trình Chính phủ, Quốc hội dự kiến vào cuối năm 2022.

7. Chấp thuận cho TP HCM triển khai thí điểm mở rộng danh mục thuốc BHYT cho trạm y tế đối với 40 loại thuốc thuộc danh mục thuốc của bệnh viện hạng III, IV theo Thông tư 30/2018 (ban hành danh mục và tỉ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT).

8. Cho phép TP HCM được áp dụng cơ chế đặc thù để thực hiện dự án văn hóa và thể thao theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

9. Sớm xem xét, cho chủ trương và báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan các dự án, đất đai trên địa bàn TP HCM.

10. Hỗ trợ, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Cụ thể là tháo gỡ cho Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương), dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 trên địa bàn TP HCM...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo