Chiều 27-8, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP HCM, đã chủ trì họp báo về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.
Ông Hải cho biết sau 5 ngày thực hiện các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội cho thấy ý thức chấp hành của người dân được nâng lên, lưu lượng tham gia giao thông giảm mạnh. Công tác xét nghiệm được đẩy nhanh. An sinh xã hội được nhanh chóng triển khai, bước đầu bảo đảm đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi giãn cách chưa nghiêm. TP đã xử lý 2.491 trường hợp vi phạm, phạt hơn 3,4 tỉ đồng. Về an sinh xã hội, một số nơi hỗ trợ cho người dân còn chậm, chưa kịp thời. Từ 18 giờ ngày 25-8 đến 18 giờ ngày 26-8, TP đã lấy 377.390 mẫu xét nghiệm; tiêm 5.741.654 liều vắc-xin.
Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám Sở Thông tin Truyền thông (TT-TT) TP HCM, cho biết tổng đài 1022 của TP hiện là kênh tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh từ người dân đến chính quyền nhằm kịp thời xử lý nhanh nhất về các vi phạm, các yêu cầu hỗ trợ người dân trong phòng chống dịch. Hiện Sở TT-TT đã tăng cường lực lượng tổng đài viên lên đến 50 người/ca, triển khai hệ thống tương tác tự động callbot, miễn cước gọi cho người dân, nâng cấp công cụ quản lý và điều phối thông tin, chatbot trên website/Zalo... nên đã cơ bản giải quyết tình trạng nghẽn, quá tải.
Đoàn y - bác sĩ miền Trung trước giờ lên máy bay Ảnh: BÍCH VÂN
Cùng ngày, nói về việc tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12-17 tuổi ở quận 10 mà một số báo đăng, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết hiện hướng dẫn của Bộ Y tế chỉ tiêm vắc-xin Pfizer cho người trên 18 tuổi nên TP HCM chưa tiêm cho người dưới 18 tuổi. Theo Sở Y tế TP HCM, TP vừa thực hiện 1.117.000 test nhanh ở vùng đỏ, phát hiện 42.400 trường hợp dương tính, tỉ lệ 3,5%, là tín hiệu có thể yên tâm.
Cùng ngày, đoàn y - bác sĩ gồm 180 người của các tỉnh, thành miền Trung từ TP Đà Nẵng di chuyển vào TP HCM để chi viện cho miền Nam chống dịch Covid-19. Đoàn gồm 49 người của Bệnh viện C Đà Nẵng, 19 người thuộc Bệnh viện 199 - Bộ Công an, 50 người của Bệnh viện Trung ương Huế, 62 người của đoàn cán bộ y tế tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi.
Đây là các y - bác sĩ có chuyên môn giỏi, được đào tạo kỹ thuật chuyên sâu về hồi sức, cấp cứu. Các y - bác sĩ này đã được tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn, cách chăm sóc người thở máy, dinh dưỡng, phục hồi chức năng cho bệnh nhân Covid-19. Trong số này còn có đội ngũ xét nghiệm để thực hiện việc truy vết.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng, cho biết lần này các y - bác sĩ của bệnh viện sẽ chi viện cho tỉnh Bình Dương. Các đoàn còn lại sẽ do Bộ Y tế phân bổ đến các địa bàn.
Sử dụng thuốc cho F0 triệu chứng nhẹ
Ngày 27-8, Sở Y tế TP HCM gửi văn bản khẩn các trung tâm y tế, cơ sở cách ly tập trung F0 trên địa bàn TP Thủ Đức và quận, huyện và các trạm y tế, trạm y tế lưu động về việc sử dụng thuốc Molnupiravir cho người F0 có triệu chứng nhẹ, độ tuổi 18-65 và đồng ý tham gia chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng. Trạm y tế lưu động khi cấp phát thuốc cho người F0 đang cách ly tại nhà phải hướng dẫn người F0 theo dõi các triệu chứng hoặc dấu hiệu không mong muốn qua ứng dụng "Khai báo y tế điện tử’’ và quản lý danh sách người F0 được cấp phát thuốc trên phần mềm "Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19" .
Ng.Thạnh
Bình luận (0)