Ngày 8-1, UBND TP HCM đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Tại hội nghị, chính quyền cũng như các sở, ban, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể trong năm 2022 để hiện thực hóa quyết tâm vực dậy nền kinh tế từ tăng trưởng âm 6,78% năm 2021 lên mức từ 6%-6,5%.
Khơi thông vốn, đồng hành cùng doanh nghiệp
Để đồng hành cùng doanh nghiệp trong phục hồi sản xuất - kinh doanh, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết trong năm 2022, ngành công thương sẽ phối hợp với ngân hàng tổ chức các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, giúp kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn. Tập trung chuyển đổi số, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp từng bước ổn định, phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, đến nay, 100% thủ tục hành chính của sở đã được cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tuy nhiên, tỉ lệ người dân và doanh nghiệp tiếp cận chưa cao. Sở Công Thương sẽ tiếp tục tuyên truyền về chủ trương cải cách thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian, chi phí thực hiện, vừa bảo đảm an toàn, thích ứng trong điều kiện dịch bệnh.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi triển khai công tác trọng tâm vực dậy kinh tế TP HCM tại hội nghị Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ TP HCM
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết thành phố sẽ điều chuyển vốn của các dự án giải ngân thấp sang dự án có khả năng giải ngân cao để thúc đẩy vốn đầu tư công. Với tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 hơn 140.000 tỉ đồng, thành phố dự kiến chỉ đáp ứng hơn 21% tổng nhu cầu vốn ngân sách địa phương. Thành phố cần có giải pháp để lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, đẩy mạnh hợp tác công - tư trong phát triển hạ tầng chiến lược.
Về phía ngành nội vụ, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân nhấn mạnh trong năm 2022 sẽ tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ. Đáng chú ý, Sở Nội vụ đề xuất điều động và bố trí vị trí làm việc thấp hơn với những trường hợp thực hiện không tốt nhiệm vụ, bị cấp trên phê bình, nhắc nhở. Sở Nội vụ sẽ công bố quy trình nội bộ, quy trình phối hợp trong giải quyết thủ tục hành chính/giải quyết vụ việc trên môi trường điện tử theo hướng có thời hạn cụ thể với từng quy trình, từng hồ sơ; xác định rõ tổ chức, cá nhân thực hiện chức trách trong xử lý hồ sơ; có sự tham gia đóng góp ý kiến của tổ chức, doanh nghiệp; có sự giám sát của HĐND, MTTQ; có chế tài xử lý vi phạm và khen thưởng.
Biến đau thương thành hành động
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh trong giai đoạn phục hồi, toàn hệ thống chính trị phải "biến đau thương thành hành động, phấn đấu 200% sức lực, đưa thành phố bứt phá".
Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng trong năm 2021, thành phố đã "mất đà" để thực hiện chỉ tiêu 5 năm 2021-2025. Do đó, năm 2022, thành phố vừa chịu gánh nặng "vượt chướng ngại vật" trước mắt vừa tạo áp lực để bù đắp những mất mát trong năm 2021. Sau giai đoạn chật vật ứng phó, TP HCM đã bắt đầu thích ứng linh hoạt và sắp tới phải kiến tạo chứ không thụ động, mất đi sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết sắp tới, TP HCM sẽ ban hành nghị quyết về TP Thủ Đức, sau đó là huyện Cần Giờ. Quan điểm của thành phố là cấp nào làm tốt thì mạnh dạn phân quyền. Một vấn đề then chốt khác là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Lãnh đạo phải là người gương mẫu, hết lòng vì dân. "Khi chúng ta đồng lòng, quyết tâm, nghiêm túc, thực hiện hiệu quả thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ. Dân ủng hộ ít thành công ít, ủng hộ nhiều thành công nhiều, dân ủng hộ hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn" - Bí thư Thành ủy TP HCM đúc kết.
Tiếp thu, quán triệt ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP HCM đến các sở, ngành, quận, huyện, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh 15 đầu việc trọng tâm cần tập trung thực hiện trong năm 2022. Cụ thể là tập trung kiểm soát dịch; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh; nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị; cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp bằng cách thường xuyên gặp gỡ - đối thoại; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân… Theo Chủ tịch UBND TP HCM, thành phố sẽ có kế hoạch cụ thể hóa thực hiện "một luật sửa 8 luật" mà Quốc hội đang thảo luận. Trong công tác quy hoạch, TP HCM sẽ tổ chức bình chọn "Ý tưởng quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060"; điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa; quy hoạch chi tiết khu đô thị du lịch biển Cần Giờ và quy hoạch xây dựng vùng huyện Cần Giờ.
Ông Phan Văn Mãi cho rằng vấn đề rất quan trọng để đạt được các mục tiêu của năm là nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cơ sở. "Mặc dù khó khăn, thách thức đang còn nhiều nhưng tất cả hãy cùng siết chặt tay nhau, tạo sự chuyển động mạnh mẽ ngay từ tháng đầu, quý đầu của năm 2022. Phải phấn đấu, nỗ lực hơn để đưa TP HCM trở lại nhịp độ tăng trưởng vốn có" - Chủ tịch UBND TP HCM nói.
Triển khai hàng loạt dự án quan trọng
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết trong năm 2022, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ tuyến metro số 1, khởi công tuyến metro số 2. Đồng thời, triển khai các dự án giải quyết "điểm nóng" sân bay Tân Sơn Nhất, đường cảng Cát Lái; các dự án có tính chất kết nối liên vùng như cao tốc TP HCM - Mộc Bài, vành đai 3 và 4, cao tốc TP HCM - Chơn Thành... Tiếp tục triển khai dự án chống ngập thành phố; chuẩn bị khởi công công trình kênh Tham Lương - rạch Nước Lên - Bến Cát; khởi động dự án rạch Xuyên Tâm, kênh Hy Vọng; nghiên cứu chuẩn bị triển khai các dự án đường trên cao, xe buýt nhanh.
Ông LÂM ĐÌNH THẮNG, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông:
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Mặc dù thành phố từng đi đầu cả nước trong việc khởi động chương trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh nhưng hiện nay đang gặp nhiều rào cản làm hạn chế tốc độ chuyển đổi số. Chuyển đổi số chưa được thống nhất trong các ngành, các cấp của chính quyền thành phố. Giấy phép điện tử ngành này cấp vẫn không được ngành khác chấp nhận. Doanh nghiệp lẽ ra chỉ cần một giấy phép điện tử, nay phải cần đến 2 loại là giấy phép điện tử và giấy phép có "tên đề, dấu đóng".
Do đó, trong năm 2022, thành phố sẽ tập trung xây dựng chính quyền số, nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công, mang lại các tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp với những mục tiêu cao như cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm (đối với những dịch vụ công đủ điều kiện). Đặc biệt, thành phố sẽ triển khai một ứng dụng di động thống nhất nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân và ngược lại. Trong quá trình chuyển đổi số sẽ có một bộ phận vì nhiều điều kiện có khả năng không theo kịp sự chuyển động chung của xã hội, trong đó có người nghèo. Do đó, cần một chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho người nghèo, người có thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau và tạo điều kiện để phát triển công dân số, xã hội số.
Ông TĂNG CHÍ THƯỢNG, Giám đốc Sở Y tế:
Chăm sóc sức khỏe cho người dân hậu Covid-19
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn đang chuyển biến tốt. Số ca mắc mới, số ca nhập viện, số ca trở nặng và số ca tử vong đều giảm. Đến hôm nay, thành phố ghi nhận 18 ca tử vong trong ngày (trong đó có 7 người ở tỉnh, 11 người ở TP HCM), con số thấp nhất trong 6 tháng qua.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra hiện nay là thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho người dân. TP HCM bắt đầu ghi nhận một số trường hợp gặp vấn đề sức khỏe sau khi mắc Covid-19, như cảm giác mệt mỏi, di chứng phổi, di chứng tim mạch, rối loạn tâm thần... Ngành y tế xem đây là một vấn đề cần quan tâm và đang tổ chức xây dựng kế hoạch điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người dân sau khi mắc Covid-19.
Nguyễn Phan ghi
Bình luận (0)