Liên quan đến Ðề án sắp xếp lại các ban quản lý (BQL) dự án của TP, quận - huyện, BQL đầu tư các khu đô thị, BQL đầu tư các dự án ODA, Sở Nội vụ TP HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP. Đây là tờ trình mới nhất sau nhiều lần sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo, góp ý của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong và các sở - ngành liên quan. Nội dung này sau khi được UBND TP thông qua sẽ trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định.
Chồng chéo, dàn trải
Hiện TP có 44 BQL dự án đầu tư xây dựng, trong đó 9 ban thuộc UBND TP quản lý; 11 ban trực thuộc 8 sở - ngành, đơn vị quản lý. Dễ dàng nhận thấy nhiều đơn vị quản lý cùng lúc các BQL. Điển hình như Sở Giao thông Vận tải (GTVT) quản lý BQL dự án Nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2), BQL Đầu tư dự án vệ sinh môi trường, các khu quản lý giao thông đô thị số 1, 2, 3, 4 và Khu Quản lý giao thông đường thủy. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP quản lý BQL dự án 1547, BQL dự án Thoát nước đô thị, BQL dự án Cải tạo kênh Ba Bò và BQL dự án Xây dựng công trình. Đáng chú ý, một số BQL "cha" được giao quản lý BQL "con" như BQL Khu Công nghệ cao quản BQL các dự án đầu tư xây dựng khu công nghệ cao; BQL đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm "quản" BQL công trình Thủ Thiêm. Tại quận - huyện có 24 BQL đầu tư xây dựng công trình là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc UBND quận - huyện. Đó là chưa kể một số sở - ngành không có BQL đầu tư xây dựng nhưng thực hiện chức năng, nhiệm vụ về quản lý dự án đầu tư xây dựng như các khu quản lý giao thông đô thị số 1, 2, 3, 4; Khu Quản lý giao thông đường thủy; Trung tâm Khai thác hạ tầng trực thuộc BQL Khu Nông nghiệp Công nghệ cao.
Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị sáp nhập vào ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình của một số sở, lập thành Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Ảnh: SỸ ĐÔNG
Tương ứng với số BQL trên có 43 trưởng ban, 92 phó ban, 213/255 biên chế được giao (cơ quan hành chính), 672/696 người (đơn vị sự nghiệp chưa tự chủ) và 238 người (đơn vị sự nghiệp tự chủ). Hiện các BQL đang quản lý 3.101 dự án với tổng số tiền hơn 323.000 tỉ đồng.
Đánh giá hoạt động của các BQL, Sở Nội vụ cho biết dù đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng với mô hình tổ chức như hiện nay đã làm nguồn vốn đầu tư phân tán, dàn trải. Nhiều dự án lâm vào tình trạng thiếu vốn phải hoãn, giãn tiến độ dẫn tới tăng tổng mức đầu tư, công tác thanh quyết toán kéo dài, công trình triển khai dở dang chậm được đưa vào sử dụng, hiệu quả đầu tư thấp. Riêng các BQL đầu tư xây dựng khu đô thị mới đang thực hiện theo mô hình cơ quan hành chính là chưa phù hợp với quy định. Việc thành lập các BQL dự án qua nhiều thời kỳ khác nhau nên có sự chồng chéo, làm nảy sinh một số khó khăn: đầu mối quản lý nhiều làm giảm hiệu quả. Cán bộ có nơi trình độ chuyên môn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp hóa nên chưa đáp ứng được nhu cầu.
Dễ quy trách nhiệm
Chính hạn chế trên, TP quyết định sắp xếp lại, "xóa sổ" nhiều BQL để sáp nhập hoặc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ. Theo tờ trình của Sở Nội vụ, TP sẽ thành lập BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp trực thuộc UBND TP trên cơ sở hợp nhất BQL đầu tư xây dựng các công trình của Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sáp nhập vào BQL Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị. BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông trực thuộc UBND TP cũng sẽ được thành lập trên cơ sở tách chức năng quản lý dự án về giao thông của các khu giao thông đô thị, Khu Quản lý đường thủy nội địa và sáp nhập BQL dự án Nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) vào Ban Giao thông đô thị; ủy quyền cho Sở GTVT quản lý.
Ngoài ra, TP sẽ điều chỉnh các chức năng, nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước của Trung tâm Chống ngập giao cho Sở Xây dựng. Thành lập BQL dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị trên cơ sở tách chức năng quản lý dự án của Trung tâm Chống ngập và hợp nhất với Ban Vệ sinh môi trường; ủy quyền cho Sở Xây dựng quản lý. Các BQL đầu tư xây dựng khu đô thị: Thủ Thiêm, Nam TP và Tây Bắc sẽ được sáp nhập thành BQL Phát triển đô thị TP. Đây sẽ là cơ quan hành chính trực thuộc UBND TP. Cơ cấu tổ chức sẽ gọn tối đa không quá 7 phòng chuyên môn.
Sở Nội vụ cũng đề xuất Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc là "Khu vực có chức năng chuyên biệt" để tổ chức ban này thành BQL Công viên Lịch sử Văn hóa - Dân tộc trực thuộc UBND TP theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ. BQL dự án Đầu tư xây dựng Khu Công nghệ cao trực thuộc BQL Khu Công nghệ cao, BQL Đường sắt đô thị, BQL dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm Khai thác hạ tầng thuộc BQL Khu Nông nghiệp Công nghệ cao được giữ nguyên. Riêng BQL xây dựng trung tâm triển lãm quy hoạch từ trực thuộc UBND TP sẽ chuyển về Sở Quy hoạch Kiến trúc quản lý. Cấp quận - huyện sẽ thành lập BQL dự án khu vực quận - huyện trên cơ sở kiện toàn BQL đầu tư xây dựng công trình trực thuộc quận - huyện hiện nay.
Theo Sở Nội vụ, việc sắp xếp như trên để UBND TP có sự chỉ đạo thống nhất; gọn, nhẹ, hiệu quả. Nhất là có cơ sở xác định rõ trách nhiệm của từng các nhân, tổ chức, mối quan hệ, sự phối hợp chặt chẽ giữa BQL dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, khu vực và các cơ quan chuyên môn khác; bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động quản lý các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn TP.
Giảm 11 đầu mối và hàng trăm biên chế
Với mô hình dự kiến sắp xếp như trên, Sở Nội vụ tính toán TP sẽ giảm 11 đầu mối (gồm 2 ban thuộc UBND TP, 9 ban thuộc sở - ban - ngành). Đồng thời, so với biên chế, số lượng người làm việc được giao năm 2017, việc sắp xếp sẽ giảm 110 biên chế hành chính trở lên và có khả năng giảm 245 người làm việc trong các đơn vị.
Tinh nhưng phải mạnh
Đánh giá về việc sắp xếp lại các BQL dự án, nhiều chuyên gia cho rằng đây là việc nên làm để giúp tinh gọn bộ máy vốn cồng kềnh ban bệ như hiện nay.
Ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam - Bộ Nội vụ, cho rằng việc này sẽ giảm mạnh đầu mối, khắc phục sự chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Hơn nữa, các dự án sẽ được triển khai liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn trong quá trình sắp xếp.
Ngoài ra, theo ông Sơn, sắp xếp lại cũng tiết kiệm được nguồn ngân sách khi giảm biên chế. Tuy nhiên, ông Sơn lo lắng khi tinh giản như vậy thì đội ngũ còn lại có đủ mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ. Do đó, ông lưu ý TP phải tính kỹ "bài toán" về nhân sự. Đây là việc khó chứ không đơn giản bởi nó liên quan trực tiếp đến con người. "Rõ ràng khi sắp xếp, thu gọn lại sẽ đụng chạm đến nhiều cá nhân. Việc họ tâm tư, lo lắng khi thay đổi môi trường, công việc là điều dễ hiểu. Thế nên, việc bố trí phải bảo đảm hài hòa lợi ích, tính toán kỹ càng chứ không đơn giản là tách nhập mang tính cơ học" - ông Sơn nhận định.
Trong khi đó, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP, đánh giá việc sáp nhập các BQL là xu hướng chung, phù hợp vì sẽ cắt giảm được những bộ phận dư thừa trong bộ máy quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trước khi sáp nhập cần phân tích và đánh giá kỹ về nội dung quản lý, khối lượng công việc của từng lĩnh vực. Trước hết là phải tối giản những nội dung quản lý bởi như hiện nay, nhiều loại thủ tục, quy trình rườm rà, chồng chéo… Nếu khi sáp nhập mà vẫn duy trì các nội dung quản lý thiếu phù hợp thì có thể dẫn tới sự quá tải trong bộ máy. Không chỉ hoạt động thiếu hiệu quả mà còn dẫn đến tình trạng bỏ bê công việc cũng như phát sinh nhiều tiêu cực khác.
"Có một thực trạng là hiện nay nhân sự tại nhiều cơ quan, đơn vị được bổ nhiệm không phải theo công việc mà là theo chức danh, vì vậy dẫn tới tình trạng dư thừa trong bộ máy quản lý" - ông Cương nói. Vì thế, nếu sáp nhập các BQL thì cần đánh giá đúng năng lực, khai thác hiệu quả và có trách nhiệm rõ ràng ở từng lĩnh vực. Chẳng hạn như một dự án, việc thực hiện và quản lý cần mang tính chất độc lập, tuy nhiên phải kèm theo đó là quy rõ trách nhiệm của từng người chứ không thể chung chung như hiện nay.
P.Anh- G.Minh
Bình luận (0)