Chiều 24-6, với 97,37% đại biểu (ĐB) tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển TP HCM (Nghị quyết mới). Nghị quyết mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2023.
Trao nhiều thẩm quyền quyết định
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết việc thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách này để tạo cơ sở pháp lý, động lực cho TP HCM phát triển nhanh, bền vững.
Nghị quyết mới gồm các chính sách lần đầu được quy định về đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy. Ngoài ra, Nghị quyết mới cũng gồm một số chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54 và các cơ chế đặc thù đã áp dụng tại các địa phương khác.
Về đầu tư, TP HCM được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), trong đó dùng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt, nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3. UBND thành phố được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, xã hội với các dự án này.
QH cho phép TP HCM đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) với dự án lĩnh vực thể thao, văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo. Thành phố được áp dụng hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu. HĐND TP HCM quyết định tăng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, trong trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng trên 50% tổng mức đầu tư và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn.
Những nội dung quan trọng của Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển TP HCM được Quốc hội thông qua ngày 24-6 Đồ họa: CHI PHAN
TP HCM cũng được áp dụng hợp đồng BT. Chính phủ quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT. Các chi phí này được tính vào tổng mức đầu tư dự án.
Về tài chính, ngân sách nhà nước, HĐND TP HCM quyết định và điều chỉnh mức, tỉ lệ thu phí, lệ phí chưa có trong danh mục của Luật Phí, lệ phí (trừ phí, lệ phí tòa án, các loại phí thuộc nguồn thu ngân sách trung ương). Ngân sách thành phố được hưởng 100% số tăng từ các khoản thu này.
Thành phố được vay qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, tổ chức tài chính trong nước và nguồn nước ngoài của Chính phủ vay về cho vay lại, với tổng dư nợ tối đa 120% số thu ngân sách TP HCM được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hằng năm do QH quyết định theo Luật Ngân sách Nhà nước. Hằng năm, thành phố được bổ sung tối đa 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và địa phương so với dự toán được giao.
TP HCM cũng được thí điểm cơ chế tài chính để giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Ngân sách thành phố hưởng 100% nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon. Trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công... được lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tự dùng. UBND thành phố tổ chức việc lắp đặt này để bảo đảm cảnh quan.
Về thu hút nhà đầu tư chiến lược, TP HCM được tự quyết cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới. Còn về xây dựng - quy hoạch, thành phố được bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong diện tích dự án làm nhà ở thương mại hoặc đất được nhà nước giao, cho thuê phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, xây dựng.
Bắt tay ngay vào công việc
Ngay sau khi QH thông qua Nghị quyết mới, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định quyết tâm của thành phố là sẽ bắt tay ngay vào việc, tập trung thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất. Theo ông Phan Văn Mãi, cả nước đã vì TP HCM, giờ là lúc TP HCM phải tập trung thực hiện để vì cả nước.
Chủ tịch UBND TP HCM thông tin thêm ngày 7-7 sẽ tổ chức hội nghị cán bộ toàn thành phố nhằm quán triệt, triển khai Chỉ thị của Thành ủy, kế hoạch của HĐND, UBND. Song song đó, UBND thành phố đã giao các sở, ngành chuẩn bị đề án, kế hoạch liên quan để trình HĐND tại các kỳ họp sắp tới.
"Rút kinh nghiệm của Nghị quyết 54, chúng ta mất quá nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị thì với Nghị quyết mới này, thành phố đã bắt tay vào thực hiện ngay các công việc từ sớm để đạt hiệu quả cao nhất. Đến thời điểm hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đã biết, đã quan tâm và theo dõi các nội dung, khi thành phố có khung pháp lý thì sẽ mời nhà đầu tư tham gia vào" - Chủ tịch Phan Văn Mãi nói.
Cho biết mấy ngày nay tâm trạng của các ĐB thuộc Đoàn ĐBQH TP HCM rất hồi hộp, khó tả, chờ đợi giây phút các ĐBQH bấm nút thông qua Nghị quyết mới, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng với tỉ lệ thống nhất rất cao - 481/484 ĐBQH tham gia tán thành với Nghị quyết mới, thể hiện sự chung sức dành cho TP HCM.
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, Nghị quyết mới giúp thành phố có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho cả nước, vì cả nước; có điều kiện nâng cao chất lượng sống cho người dân thành phố. Nghị quyết mới giúp thành phố thực hiện các mục tiêu, kế hoạch theo tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, để thành phố có thể sánh vai với các đô thị lớn trên thế giới, tiếp tục là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế tài chính, thương mại mang tầm khu vực châu Á và vươn ra toàn cầu. "Việc thông qua Nghị quyết mới là giai đoạn đầu rất quan trọng nhưng việc triển khai càng quan trọng hơn. Hiện nay, HĐND và UBND thành phố đã chuẩn bị các kế hoạch hành động theo chương trình hành động của Thành ủy" - ĐB Trần Hoàng Ngân nêu.
Số lượng ĐBQH bấm nút thông qua gần như tuyệt đối đã thể hiện sự đồng tình, ủng hộ cao cho TP HCM. ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng từ đây đến giai đoạn 5 năm sau, Nghị quyết mới là một vấn đề rất hệ trọng đối với Đảng bộ và nhân dân TP HCM. Quốc hội cũng đã thấy tầm quan trọng và đặc điểm tình hình của TP HCM về kinh tế - xã hội của đất nước cũng như những bất cập, vướng mắc của TP HCM trong thời gian qua.
ĐB Phạm Văn Hòa bày tỏ: "Tôi hy vọng Đảng bộ và nhân dân TP HCM sẽ biến Nghị quyết mới thành chương trình hành động cụ thể, thiết thực, từ đó vực dậy và phát triển nền kinh tế của thành phố. Tôi cũng hy vọng trong thời gian tới, Đảng bộ TP HCM sẽ có quyết sách đúng đắn, sáng suốt, cùng người dân và doanh nghiệp chung sức thực hiện. Bên cạnh đó, để thực hiện thành công, thắng lợi Nghị quyết mới cũng cần có thêm sự hỗ trợ, tiếp sức của các ban, ngành trung ương và các tỉnh phía Nam".
Ông NGUYỄN HỒ HẢI, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM:
Mong tiếp tục nhận được sự đồng hành
Trước khi các ĐBQH bấm nút thông qua Nghị quyết mới thì TP HCM đã phân các mảng, lĩnh vực và xây dựng kế hoạch để đưa vào vận hành, trong đó đặc biệt là vai trò của HĐND thành phố rất nặng nề. Ngay kỳ họp này, HĐND TP HCM bắt tay ngay vào các nội dung công việc để cụ thể hóa những điều trung ương đã mở, đã phân cấp cho thành phố, đồng thời tăng cường giám sát trong công tác thực hiện. Cùng với đó, UBND thành phố đã có sự chuẩn bị, tiếp tục phân cấp cho cấp dưới trong tổ chức thực hiện.
Nghị quyết mới là luồng gió mạnh mẽ cho năm 2023. Thành phố quyết tâm trên tinh thần chủ động nhất để sớm triển khai, đưa nghị quyết vào cuộc sống. TP HCM mong các bộ, ngành trung ương tiếp tục đồng hành, doanh nghiệp, người dân tham gia để cùng thành phố thực hiện nghị quyết mới hiệu quả.
TS TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ quốc gia:
Tin tưởng thực hiện tốt Nghị quyết mới
Với việc QH thông qua Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 với 7 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù thì đây là lần đầu tiên TP HCM có một cơ chế chính sách tương đối hệ thống so với Nghị quyết 54.
Nghị quyết mới giải quyết được 2 nhóm vấn đề lớn. Thứ nhất, mở rộng cơ chế phân cấp, phân quyền phù hợp với quy mô và vị trí của đô thị trên 5 lĩnh vực lớn. Điều này tạo sự năng động và đặc biệt là minh bạch hơn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước trên địa bàn. Thứ hai, một số chính sách mới mà luật pháp chưa quy định, tạo động lực cho thành phố phát triển. Đơn cử như việc cho phép khai thác các quỹ đất dọc tuyến giao thông lớn như đường vành đai, cao tốc phát triển đô thị; chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực công nghệ cao; mở rộng hình thức đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa, thể thao... sẽ tạo động lực mới và giúp nguồn thu ngân sách tự chủ hơn.
Tôi tin tưởng rằng TP HCM sẽ triển khai tốt các nội dung này vì hiện thành phố đã chuẩn bị rất kỹ.
Đại biểu Quốc hội HUỲNH THANH PHƯƠNG (đoàn Tây Ninh):
Thí điểm mô hình phát triển đô thị mang tính đột phá
Tại khoản 2 điều 4 của Nghị quyết mới có nội dung thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), trong đó hệ thống đường sắt đô thị đóng vai trò chủ lực. Đây là một giải pháp căn cơ và bền vững, mang tính đột phá.
Tại nhiều đô thị lớn ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc..., đường sắt đô thị không cần được trợ giá, dù tiền thu về từ bán vé chỉ chiếm khoảng 30% doanh thu của các công ty vận hành. Phần lớn doanh thu của đường sắt đô thị đến từ việc cho thuê quảng cáo hoặc kinh doanh thương mại trên tàu, tại các nhà ga, khu vực phụ cận. Một nguồn thu rất lớn khác là từ các bất động sản xung quanh hệ thống đường sắt đô thị. Do đó, việc phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là cơ chế, chính sách đặc thù có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của thành phố và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết các thách thức trong giai đoạn phát triển mới.
Q.Anh - T.Nguyễn ghi
Người dân thành phố đặt nhiều kỳ vọng
Việc QH ban hành Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM đáp ứng mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân của thành phố.
Chị Nguyễn Ngọc Thiên Bửu (công nhân, ngụ quận 1) nói rằng lâu nay, phát biểu trong một số hội nghị, hội thảo khoa học, các nhà khoa học hay dùng phép ẩn dụ như "chiếc áo đã chật", "cơ chế đã cũ", "thiếu vốn", "nút thắt", "điểm nghẽn"… để nói về những khó khăn, vướng mắc của TP HCM. Nay Nghị quyết mới được thông qua chắc chắn sẽ tháo gỡ những "điểm nghẽn", "nút thắt" đó, cũng như trao "chiếc áo mới" cho thành phố phát triển.
Còn anh Võ Văn Hùng (nhân viên, quận Bình Tân) thì tin tưởng với những cơ chế, chính sách của Nghị quyết mới sẽ giúp TP HCM cất cánh.
Tương tự, bà Hoàng Thị Lợi (cán bộ hưu trí, ngụ quận 1) nói bà và nhiều cử tri quận 1 tin rằng khi triển khai thực hiện nghị quyết này, thành phố sẽ ra sức phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, thu hút và tận dụng nguồn trí tuệ của người tài, của người dân thành phố trong kiến tạo và xây dựng đô thị thông minh.
Tr.Hoàng - L.Vĩnh ghi
TP Thủ Đức có tối đa 4 phó chủ tịch UBND
Về tổ chức bộ máy, Nghị quyết mới cho phép TP HCM được lập Sở An toàn thực phẩm, trực thuộc UBND thành phố. Sở này có chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. UBND huyện thuộc thành phố có tối đa 3 phó chủ tịch. UBND phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên có tối đa 3 phó chủ tịch.
HĐND TP HCM được trao quyền quyết định bố trí ngân sách để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức... theo hiệu quả công việc. Mức chi này tối đa 1,8 lần lương ngạch, bậc, chức vụ; thu nhập tăng thêm tối đa 0,8 lần quỹ lương cơ bản công chức, viên chức, cán bộ quản lý.
Riêng TP Thủ Đức được quyết định phê duyệt dự án, chọn nhà đầu tư với các dự án nhóm B, C đầu tư theo phương thức PPP. HĐND TP Thủ Đức có tối đa 2 phó chủ tịch, 8 ĐB chuyên trách. UBND TP Thủ Đức tối đa 4 phó chủ tịch. TP Thủ Đức cũng được lập Ban Đô thị.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-6
Bình luận (0)