Sáng 24-12, tại TP HCM, Bộ Nội vụ và UBND TP HCM đã tổ chức phiên họp Ban Soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì phiên họp.
Đề xuất không quá 4 phó chủ tịch
Đây là lần thứ 2, ban soạn thảo, tổ biên tập tiến hành lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định tại TP HCM. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết sau phiên họp lần thứ nhất vào ngày 19-12, các ý kiến góp ý đã được khẩn trương tổng hợp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định. Dự thảo mới nhất gồm 8 chương, 46 điều (tăng 1 chương, 2 điều so với dự thảo góp ý ngày 19-12), quy định cụ thể các nội dung về tổ chức, hoạt động của UBND quận, phường; chế độ trách nhiệm của chủ tịch UBND quận, phường; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức làm việc tại UBND quận, phường, cũng như các vấn đề về ngân sách địa phương.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP cho hay sau phiên họp lần thứ nhất, TP đã chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND các quận, phường tiếp tục góp ý sâu cho dự thảo nghị định và kèm theo thuyết minh cụ thể các nội dung góp ý để Sở Nội vụ tổng hợp báo cáo ban soạn thảo cho ý kiến hoàn thiện dự thảo nghị định tại cuộc họp này. "Với tinh thần hết sức khẩn trương và trách nhiệm, hôm nay Bộ Nội vụ cùng TP HCM tổ chức buổi làm việc lần thứ 2, nhằm tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý, hoàn chỉnh dự thảo nghị định để sớm trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định; bảo đảm nghị định khi được ban hành có tính khả thi cao, phù hợp với đặc thù mô hình chính quyền đô thị của TP HCM" - ông Nguyễn Thành Phong nói.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì phiên họp
Tiếp tục góp ý cụ thể cho dự thảo nghị định, Chủ tịch UBND TP đề xuất số lượng phó chủ tịch UBND TP trực thuộc TP HCM có không quá 4. Số lượng các cơ quan chuyên môn có không quá 13, trong đó có 3 cơ quan khác. Trong số 3 cơ quan khác, tùy tình hình thực tiễn có thể thành lập Phòng Khoa học - Công nghệ. Chủ tịch UBND TP cho hay theo dự thảo nghị định, thời gian đầu, đơn vị hành chính mới có 5 phó chủ tịch UBND. Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi, số lượng phó chủ tịch giảm còn 3 theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. "Do tính chất đặc biệt của TP Thủ Đức, UBND TP HCM kiến nghị 4 vị trí phó chủ tịch cho UBND TP Thủ Đức" - ông Nguyễn Thành Phong nói.
Riêng đối với các nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức, ông Nguyễn Thành Phong cho hay TP HCM sẽ kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định riêng, quy định cụ thể các lĩnh vực có liên quan, trên cơ sở nghiên cứu, rà soát các cơ sở pháp lý chặt chẽ, đánh giá tác động kỹ lưỡng, tạo điều kiện cho TP Thủ Đức thật sự trở thành đô thị sáng tạo tương tác cao, có vai trò là "hạt nhân" thúc đẩy, dẫn dắt sự phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM nói riêng, của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Ưu tiên tối đa cho ổn định
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo nghị định.
Riêng về TP Thủ Đức, ông Trần Anh Tuấn cho hay sẽ có thêm một điều về phân cấp và ủy quyền, trong cơ cấu các phòng chuyên môn giúp việc cho UBND TP Thủ Đức có thêm một phòng là Phòng Khoa học - Công nghệ, tổng cơ quan chuyên môn có không quá 13. "Theo Nghị định 108/2020 của Chính phủ là vượt một cơ quan nhưng điều này cũng thể hiện sự đặc thù và mục tiêu của đề án khi thành lập TP trực thuộc TP HCM" - ông Trần Anh Tuấn nhìn nhận.
Ông cũng cho biết ban soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ cho phép số lượng cấp phó của UBND TP Thủ Đức là không quá 4 theo kiến nghị của TP HCM. Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói: "TP Thủ Đức là một đơn vị hành chính cấp huyện nhưng ở một mức độ cao, đó là TP thuộc TP. Một mô hình mới nên ban soạn thảo thống nhất trình Chính phủ 4 phó chủ tịch UBND TP thuộc TP HCM".
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, khi sáp nhập thì số phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức cũng như cấp phó của các cơ quan chuyên môn phải được sắp xếp, bảo đảm theo lộ trình và bảo đảm được chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức và bố trí phù hợp. "Nói nôm na là phải bảo đảm sự ổn định trong quá trình mới thành lập" - ông Trần Anh Tuấn lưu ý.
Cụ thể, đội ngũ cán bộ, công chức của các đơn vị hành chính khi sáp nhập về nguyên tắc phải bảo đảm có lộ trình và sau đó TP HCM phải chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với TP Thủ Đức xây dựng danh mục việc làm trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, khối lượng công việc, phạm vi quản lý cùng với vị trí việc làm để xác định biên chế, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Trước mắt, cố gắng bố trí bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho hay sẽ bổ sung một điều vào trong điều khoản quy định về các cơ quan tổ chức do sáp nhập để thành lập TP trực thuộc TP HCM thì vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi chính quyền TP Thủ Đức mới hoạt động. "Khi TP Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-3-2021 thì các quận 2, 9 và Thủ Đức mới hết trách nhiệm của mình. Việc này nhằm bảo đảm hoạt động hành chính vẫn diễn ra một cách liên tục, đáp ứng giải quyết các nhu cầu của người dân, không bị đình trệ hoặc ách tắc" - ông Trần Anh Tuấn nói.
Tập trung hỗ trợ chuyển đổi giấy tờ cho người dân
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, chính quyền sẽ hỗ trợ người dân quận 2, 9 và Thủ Đức trong việc chuyển đổi giấy tờ sau khi sáp nhập để hình thành đơn vị hành chính mới. "Việc chuyển đổi giấy tờ cho công dân TP Thủ Đức sẽ có lộ trình rõ ràng, bảo đảm thuận tiện, không gây xáo trộn, phiền hà cho người dân" - Chủ tịch UBND TP nói. Ông cũng cho biết tại lễ công bố Nghị quyết 1111 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức vào ngày 31-12, TP HCM sẽ công bố những công việc cần làm tiếp theo khi hình thành TP Thủ Đức, trong đó có việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho người dân.
Bình luận (0)