Đây là một trong những nội dung chính yếu của dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở đang được Bộ Xây dựng thực hiện.
Có thể nói, phí bảo trì chung cư (2% trên chi phí mua căn hộ) là một trong những yếu tố gây tranh chấp gay gắt nhất giữa chủ đầu tư và người mua căn hộ. Vấn đề này tồn tại nhức nhối cả chục năm qua nhưng các cơ quan quản lý chưa có cách xử lý ổn thỏa. Vào giữa năm 2019, qua kiểm tra trên địa bàn TP HCM, Bộ Xây dựng cho biết địa phương này có 1.341 nhà chung cư với khoảng 1,3 triệu căn hộ, trong đó 106 nhà chung cư đã xảy ra tranh chấp, khiếu nại. Nguyên nhân tranh chấp liên quan tới chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư, diện tích sử dụng chung - riêng tại các tòa nhà chung cư... Quỹ này rất lớn, ở những dự án có tầm ngàn căn hộ đã lên đến cả trăm tỉ đồng.
Phí bảo trì chung cư cần được sử dụng đúng mục đích. Ảnh nhỏ: Chung cư ở quận Bình Tân, TP HCM được Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM kết luận nhiều bất cập trong phí bảo trì chung cư - Ảnh: TẤN THẠNH
Quỹ bảo trì thì phải thu vì đó là luật và rất cần thiết đối với cư dân nhưng sao họ phải gay gắt phản đối chủ đầu tư? Theo quy định hiện hành, sau khi thu quỹ này, chủ đầu tư phải bàn giao cho ban quản trị chung cư do cư dân bầu ra. Thế nhưng, nguồn quỹ này đã bị một số nhà đầu tư chi tiêu vô tội vạ mà không ai kiểm soát được. Thậm chí, có nơi còn bị chiếm dụng và chủ đầu tư lần lữa, cố kéo dài thời gian bàn giao cho ban quản trị hoặc ngăn cản luôn việc thành lập ban quản trị. Những vấn đề này đã gây mất trật tự địa phương và khiến cho nhiều người có cái nhìn méo mó về thị trường căn hộ chung cư hiện hành.
Tiền lớn thì lòng tham nảy sinh, quyền hành không phải thuộc về mình nhưng được đặt vào tay thì khó bỏ. Bảo trì, quản lý chung cư là vấn đề thuộc quyền lợi và quyền hạn của cư dân thì chính họ là người quyết định chứ không thể ỡm ờ trao cho chủ đầu tư. Nhưng cái chính là do con người, bao nhiêu nhà đầu tư bất động sản minh bạch, rõ ràng và sòng phẳng bán nhà cho cả ngàn người cũng đâu xảy ra tranh chấp gì. Thiếu kiểm soát thì việc bị kẻ tham lợi dụng là khó tránh khỏi.
Trước đây không lâu, nhận ra những bất cập của vấn đề này, Sở Xây dựng TP HCM đã kiến nghị Bộ Xây dựng bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư. Việc hình thành quỹ bảo trì sẽ do ban quản trị chung cư thu của cư dân trong quá trình quản lý, sử dụng theo tỉ lệ phần trăm do hội nghị nhà chung cư quyết định. Còn Bộ Xây dựng cũng đề nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định.
Dù dự thảo cần thêm thời gian để thành chính thức nhưng qua đây đã nhận diện một điều: giao cho những người không phải đại diện của cư dân quản lý việc bảo trì nơi ở của họ là điều phi lý. Vấn đề cốt lõi hơn là phải tạo được cơ chế kiểm soát được nguồn quỹ này và nghiêm trị những kẻ biển thủ.
Bình luận (0)