Tới khi vụ tai nạn hy hữu, thương tâm này xảy ra mọi người mới biết cây trong sân trường thuộc sự quản lý của trường. Một số cây khác thì thuộc sự quản lý của quận và xa hơn là của Sở Xây dựng TP. Nhưng trường quản lý cái gì về những cây xanh trong sân, khi mà quyền kiểm tra, cắt tỉa thuộc công ty cây xanh và muốn đốn hạ, trồng cây khác thì phải xin phép cơ quan cấp sở. Nói cho rõ, quyền của trường chỉ là... tưới nước!
Hiện trường cây phượng vĩ ngã đổ, làm 1 học sinh tử vong ở TP HCM
Trách nhiệm thì phải đi đôi với quyền hạn quản lý chuyên môn, quyền chi phối với công việc cụ thể và cả quyền lợi liên quan. Ông không thể biết cây phượng khi nào mục thân, thối rễ; ông không có quyền chặt bỏ khi lo ngại, không thể cấm học trò ngồi ở sân trường... thì làm sao ngăn ngừa được tai nạn xảy ra. Nói cách khác, việc ông nhận trách nhiệm đã đủ thỏa mãn cảm xúc ngắn hạn của dư luận chứ không thể từ trách nhiệm cá nhân này có thể ngăn ngừa được những tai nạn tương tự có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào.
Mở rộng câu chuyện, chúng ta dễ nhận thấy trong thực tế, các cơ quan chức năng có xu hướng muốn quản lý nhiều hoặc được giao quản lý nhiều nhưng tìm trách nhiệm khi xảy ra những vụ việc cụ thể rất khó. Những năm qua, cát "tặc" lộng hành ở nhiều địa phương sau bao cuộc ra quân của lực lượng chức năng. Lòng sông bị đục khoét, bờ sông xói lở, nhà dân cuốn trôi từ hàng chục năm qua nhưng thử hỏi trách nhiệm cụ thể đã được chỉ rõ cho cơ quan nào, xử lý đến đâu, trong khi liên đới có chính quyền địa phương, cảnh sát đường thủy, cơ quan phụ trách tài nguyên môi trường, kinh tế. Đến giờ, có thể thấy trách nhiệm băm nát lòng sông cũng chỉ được quy cho... cát "tặc".
Những ngày qua, người dân nhiều địa phương bức xúc vì một số cây xăng giảm hoặc ngưng bán xăng. Các chuyên gia kinh tế dự báo có thể do giá xăng giảm liên tục, doanh nghiệp găm hàng chờ lên giá bất chấp việc này tác động tiêu cực đến thị trường và ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Cách đây không lâu, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa gửi kiến nghị lên Chính phủ cho biết mặt hàng xăng dầu, về mặt quản lý nhà nước thì thuộc Bộ Công Thương, nhưng do tính chất đặc thù nên các bộ khác cũng tham gia quản lý như Công an, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường... Vậy khi đời sống người dân bị ảnh hưởng như hiện nay thì bộ nào có trách nhiệm giải quyết?
Công việc quản lý nhà nước trải rộng, qua nhiều tầng nấc, không hiện thực như một cây xanh cố định trong sân trường, hậu quả nhìn thấy bằng mắt nên cũng khó tìm được người cụ thể như vị hiệu trưởng trên để đứng ra chịu trách nhiệm.
Bình luận (0)