Một số địa phương những năm trước từng phản ánh nhiều về hiện tượng đốt pháo dịp Tết nguyên đán thì năm nay lại tiếp tục để tái diễn hành vi đã bị nghiêm cấm này. Điều này có thể thấy qua sự thừa nhận của giới chức có trách nhiệm. Có những nơi, theo mô tả là thấy xác pháo đỏ rực trên nhiều tuyến đường, con phố.
Đáng chú ý là bên cạnh những địa phương từng được phản ánh nhiều về hiện tượng đốt pháo nổ thì năm nay thấy điều đáng buồn này còn "lây lan" ra những địa phương khác mà chưa thấy được "bêu tên" lâu nay. Có những địa phương không thấy công khai về tình trạng đốt pháo nổ, song lại có những sự việc "biết nói" khác phản ánh thay về tình trạng này. Nhiều địa phương ghi nhận số người bị tai nạn do pháo nổ dịp Tết Mậu Tuất tăng mạnh so với năm ngoái. Tại tỉnh Hà Tĩnh, những trường hợp đốt pháo trái phép bị lực lượng công an phát hiện lên tới 146 vụ với 151 đối tượng. Số đốt pháo nổ chưa bị phát hiện có thể còn nhiều hơn nhiều số bị phát hiện.
Sản xuất và đốt pháo nổ, với những rủi ro và nguy hiểm đi kèm, mang lại những hệ lụy khôn lường cho tính mạng và sức khỏe của con người cũng như của cải vật chất. Chính vì thế, dù là một nét truyền thống lâu đời ngày Tết đến Xuân về nhưng Chính phủ đã ban hành lệnh cấm triệt để các hoạt động liên quan tới pháo nổ, từ sản xuất tới vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng, từ ngày 1-1-1995. Những hành vi vi phạm lệnh cấm này có thể bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, phần vì đã "bám rễ" vào suy nghĩ của không ít người, phần vì sự chưa làm tròn trách nhiệm của giới chức thẩm quyền nên tiếng pháo nổ vẫn dai dẳng suốt hơn 20 năm qua.
Ngay trong những ngày đón Tết Mậu Tuất này đã phải chứng kiến những tai nạn thương tâm do pháo nổ gây ra. Một trong những trường hợp điển hình là một nam học sinh lớp 7 ở Hải Phòng đã mất tới 7 ngón tay sau tai nạn pháo nổ. Còn nỗi đau nào hơn khi thương tích nặng nề này sẽ đeo đẳng suốt phần đời còn lại của một thiếu niên mới 13 tuổi.
Ý thức, tư duy của người dân có thể phải cần thời gian để thay đổi hoàn toàn, song trách nhiệm của giới chức thẩm quyền thì không thể như vậy. Trước mỗi dịp Tết nguyên đán, các địa phương thường tuyên bố người đứng đầu chính quyền phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng đốt pháo. Song trách nhiệm ấy thế nào, xử lý ra sao lại không được nêu lên khi vi phạm lệnh cấm. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ cũng nhiều năm phê bình lãnh đạo các tỉnh để xảy ra việc đốt pháo.
Nếu không có chế tài cụ thể với người đứng đầu địa phương, cơ quan hữu trách chắc chắn còn lâu mới chấm dứt được sự vi phạm lệnh cấm với pháo nổ. Pháo có thể nổ tan nhưng trách nhiệm không thể tan theo khói pháo.
Bình luận (0)