Thông tin nhanh hơn điện mật
Ngày 28-3-1973, quân đội Mỹ rút đơn vị viễn chinh cuối cùng khỏi miền Nam Việt Nam, Ban Quân sự liên hợp bốn bên chấm dứt nhiệm vụ. Tuy nhiên, do hành động phá hoại của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và quân đội Sài Gòn, dựa vào thế pháp lý của Hiệp định Paris, trên thực tế, Đoàn Đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tiếp tục cùng với Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trụ lại đấu tranh dư luận hỗ trợ hoạt động quân sự của Quân giải phóng trên các chiến trường cho đến ngày 30-4-1975.
Nguyên sĩ quan phiên dịch Đoàn đại biểu quân sự Ban liên hiệp hai bên Phan Đức Thắng kể cán bộ, chiến sĩ bị "nhốt" trong trại Davis ở sân bay Tân Sơn Nhất với hàng rào thép gai dày đặc, bốt gác, lỗ châu mai, xe thiết giáp, bị cài cắm các thiết bị quan sát, nghe lén; phá hoại các tần số liên lạc vô tuyến…
Cán bộ, chiến sĩ Trại Davis được phổ biến kế hoạch chiến đấu - Ảnh tư liệu
Ta chuyển sang đấu tranh dư luận ngay giữa Sài Gòn, một điểm nóng của thế giới lúc bấy giờ với 77 cơ quan đại diện thông tấn báo chí của tất cả các nước phương Tây. Trên chiến trường, quân ta đánh càng mạnh thì ở trại Davis, ta càng đấu tranh mạnh, càng gửi nhiều công hàm, họp báo và gặp báo chí… Tất cả các diễn đàn, chúng ta có biện pháp để đấu tranh, hai đối tượng quan trọng nhất là nhân dân Mỹ và đồng bào ta ở trong vùng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn.
"Mục tiêu hỗ trợ cho chiến trường, tạo thế, tạo lực thêm cho chiến trường đã thành công. Đây không phải là cảm nhận của người trong cuộc mà là điều chúng ta quan sát thấy. Ví dụ khi chúng ta vừa mới đến miền Nam, giới báo chí của Sài Gòn mà chúng ta gặp thường xuyên tỏ thái độ thù địch ra mặt, tố cáo ra mặt. Nhưng vào những tuần cuối cùng trước ngày 30-4, nhất là khi mà chúng ta bắt đầu giải phóng, quân ta kéo từ Quảng Trị, từ Huế đổ vào trong thì họ không còn chú ý đến việc là tố cáo ai nữa. Họ chỉ chú ý đưa tin làm sao cho nhanh, kịp thời nhất và đầy đủ nhất. Thậm chí rất nhiều nhà báo đã chủ động gọi điện cho chúng tôi trong trại Davis, thông báo hôm nay các ông đánh ở đây đã chiếm được chỗ này, chỗ kia. Do đó, chúng tôi biết tin trên chiến trường còn nhanh hơn rất nhiều so với các điện mật từ Hà Nội và từ Bộ tư lệnh quân giải phóng miền Nam gửi vào trạm báo viết. Một sự thay đổi nhìn thấy rõ ràng theo hướng tích cực của họ và đã tạo thế trợ lực cho chiến trường. Ta cứ đánh thôi cũng không có ai tố cáo ta nữa, đó đã là thắng lợi rất lớn rồi" - ông Phan Đức Thắng kể.
Lá cờ trên tháp nước sân bay Tân Sơn Nhất
Đại tá Đào Chí Công, người lính từ mặt trận Quảng Trị được lệnh tham gia Ban liên hợp quân sự với vai trò sĩ quan liên lạc, phụ trách đối ngoại, nhớ lại những ngày cuối tháng 4, các thành viên trong phái đoàn không ít lần ở ranh giới sự sống và cái chết. Ngoài doanh trại, tiểu đoàn huấn luyện dù bố trí ngay trước cổng chính của Trại Davis, quân đội Sài Gòn còn điều thêm xe tăng, xe thiết giáp đến chĩa nòng pháo vào bên trong.
Đã có một kế hoạch để đặc công đột nhập vào Trại Davis đưa phái đoàn của ta ra ngoài nhưng các anh em xin cấp trên không rút. Ta trụ lại bằng cách bí mật đào hầm chiến đấu từ dụng cụ thô sơ. Không có cuốc xẻng, hiện trường trống trải, bị các chòi gác của quân đội Sài Gòn vây quanh quan sát, các chiến sĩ phải dùng lưỡi lê, dao găm và những thanh sắt cũ để đào, và đào nhẹ nhàng về đêm, đất đào lên đút dưới gầm các nhà sàn. Tất cả đều được bảo vệ bí mật tuyệt đối, lính canh trên hệ thống lô cốt và vọng gác không hề hay biết. Chỉ khoảng 10 ngày, toàn bộ hệ thống hầm, hào giao thông khép kín có cả hầm chỉ huy chính, hầm chỉ huy dự phòng, hầm cứu thương, dự trữ lương thực, nước uống, ụ chiến đấu và mạng điện thoại thông suốt… đã hoàn tất. Toàn Trại được bố trí thành 7 khu chiến đấu liên hoàn, các giao thông hào đều được đậy nắp kín và lấp đất bên trên như địa đạo.
Đêm trước giờ khắc lịch sử 30-4, anh em trong phái đoàn ta còn nói vui với nhau sống chết bao nhiêu phần trăm, ai cũng sẵn sàng cho tình huống xấu nhất… Sau này ta được biết, Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn Cao Văn Viên khi thoát thân còn để lại trên bàn làm việc kế hoạch chỉ thị cấp dưới huỷ diệt Trại Davis bằng pháo cối, ném bom, chất độc hoá học…
Khoảng 8 - 9 giờ sáng ngày 30-4, bộ đội ta do 1 Tiểu đoàn trưởng của Quân đoàn 3 dẫn đầu tiến vào Trại Davis gặp tướng Hoàng Anh Tuấn (Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) xin chỉ thị bảo vệ trại. Không thể diễn tả được những giây phút xúc động đến nghẹn ngào khi ấy. Đó là sự tự hào, niềm sung sướng vô bờ vì đất nước thống nhất xen lẫn sự cảm động, tình thương, nỗi xót xa các đồng đội vừa hy sinh đêm trước - những người chỉ được chôn cất vội vàng bằng dao, xẻng giữa mưa bom bão đạn…
9 giờ 30 sáng 30-4, lá cờ cách mạng được treo lên đỉnh tháp nước - vị trí cao nhất của Trại Davis, cũng là của khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Khoảng 1 tiếng sau, cờ cách mạng kéo lên tại Dinh Độc Lập. Khoảng 10 giờ, đoàn Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh tiến vào Trại Davis họp bàn về việc tiếp quản.
Cán bộ bảo vệ an ninh Nguyễn Văn Cẩn và chiến sĩ đội chiếu phim Phạm Văn Lãi của Trại Davis cắm cờ giải phóng đầu tiên lên đỉnh tháp nước trong sân bay Tân Sơn Nhất sáng 30-4-1975. Ảnh: Tư liệu
"Kỷ niệm trong trại nhiều lắm, về những đợt đón tù binh thấy đồng bào đồng chí của ta bị tra tấn đến tàn tật mình phải chăm lo từng người phải cáng rất nhiều người ra địa điểm để trao trả. Có những người tôi đã gặp như bà Võ Thị Thắng, sau này là Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; bà Ngô Bá Thành, sau này là Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Trương Tấn Sang, sau này là Chủ tịch nước, được trao trả ở Quảng Trị... Hay là những giờ phút cuối cùng ở Sài Gòn khi chứng kiến máy bay rầm rầm di tản người Mỹ và người Việt ra khỏi Sài Gòn, sau đó Tổng thống Dương Văn Minh lên truyền hình tuyên bố: "Hỡi anh em binh sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy bỏ súng đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng miền Nam"… Đấy là những giây phút cực kỳ xúc động. Đặc biệt là khi hai đồng chí ta được lệnh trèo lên tháp nước cao hơn 20 m của Trại Davis cắm lá cờ giải phóng. Đấy là những giờ phút cực kì thiêng liêng và cực kì vui sướng đối với những người đã tham gia trực tiếp mặt trận đấu tranh giải phóng quân sự. Nhiều khi cảm thấy cực kì may mắn và hạnh phúc bởi vì trong một đời người không thể được chứng kiến quá nhiều sự kiện như vậy" - ông Phan Đức Thắng chia sẻ.
Mũi tiến công thứ 6 của Chiến dịch Hồ Chí Minh
Sau ngày 2-5-1975, Thượng tướng Trần Văn Trà vào gặp anh em trong phái đoàn đã nói: "Các đồng chí là những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh và là mũi tiến công thứ 6, mũi tiến công ngoại giao quân sự trong chiến dịch".
Đại tướng Văn Tiến Dũng sau này trong hồi ký gọi Đoàn là cánh quân thứ 6. Ông viết rằng khi Quân đoàn 3 đánh vào Tân Sơn Nhất gặp một cánh quân của ta trụ sẵn ở đấy (tham gia Chiến dịch HCM gồm 5 quân đoàn - 5 cánh quân của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng với đủ các binh chủng hợp thành).
Bình luận (0)