Thống kê mới nhất cho thấy trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) hiện có 1.161 trang trại chăn nuôi heo (gọi tắt là trại heo), trong đó có đến 46 trang trại quy mô trên 1.000 con heo thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh quản lý. Các trại heo tập trung nhiều ở huyện Châu Đức, Tân Thành, Xuyên Mộc. Tuy số lượng trại heo lớn như vậy nhưng vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước lại không được coi trọng.
Trại heo dày đặc, vây quanh
Thực tế cho thấy nước thải chưa qua xử lý của các trại heo tuồn ra ao, hồ, sông, suối trên địa bàn BR-VT, trong đó các hồ chứa nước thuộc loại lớn như hồ Châu Pha, Sông Ray, Đá Đen, Sông Hỏa, Sông Kinh.
Trại heo Đông Á xả nước thải chưa đạt chuẩn ra thượng nguồn hồ Châu Pha
Trong số những hồ chứa nước trên đáng chú ý nhất là hồ Đá Đen - đây là hồ mỗi ngày cấp nước cho 80% dân số của tỉnh BR-VT mà cụ thể là hơn 1 triệu dân. Nhưng qua thống kê, hồ Đá Đen đang hứng chịu lượng lớn nước xả thải chưa qua xử lý của hàng trăm trại heo và các trại chăn nuôi gia cầm. Theo thống kê của UBND huyện Châu Đức, dọc những con suối Chà Răng, Liên Hiệp, Gia Hốp, Lúp, Sông Xoài, Bầu Lương có đến 128 hộ chăn nuôi heo, gia cầm có nước xả thải ra suối, nguồn nước này từ đó chảy thẳng về hồ Đá Đen.
Còn tại huyện Tân Thành, nguồn thải của trại heo của Công ty CP TM DV phát triển Đông Á đã đe dọa trực tiếp đến nguồn nước hồ Châu Pha - nơi cung cấp nước sạch cho hàng ngàn hộ dân huyện Tân Thành. Dù đã đầu tư hệ thống biogas để xử lý nước thải, tuy nhiên nước thải ra môi trường của công ty này bị các cơ quan chức năng quy kết vượt quy chuẩn môi trường từ 1,02 đến 18 lần với lưu lượng 28 m3/ngày. Trại chăn nuôi cũng chưa có giấy phép xả thải vào nguồn nước và nghiêm trọng hơn khi vị trí của trang trại lại nằm ở thượng nguồn của hồ chứa nước Châu Pha.
Toàn huyện Xuyên Mộc có 59 trang trại chăn nuôi tập trung theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp. Trong đó có 35 trại heo (tổng đàn gần 70.000 con), nằm rất gần với hồ Sông Hỏa, sông Kinh - nơi cung cấp nước sinh hoạt cho người dân địa phương. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều trại heo coi thường quy định về môi trường. Cụ thể, trại heo Đức Toàn Tâm (nằm cách thượng nguồn hồ Sông Hỏa khoảng 400 m, thuộc xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho nuôi heo nái với công suất 2.400 con. Dự án này mới chỉ có chủ trương, chưa được cấp phép xây dựng, chưa được phê duyệt đánh giá tác động môi trường nhưng công ty đã xây dựng và hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
Bình luận về thông tin trên, bà Tuyền (ngụ TP Vũng Tàu - nơi sử dụng nước của hồ Đá Đen) cho rằng mình thật sự lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình. "Dù nhà máy nước đã xử lý nhưng ai mà không lo khi biết nguồn nước "gốc" để mình sinh hoạt đang bị các trại heo đẩy thẳng nước thải xuống" - bà Tuyền quan ngại và đề nghị các cơ quan chức năng phải triệt ngay những nguồn xả thải nguy hiểm trên để bảo vệ người dân.
Đau đầu xử lý (!)
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh BR-VT, qua kiểm tra 31 trại chăn nuôi về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước, kết quả có 4 trại không nằm trong quy hoạch, 11 trại chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Số trại heo chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước ngầm chiếm hơn 50%, số trại heo vi phạm về xả thải chiếm đến 95%.
Lý giải về vấn đề trên, Sở TN-MT cho rằng hầu hết các trại chăn nuôi đều tồn tại trước khi UBND tỉnh ban hành quy hoạch chăn nuôi vào năm 2010. Ban đầu, các trại heo có quy mô nhỏ lẻ, sau đó phát triển dần lên thành trang trại và đưa vào hoạt động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư nên chưa có cơ sở để thẩm định, phê duyệt thủ tục môi trường và tài nguyên nước theo quy định. Đặc biệt, việc thanh tra, xử lý không quyết liệt nên đã xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường như người dân phản ánh. Theo Sở TN-MT, việc này sở đã nhận trách nhiệm trước UBND tỉnh BR-VT.
Trước thực tế đau đầu trên, ngoài việc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, Sở TN-MT cho hay đơn vị đã làm việc với các huyện để sớm có phương án di dời các cơ sở gây ô nhiễm. "Tới đây, ngoài những nội dung kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, chúng tôi sẽ yêu cầu các trại chăn nuôi cam kết khắc phục hậu quả, hành vi gây ô nhiễm. Nếu không thực hiện sẽ kiến nghị đình chỉ hoạt động để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật" - một lãnh đạo Sở TN-MT nhấn mạnh.
Mới là con số bề nổi
Theo tìm hiểu của chúng tôi, con số hơn 1.000 trại heo ở tỉnh BR-VT thực tế mới là thống kê sơ bộ, bởi còn hàng trăm trang trại lớn, nhỏ nằm trong khu đô thị, khu dân cư gây bức xúc cho người dân trong thời gian dài vẫn còn lọt ngoài danh sách.
Trong đó có rất nhiều trại heo không nằm trong quy hoạch ngành chăn nuôi của tỉnh, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt nhưng vẫn cứ thế nuôi heo và ngang nhiên xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Bình luận (0)