Giữa rất nhiều lựa chọn khám phá sôi nổi, ở các địa điểm check-in quen thuộc với giới trẻ, chuyến tìm về nơi giúp mình hiểu sâu được cái đẹp của bộ môn nghệ thuật dân tộc vẫn là hành trình đáng nhớ với chúng tôi.
"Hơi thở" đờn ca tài tử
Không có gì lạ cảnh xe đò chở khách bật bản "Dạ cổ hoài lang", vài người cùng ngân nga "Đường dầu xa ong bướm. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang"... Những ca từ quen thuộc thôi thúc chúng tôi tìm về Khu Lưu niệm "Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu" (phường 2, TP Bạc Liêu).
Vừa đặt chân vào đây đã có thể cảm nhận "hơi thở" của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và hoàn cảnh lịch sử của bản "Dạ cổ hoài lang". Đài ống tre nằm giữa khu lưu niệm chính là chiếc đàn kìm được cách điệu từ đốt tre. Các bậc thang dẫn lên đài được bố trí theo bậc số 2, 4, 6, 8, 16, 32 và 64 tượng trưng cho nhịp vọng cổ tương ứng với từng nghệ nhân sáng tác. Nếu thời kỳ phôi thai, bản "Dạ cổ hoài lang" được hát theo nhịp 2/2 thì theo thời gian, những bản đờn ca tài tử phát triển thành những bản dài biến tấu mềm mại. Điều đó làm đờn ca tài tử trở nên chân phương và rất "Nam Bộ".
Nơi đây tập trung nhiều hiện vật liên quan đến đời sống, sáng tác của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhiều tư liệu quý cùng những tham luận về việc bảo tồn và phát huy giá trị bản "Dạ cổ hoài lang"; sự ra đời và phát triển của nghệ thuật đờn ca tài tử, hệ thống 20 bản Tổ; mô hình tượng sáp của cố nhạc sĩ; phục trang sân khấu của các nghệ sĩ nổi tiếng…
Nơi đây bao hàm nét văn hóa đặc thù, không những làm say mê du khách mà còn là tiền đề cho những nghiên cứu văn hóa
Sống lại giai điệu hoài lang
"Dạ cổ hoài lang" ("Đêm nghe tiếng trống nhớ chồng") được viết khi nhạc sĩ Cao Văn Lầu và vợ buộc phải xa cách sau 3 năm chung sống mà không có con. Nỗi nhớ nhung cùng giây phút suy tư trước nhân tình thế thái khiến ông bật lên âm điệu buồn. Và ông hiểu thấu nỗi khắc khoải của người vợ tri âm, tri kỷ, vẹn nghĩa thủy chung nên bản nhạc có tên là "hoài lang". Khúc nhạc trỗi lên chuyên chở tiếng lòng, lay động tâm can người nghe.
Không dừng lại ở nguyên dạng như các bản nhạc cổ khác, "Dạ cổ hoài lang" dần biến đổi hình thức, từ một sáng tác cá nhân trở thành sáng tác tập thể, được phát triển thành bản vọng cổ, làm thay đổi phần lớn bộ mặt cải lương Nam Bộ. Đã hơn 100 năm từ khi "Dạ cổ hoài lang" ra đời nhưng nguồn cội tinh túy của 20 câu hát vẫn vẹn nguyên. Cứ thế, theo cung bậc mềm mại, những bản đờn ca tài tử viết ra dựa trên tình cảm chân phương, truyền tải cách đối nhân xử thế, uốn nắn cho cuộc sống lấp lánh nhân văn.
Cũng tại đây, cô hướng dẫn viên "thết đãi" nhóm bạn trẻ chúng tôi bản "Dạ cổ hoài lang" và có lẽ, khi nghe "Dạ cổ hoài lang" ở Bạc Liêu càng thấm thía được cái chất đờn ca tài tử. Dẫu có một danh phận sáng chói - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đờn ca tài tử vẫn ngày ngày vang trên những dòng sông, con đò, vào đêm trăng sáng hay bữa cơm đãi khách đến chơi. Chỉ cần cất lời lên là hiểu tính cách người miền Tây, hào sảng mà đong đầy tình cảm…
Vẫn cập nhật đều các bài nhạc rap, lofi, indie… trên nền tảng số nhưng sau chuyến đi về, mấy đứa sinh viên chúng tôi thấy gần gũi hơn những bài ca cổ. Hiểu gốc tích của "đặc sản" đậm phong vị phương Nam này rồi thì chẳng còn thắc mắc về sở thích của thế hệ ông bà, cha mẹ mà trước đây mình tưởng như chẳng có gì thức thời, hấp dẫn. Nét mộc mạc của giai điệu và tiếng ca tha thiết mênh mông tình sông nước.
Bình luận (0)