Ngày 11-8, đại diện lãnh đạo Công an TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cho biết vừa nhận được hồ sơ tố cáo của các nạn nhân, do Văn phòng Luật sư Nhân Vũ (Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng) chuyển đến. Đơn vị sẽ tổ chức xác minh, làm rõ vụ việc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, người bị lừa chủ yếu là người bán hàng, phụ nữ có con nhỏ sinh sống trong khu vực, địa phương đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hạn chế đi lại theo Chỉ thị 15, 16...
Nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành phố là vùng có dịch Covid-19 như: Hải Dương, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và TP HCM.
Chị Phan Thị Hồng Hạnh (ngụ xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP HCM) cho biết sáng 31-7, chị vào trang "Rau hữu cơ, hoa Đà Lạt" để tìm hiểu thông tin. Tin vào trang này là chỗ làm ăn uy tín bởi có đến hàng ngàn thành viên nên đã hỏi mua hàng.
"Sau khi nhắn tin qua messenger, ngay lập tức trang này có phản hồi giới thiệu và chào giá các mặt hàng rau củ quả. Người có tên là Cao Thị Mỹ Linh đã gửi cho tôi ảnh chụp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ, sổ hộ khẩu đi kèm các mặt hàng, nguồn hàng, quy cách đóng gói rất chuyên nghiệp" - chị Hạnh kể.
Rất nhiều người tố cáo hành vi lừa đảo của trang Facebook có tên "Rau hữu cơ, hoa Đà Lạt"
Ngoài ra, người này nói nên mua phải chốt đơn trước 14 giờ mỗi ngày để đóng hàng lên xe cho kịp giao trước 7 giờ sáng hôm sau.
"Biết khu vực tôi đang ở nằm trong vùng thực hiện Chỉ thị 16, họ báo sẽ cho nhân viên giao hàng tận nơi, nhưng nhân viên thực hiện quy định 5K nên không tiếp xúc với khách, không nhận tiền thu hộ được.
Họ nhắn số tài khoản và đề nghị tôi chuyển tiền trước. Tin tưởng, tôi rủ bạn bè cùng mua tổng cộng 28 đơn hàng, giao ở các địa điểm tại huyện Nhà Bè và quận 7, TP HCM... với số tiền đặt mua rau là 15,6 triệu đồng.
Tiền đã chuyển vào tài khoản Cao Thị Mỹ Linh nhưng đến sáng 1-8, vẫn không nhận được rau. Tôi gọi điện cho người tên Linh thì người này không nghe máy và chặn luôn Facebook..." - chị Hạnh bức xúc.
Những bằng chứng, đơn tố cáo được nhóm "Cảnh báo lừa đảo" đang tổng hợp gửi cơ quan chức năng.
Chị Đinh Thị Huyền (ngụ phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương) cho biết ngày 6, 7 và 8-7, chị đã đặt mua rau củ quả hữu cơ về bán từ trang mạng xã hội trên, đã chuyển hơn 10,7 triệu đồng để thanh toán cho Cao Thị Mỹ Linh qua tài khoản ngân hàng.
Tiếp đó, chị Huyền nhận được điện thoại của người xưng là đơn vị vận chuyển hàng, thông báo chuyến hàng thứ nhất chị Huyền nhận được là sáng 9-7, chuyến còn lại ngày 10-7. Tuy nhiên, sáng 9-7, không nhận được hàng, chị Huyền gọi điện cho Cao Thị Mỹ Linh thì không liên lạc được, tin nhắn Zalo, Facebook đều đã bị người này chặn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trang Facebook có tên "Rau hữu cơ, hoa Đà Lạt" với 4.000 thành viên, được lập cách đây 2 năm. Hằng ngày, người quản trị trang và nhóm đều đưa các hình ảnh rất đẹp về nông sản Đà Lạt cùng việc chụp lại, đưa lên những tin nhắn khá tích cực mà theo người quản lý trang, nhóm, đó là phản hồi của khách hàng.
Đơn tố cáo của các nạn nhân khi mua hàng online trên trang "Hữu cơ Đà Lạt".
Trang "Rau hữu cơ, hoa Đà Lạt"còn rao bán cả khẩu trang y tế khi dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu sử dụng tăng cao. Đầu năm 2020, lợi dụng nhu cầu sử dụng khẩu trang tăng đột biến, trang "Rau hữu cơ, hoa Đà Lạt" rao bán loại mặt hàng này với giá rẻ.
Khi khách nhắn tin, gọi điện đặt mua, người có tên Cao Thị Mỹ Linh giới thiệu đang làm việc cho công ty sản xuất khẩu trang, có thể cung cấp số lượng lớn. Tin là thật, chị Trần Thị Anh Phương (phường Trung Phụng, quận Đống Đa, TP Hà Nội) đã chuyển khoản 298 triệu đồng vào tài khoản Cao Thị Mỹ Linh để đặt mua khẩu trang. Sau khi chuyển tiền, chị Phương không còn liên lạc được với người này nữa...
Quá bức xúc, nhiều nạn nhân mua hàng online (rau, hoa, khẩu trang) của Cao Thị Mỹ Linh từ trang "Rau hữu cơ, hoa Đà Lạt" đã lập lên nhóm bóc phốt, cảnh báo và tố cáo đến cơ quan chức năng. Số thành viên trong nhóm cảnh báo trang này lên hơn 300 người.
Nhiều nạn nhân mua hàng online (rau, hoa, khẩu trang) của Cao Thị Mỹ Linh từ trang "Rau hữu cơ, hoa Đà Lạt" đã lập lên nhóm bóc phốt, cảnh báo và tố cáo đến cơ quan chức năng.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Minh Dũng, Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng, cho biết: "Chúng tôi vừa chuyển các đơn tố cáo của nạn nhân tới Công an TP Đà Lạt nhằm phối hợp củng cố hồ sơ vào cuộc điều tra xử lý. Hiện số tiền chiếm đoạt theo những người có đơn tố cáo đã lên tới hàng trăm triệu đồng nên rất cần sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng để làm sáng tỏ sự việc, kiên quyết không để các đối tượng lợi dụng dịch bệnh để vi phạm pháp luật, trục lợi bất chính..." - luật sư Dũng nói.
Bình luận (0)