Ngày 21-8, thượng tá Nguyễn Đức Thùy, Trưởng Công an huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông), cho biết cơ quan công an đang điều tra để xử lý vụ hỗn chiến xảy ra giữa người dân và nhóm bảo vệ công trình 3 dự án nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1, 2 và 3.
Chậm trễ bồi thường
Theo một lãnh đạo xã Thuận Hà, Công ty TNHH Năng lượng Đắk N’Drung Đắk Nông đã thỏa thuận bồi thường đất cho người dân để làm đường vào một cột điện gió ở thôn 3. Mới đây, tuyến đường bị sụp lún nên đơn vị thi công sửa chữa. Khi đổ đất sửa đường, đơn vị thi công đã làm bồi lấp ra phần đất của một hộ dân nên xảy ra mâu thuẫn.
Anh Phạm Văn Vượng (ngụ thôn 3, xã Thuận Hà) cho biết công ty điện gió làm đường chạy qua đất nhà anh trong phạm vi hơn 1.000 m2 và đền bù 73 triệu đồng. Chiều 19-8, thấy nhóm công nhân xây kè hai bên, lấn thêm khoảng 500 m2 nên anh yêu cầu đo đạc phần diện tích bị lấn thì xảy ra vụ chém nhau. Anh bị thương ở lưng, phải khâu 2 mũi, em anh cũng bị đa chấn thương phần mềm nên cả hai phải nhập viện điều trị.
Dự án điện gió ở đồi chè cổ trăm năm tuổi ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ĐÌNH THI
Trước đó, đầu tháng 6, cả trăm người dân xã Thuận Hà cũng chặn xe thi công ở 3 dự án điện gió trên rồi xảy ra xô xát với lực lượng bảo vệ.
Theo ông Trần Văn Lực (ngụ xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song), từ tháng 5-2021, mỗi khi trời mưa, nước chảy tràn vào vườn cây của gia đình gây thiệt hại lớn. Các đơn vị liên quan hứa sẽ hỗ trợ tiền để ông làm mương thoát nước nên gia đình chấp nhận nhận bồi thường hơn 100 triệu đồng thiệt hại cây trồng. Đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa thanh toán. Ngày 16-8, 3 hộ dân đã làm đơn kiến nghị UBND xã và nói sẽ chặn không cho xe vào nếu không được giải quyết.
Ngày 21-8, phóng viên đã liên lạc với ông Nguyễn Vũ Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng Đắk N’Drung Đắk Nông (chủ đầu tư các dự án), nhưng không nhận được câu trả lời.
Phá nát đồi chè cổ thụ
Tại Lâm Đồng, một dự án điện gió khác đang phá nát một đồi chè cổ thụ có từ năm 1915 ở Cầu Đất (xã Trạm Hành, TP Đà Lạt).
Gần đây, dự án điện gió Cầu Đất của Công ty CP Năng lượng tái tạo Đại Dương làm chủ đầu tư, với công suất giai đoạn 1 là 68,9 MW gồm 12 trụ tua-bin được đặt rải rác trên đồi chè. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, chủ đầu tư đã mở 10 km đường nội bộ của dự án; thi công xử lý nền và móng cho 12 trụ tua-bin; san lấp và xây dựng hệ thống trạm biến áp, đường dây 110 KV...
UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường từ năm 2018 nhưng nhiều người dân lo ngại về việc thi công dự án sẽ ảnh hưởng đến môi trường bởi địa hình dốc, lớp thảm thực vật bên trên bị bóc tách.
Theo quan sát của phóng viên, tại những điểm đặt trụ tua-bin, đất đều bị "cày xới" nham nhở. Những hàng chè xanh tốt sẽ bị múc bỏ. Đơn vị thi công sơ sài, cẩu thả, không có đèn báo hiệu, không bảo đảm an toàn thi công.
Bà Hứa Thị Dư, mẹ vợ anh Trần Văn An (ngụ tại địa phương), cho biết anh An đi lấy tiền công tại thôn Trường Thọ, qua khu vực đường của dự án. Ngã ba tiếp nối giữa đường của dự án với đường bê-tông dân sinh cũ lại chênh nhau gần 1 m nhưng công ty không đặt biển báo khiến anh An bị ngã, chấn thương sọ não.
Ông Trương Văn Thường, Chủ tịch UBND xã Trạm Hành (TP Đà Lạt), xác nhận nhiều người phản ánh tình trạng mất an toàn, gây sạt lở đất ở đây khiến người đi đường thường bị té ngã.
Bình luận (0)