Xâm nhập mặn (XNM) năm 2020 lên sớm, vào sâu, nằm lâu và lên cao so đợt mặn lịch sử năm 2016. Đây là nhận định của nhiều đại biểu tại hội thảo khoa học "Hạn, mặn năm 2020 ở ĐBSCL", do Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) tổ chức ngày 17-6.
XNM tại ĐBSCL phụ thuộc vào 2 yếu tố: Dòng chảy từ thượng nguồn và thủy triều từ biển. Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết dòng chảy từ thượng nguồn về các trạm vào các tháng đầu năm nay thấp hơn hoặc xấp xỉ ở mức thấp lịch sử. Tình hình thủy văn trong mùa khô ở ĐBSCL thường chịu tác động chủ yếu của lũ năm trước. Mực nước đỉnh lũ năm 2019 ở Tân Châu (An Giang) là 3,63 m, lớn hơn đỉnh lũ năm 2016, 2017. Tuy nhiên, từ giữa tháng 10-2019, mực nước tại Tân Châu hạ thấp bất thường, dẫn đến khô hạn ở ĐBSCL đầu năm 2020 tương tự như năm 2016.
Sau đợt hạn, mặn năm 2016, dân tại huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) chủ động trữ nước ngọt để tưới vườn cây ăn trái trong mùa hạn, mặn đầu năm nay.
"Xu thế dòng chảy từ thượng nguồn về 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 4-2020 nhỏ hơn 11% so trung bình nhiều năm (TBNN), trong khi tháng 4-2016 lớn hơn 15% so TBNN. Nguyên nhân do tác động từ các đợt xả nước của đập thủy điện ở thượng nguồn. Vào các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, dòng chảy về ĐBSCL qua 2 trạm này nhỏ hơn nhiều so TBNN và cũng nhỏ hơn năm 2016 là nguyên nhân chính gây ra đợt XNM nghiêm trọng ở ĐBSCL trong năm nay" - ông Giáp Văn Vinh, Giám đốc Trung tâm Thủy văn sông Cửu Long, nhận định.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, cho biết hạn, mặn đầu năm nay đã làm thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng, gây khó khăn về sản xuất và sinh hoạt của người dân ĐBSCL: Hơn 80.000 ha cây ăn trái thiệt hại, gần 100.000 hộ thiếu nước sạch, hơn 160.000 ha đất bỏ hoang, trên 1.100 điểm sạt lở công trình…
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, thông tin: "Vừa qua, Tiền Giang đắp đập thép trên kênh Nguyễn Tấn Thành, là đập thép lớn nhất ĐBSCL, kinh phí 22 tỉ đồng. Nếu không có đập này thì 800.000 dân vùng phía Tây TP Mỹ Tho và vùng phía Đông của tỉnh cùng 300.000 dân tại tỉnh Long An không còn nước sinh hoạt, cây thanh long của 2 tỉnh chắc cũng chết hết. Hạn, mặn năm 2020 không phải là lịch sử nữa mà sẽ xảy ra thường xuyên từ đây về sau".
Theo một lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, năm 2019, tỉnh này trữ nước ngọt có thể dùng trong 15 ngày nếu mặn vào. Nhưng người dân nghe mặn vào thì mạnh ai cứ bơm nước nên mới 10 ngày đã hết nước ngọt. Vì vậy, việc làm công trình ngăn mặn, trữ nước ngọt không thể làm cục bộ mà phải làm liên vùng.
Trước tình hình hạn, mặn, PGS-TS Lê Anh Tuấn kiến nghị nên phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước ở 2 vùng trũng lớn nhất ĐBSCL là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, song song với vận động nông dân từng bước cắt bỏ lúa vụ 3 và chuyển hướng nông nghiệp phù hợp; khuyến khích làm các hồ chứa nhỏ và vừa phân tán trong các mương, vườn. Việc xây dựng các hồ chứa lớn hàng triệu m3, đào sâu trên 2 m cần thận trọng vì sẽ đưa một khối lượng đất phèn lên trên mặt đất, gây gia tăng axit hóa làm ngộ độc vi sinh vật và nước; hạn chế khai thác nước ngầm; sử dụng nước tiết kiệm; chuyển đổi diện tích trồng lúa - màu sang nuôi trồng thủy sản…
Nông dân đã rút ra bài học
PGS-TS Lê Anh Tuấn nhận định hạn, mặn năm 2020 tuy đến sớm và sâu hơn năm 2016 nhưng một số đánh giá cho thấy thiệt hại về nông nghiệp ít hơn vì nông dân đã rút được những bài học đối phó với khô hạn năm 2016 và nghe theo những khuyến cáo kịp thời của các nhà khoa học. Họ xuống giống sớm hơn, biết trữ nước cuối mùa lũ trước nên đa số kịp thu hoạch, một số nhà vườn xuống giống trễ nên gặp thiệt hại.
Bình luận (0)