Trước đó, một số địa phương như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc đã thực hiện tinh giản biên chế, nhất thể hóa chức danh, đạt kết quả khả quan; qua đó nâng cao chất lượng cán bộ và tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Thực hiện đề án "Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế" (Đề án 25), tỉnh Quảng Ninh đã nhất thể hóa chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND tại 7/14 huyện, 75/186 xã; bí thư đồng thời là chủ tịch UBND tại 2/14 huyện (Cô Tô và Tiên Yên), 76/186 xã.
Ông Vũ Ngọc Giao, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh, cho biết tỉnh đã sắp xếp giảm 4 đơn vị sự nghiệp; 107 phòng, đơn vị, đầu mối. Có 12/14 huyện thực hiện cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Hiện toàn tỉnh giảm hơn 1.600 công chức, viên chức và hợp đồng lao động, nhờ đó tiết kiệm ngân sách hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Ngoài ra, Quảng Ninh còn thực hiện nhất thể hóa một số chức danh ở cấp huyện như trưởng Ban Tuyên giáo kiêm nhiệm giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị; trưởng ban tổ chức kiêm trưởng Phòng Nội vụ; chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm chánh thanh tra; trưởng Ban Dân vận kiêm chủ tịch MTTQ...
Theo ông Vũ Ngọc Giao, nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo giúp việc chỉ đạo, điều hành công việc của các cơ quan, đơn vị nhanh hơn, hiệu quả hơn, không bị chồng chéo. Theo tinh thần "một tổ chức nhiều chức năng, một người làm nhiều việc", Quảng Ninh vừa tinh giản được biên chế vừa nâng cao chất lượng cán bộ.
Tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, văn phòng Huyện ủy, văn phòng UBND huyện đã gần như là 1 đơn vị, chỉ có duy nhất chánh văn phòng thay vì 2 như trước. Ông Trương Công Ngàn, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, khẳng định cả UBND huyện và Huyện ủy đang dùng chung cơ sở vật chất, thiết bị; giảm được 50 biên chế, tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Người dân làm thủ tục hành chính tại phường Cao Xanh, TP Hạ Long, Quảng Ninh Ảnh: Báo Quảng Ninh
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, ông Hoàng Văn Toàn, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thống kê đến tháng 9-2017, toàn tỉnh đã tinh giản được 213 biên chế, trong đó riêng khối chính quyền là 205 biên chế. Vĩnh Phúc đã sắp xếp được 53 phòng, ban chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện (trong đó 44 phòng, ban các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh), giảm 20 đơn vị sự nghiệp công lập.
"Chúng tôi đặt mục tiêu hết năm 2017, giảm tối thiểu 2.000 người hoạt động không chuyên trách cấp xã và hơn 6.500 người hoạt động không chuyên trách thôn, tổ dân phố (tương đương 70%-80%)" - ông Toàn nói.
Trước một số lo ngại về việc nhất thể hóa chức danh lãnh đạo sẽ dẫn đến tình trạng lạm quyền, ông Vũ Ngọc Giao cho hay tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quy chế điều động và luân chuyển cán bộ theo nguyên tắc cán bộ cấp trưởng không giữ chức vụ quá 7 năm, những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ không giữ chức vụ quá 3 năm. Để lựa chọn được những người đứng đầu xứng đáng, tỉnh đang bổ nhiệm lãnh đạo quản lý từ cấp phòng đến các ban - ngành, giám đốc sở thông qua việc thi tuyển bắt buộc. Theo ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, để tránh "tập trung quyền lực vào tay một người", lãnh đạo huyện đã tăng cường vai trò giám sát của tập thể, các đoàn thể và nhân dân đối với người kiêm nhiệm 2 chức danh. Cá nhân lãnh đạo phải phân định rõ ràng vị trí, vai trò của mình ở từng cương vị, nhiệm vụ công tác. Cũng theo ông Nam, khi thực hiện nhất thể hóa chức danh thì cán bộ phải vất vả do khối lượng công việc nhiều gấp đôi, áp lực lớn. Vì vậy, cán bộ nhất thể hóa chức danh phải sắp xếp, bố trí thời gian và lịch công tác thật hợp lý để bảo đảm hiệu quả công việc.
Đối với tỉnh Vĩnh Phúc, ông Hoàng Văn Toàn thừa nhận trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế cũng gặp một số khó khăn. Vẫn còn tâm lý ngại va chạm, chưa quyết liệt trong chỉ đạo; tâm lý trông chờ, nghe ngóng các cơ quan, đơn vị khác làm trước rồi mình mới làm, dẫn đến tiến độ công việc chậm so với yêu cầu. Tuy nhiên, vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện tinh giản biên chế rất lớn, phải tiên phong trong tư duy và cách làm thì mới mang lại hiệu quả.
GS-TS Đinh Văn Tiến, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia:
Tấm gương Quảng Ninh, Vĩnh Phúc
Không thể không gặp khó khăn, trở ngại khi thay đổi vị trí làm việc của một con người, ảnh hưởng đến quyền lợi tinh thần và vật chất của họ. Nhưng rõ ràng những thành quả đã thấy chứng tỏ Quảng Ninh và mới đây là Vĩnh Phúc đã làm được. Đến nay, chưa thấy những phản ánh về việc độc đoán, lạm dụng quyền lực hay những khiếu kiện liên quan đến tinh giản biên chế, nhất thể hóa chức danh ở những địa phương này.
Bình luận (0)