Một tháng trở lại đây, gần như tuần nào chị H.L (ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cũng nhận được điện thoại mời đi nghe các buổi hội thảo giới thiệu về kỳ nghỉ du lịch. "Họ quảng cáo rất khéo, nói là mời đến để tặng vé máy bay và voucher kỳ nghỉ tri ân khách hàng. Tuy nhiên, khi đến nơi thì là các buổi giới thiệu kỳ nghỉ du lịch ở Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sa Pa... Tôi không hiểu tại sao các công ty này lại có thông tin của tôi để gọi điện liên tục như vậy" - chị H.L thắc mắc.
Quảng cáo khác xa thực tế
Nhờ có thông tin cảnh báo của người thân nên chị H.L không "xuống tay" mua kỳ nghỉ nào. Tuy nhiên, không phải ai cũng tỉnh táo như vậy. Nghe lời giới thiệu quá hấp dẫn của các nhân viên tư vấn, rất nhiều người đã không ngần ngại bỏ tiền để mua kỳ nghỉ du lịch.
Mẹ của chị Thúy Hiền (ngụ quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) là một nạn nhân tiêu biểu của "sở hữu một kỳ nghỉ du lịch cao cấp". Mẹ chị Thúy Hiền được thuyết phục mua kỳ nghỉ dưỡng 7 ngày tại các khách sạn 5 sao. Công ty cũng giới thiệu chính sách sử dụng hợp đồng khá linh hoạt - người mua có quyền chuyển nhượng hoặc cho, tặng, bán, các suất nghỉ dưỡng trong hợp đồng cho người khác, trong khi các công ty khác thì không được như vậy.
"Bỏ ra hơn 200 triệu đồng sở hữu kỳ nghỉ trong 20 năm. Tuy nhiên, thực tế thì khác xa như thế. Chúng tôi không có quyền chuyển nhượng cũng không có quyền linh hoạt sử dụng kỳ nghỉ dưỡng của mình. Gia đình tôi cũng không thể thanh lý hợp đồng" - chị Thúy Hiền cho biết.
Bãi biển được một công ty bán kỳ nghỉ du lịch giới thiệu đến khách hàng
Ở Việt Nam, mô hình "sở hữu kỳ nghỉ" đã có từ vài năm nay và là khái niệm không còn quá mới mẻ. Bên cạnh những lợi ích sẽ mang đến cho người tiêu dùng, thời gian qua, thị trường chứng kiến không ít phản ánh về việc khách hàng từng tham gia hợp đồng chia sẻ kỳ nghỉ không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết hoặc quảng cáo.
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia - Bộ Công Thương cũng đã khuyến cáo người dân tham khảo, nghiên cứu trước khi quyết định ký hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ". Trên thực tế, quyền "sở hữu kỳ nghỉ" của bên mua không đồng nghĩa với quyền sở hữu bất động sản và hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ" là hợp đồng dịch vụ chứ không phải hợp đồng mua bán bất động sản. Việc thực hiện hợp đồng trong tương lai có thể bị đứt gãy nếu bên phân phối sản phẩm gặp trục trặc từ phía đối tác, thậm chí là rút lui, biến mất. Vì vậy, người mua sản phẩm cần nhận thức rõ những rủi ro để cân nhắc trước khi quyết định ký hợp đồng.
Thêm vào đó, hầu như tất cả hợp đồng mua bán "sở hữu kỳ nghỉ" hiện nay đều là hợp đồng dài hạn và khách hàng phải trả số tiền lớn ngay từ đầu. Do đó, người tham gia cần phân tích, đánh giá rõ về rủi ro hoặc tỉ suất sử dụng dịch vụ trên thực tế.
Bên cạnh rủi ro đến từ những yếu tố bên ngoài (như việc bên bán không thực hiện đúng hợp đồng cam kết), nhiều người phản ánh sản phẩm liên quan kỳ nghỉ trên thực tế không như các thông tin quảng cáo.
Đọc kỹ hợp đồng
Tổng cục Du lịch cho biết thời gian qua nhận được nhiều đơn thư của người dân liên quan việc mua dịch vụ "sở hữu kỳ nghỉ". Nội dung phản ánh ngoài việc người mua không chỉ có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung cấp kỳ nghỉ khoản tiền theo giá trị hợp đồng mà còn phải thanh toán các khoản phí thường niên hay phí duy trì cho từng năm được điều chỉnh tăng giảm bất thường.
Để tránh tình huống bất lợi không mong muốn xảy ra cũng như bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, Tổng cục Du lịch vừa có văn bản gửi sở quản lý du lịch các tỉnh, thành phố về việc tuyên truyền, khuyến cáo người dân phải tìm hiểu thông tin trước khi giao kết hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ". Trong đó, điều quan trọng nhất là người dân cần xác định rõ toàn bộ các chi phí phải đóng trong thời hạn hợp đồng để cân nhắc và quyết định nhằm hạn chế những rủi ro về sau.
Các khoản chi phí này có thể chỉ được quy định trong hợp đồng, không có trong thông tin quảng cáo, chào bán và có thể không được quy định rõ ràng, đầy đủ. Chẳng hạn, các điều kiện, hạn chế đối với bên mua trong việc hưởng, chuyển nhượng quyền nghỉ dưỡng như thời điểm bắt đầu được thực hiện quyền nghỉ dưỡng.
Tổng cục Du lịch lưu ý các điều khoản bất lợi cho khách hàng cũng có thể xuất hiện trong hợp đồng, ví dụ hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua; không cho người tiêu dùng hủy ngang hợp đồng, chế tài xử lý vi phạm không công bằng giữa hai bên...
Tổng cục Du lịch chỉ đạo các sở quản lý du lịch địa phương yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú du lịch, đơn vị có cung cấp dịch vụ "sở hữu kỳ nghỉ" phải quảng bá, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác; thiết lập hợp đồng mua bán kỳ nghỉ phải rõ ràng, không có các điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng như hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua...
Bên cạnh đó, phải tăng cường kiểm tra, thanh tra các đơn vị có cung cấp dịch vụ "sở hữu kỳ nghỉ" nhằm bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp tới người tiêu dùng.
Bình luận (0)