Cũng như bao trường học khác, Trường THCS Quảng Hòa (xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) đã mở cửa đón học sinh trở lại trường sau thời gian nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19. Oái oăm thay, trong số này có một số em vừa lập gia đình!
Chồng 17, vợ 15
Theo chân thầy Lê Văn Lương (giáo viên chủ nhiệm lớp 9B Trường THCS Quảng Hòa), chúng tôi tìm tới nhà em V.T.D, 17 tuổi. Chỉ tay về phía xa, nơi có 2 bóng người đang lùa trâu về chuồng, thầy Lương nói đó là vợ chồng em D., vừa kết hôn được vài tháng, khi đang học lớp 9.
Em V.A.S (17 tuổi, chồng của D.) kể em học lớp 10 tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (thuộc tỉnh Đắk Lắk). Ban đầu, hai em bàn bạc, đợi đến khi đủ tuổi mới tính chuyện gia đình nhưng trong thời gian nghỉ học do Covid-19, gia đình hai bên thống nhất dựng vợ gả chồng cho các em. Việc cưới hỏi khá đơn giản, chỉ tổ chức tại gia đình nhà gái, còn nhà trai thì không tổ chức vì gia đình khó khăn. "Đúng ra em phải lo 15 triệu đồng tiền lễ vật theo tập tục người H’Mông nhưng vì điều kiện khó khăn, gia đình vợ đã bớt xuống còn 12 triệu đồng" - em S. vô tư nói.
Nhiều học sinh của Trường THCS Quảng Hòa đã lập gia đình
Chúng tôi hỏi khi tổ chức lễ cưới, chính quyền có biết? Có đăng ký kết hôn không? Sau này làm giấy khai sinh cho con thế nào? Em S. đưa ánh mắt nhìn về phía vợ, rồi trả lời: "Chắc chỉ thôn biết chứ xã không biết. Bọn em chưa làm đăng ký kết hôn vì chưa đủ tuổi. Con sinh ra được 2, 3 tuổi thì lúc đó bọn em sẽ đủ tuổi và làm giấy khai sinh để con đi học".
Rời nhà của 2 học sinh trên, chúng tôi được thầy giáo Lê Lương Nhiên, Hiệu phó Trường THCS Quảng Hòa, dẫn đến thăm nhà em V.T.H, học sinh lớp 9 của trường. Tiếp chúng tôi, anh Vừ Văn Tú (anh trai H.) kể bố mất sớm, H. ở với mẹ và anh trai. Sau khi mẹ đi lấy chồng khác, H. không ở cố định một chỗ, ngày thì ở nhà mẹ, ngày thì ở nhà anh. Đầu năm nay, anh Tú biết H. có tình cảm với một thanh niên ở tỉnh Đắk Lắk nên đã khuyên bảo em rằng học xong lớp 9 sẽ cho cưới. Thế nhưng, không đợi được đến hết năm học, H. đã theo nam thanh niên này về làm vợ, cắt đứt mọi liên lạc với gia đình. "Tôi cũng bực bội về việc này, nó đi lấy chồng mình không biết, giờ chỉ muốn tìm nó về để nó học tiếp hết lớp 9" - anh Tú nói.
Thầy Lê Văn Lương cho biết chỉ riêng lớp 9B của trường có 5 em (2 học sinh nam, 3 học sinh nữ) đã lập gia đình trong thời gian nghỉ học phòng chống Covid-19. Trong đó, có 1 em sinh con trước, cũng vừa mới đi học lại; 2 em lấy chồng về địa phương khác nên giáo viên chưa liên hệ được. Riêng trường hợp S.T.P (17 tuổi), khi nghe tin em ấy lấy chồng, nhà trường rất… ngạc nhiên vì em nằm trong đội tuyển học sinh giỏi, chuẩn bị đi dự thi cấp huyện. "Chúng tôi rất lo vì các em lấy chồng lấy vợ... rất nhanh và được gia đình đồng ý. Có trường hợp chỉ quen nhau được một hôm là khăn gói... về nhà chồng" - thầy Lương buồn rầu.
Khó xử lý
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tôn Đông Khoa, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, cho biết tỉ lệ người đồng bào H’Mông chiếm hơn 70%, tỉ lệ hộ nghèo chiếm gần 60% dân số của xã. Thực tế tình trạng tảo hôn đã xảy ra nhiều năm qua và đang có chiều hướng giảm dần 3 - 4 năm trở lại đây. Không chỉ chính quyền địa phương, hằng năm, các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh cũng đã có những chương trình lồng ghép tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Dù vậy, do phong tục tập quán của người H’Mông là lập gia đình sớm nên vẫn xảy ra tình trạng tảo hôn.
Còn theo ông Vũ Tá Long - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đắk G’Long - sau khi nắm thông tin vụ việc nhiều học sinh Trường THCS Quảng Hòa lập gia đình, huyện đã yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo cụ thể. Huyện cũng chỉ đạo ngành giáo dục, cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể vận động các em quay lại trường. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức để người dân biết được việc tảo hôn như thế là vi phạm pháp luật về hôn nhân.
Cũng theo ông Long, UBND huyện đang yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện rà soát, báo cáo về tình trạng học sinh nghỉ học lập gia đình sớm trên địa bàn để có hướng xử lý. Yêu cầu tất cả các trường phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tránh tình trạng các em nghỉ học lập gia đình theo trào lưu. "Việc các học sinh kết hôn chưa đủ tuổi là sai, đúng ra phải xử lý về mặt pháp luật. Tuy nhiên, khi kết hôn, các cháu và gia đình đều giấu giếm, không thực hiện các thủ tục đăng ký kết hôn nên khó xử lý" - ông Long phân trần.
Nhà trường cũng "bó tay"
Thầy Đỗ Ngọc Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Hòa, cho biết hiện tại có ít nhất 7 học sinh của trường đã lập gia đình. Các em nghỉ học dài ngày vì dịch Covid-19, lại đi chơi nhiều nên chỉ cần một vài hôm gặp gỡ là các em đã về ở cùng nhau. "Việc này không thông qua chính quyền địa phương, cũng không thông báo với trường nên mãi đến khi học sinh đi học trở lại thì nhà trường mới biết. Nhà trường tổ chức đến vận động nên một số em đã quay lại lớp, một số em do lấy chồng ở xa hoặc gia đình không hợp tác..." - thầy Khanh nói.
Bình luận (0)