Ngày 19-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Tài chính.
Thu ngân sách hơn 1,69 triệu tỉ đồng
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu NSNN đã đạt hơn 1,69 triệu tỉ đồng, vượt 19,8% so dự toán Quốc hội giao đầu năm. Trong đó, thu ngân sách trung ương vượt 19,3% dự toán và thu ngân sách địa phương vượt 20,4%.
Trong thời gian còn lại của năm 2022, Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai thu, đôn đốc thu đầy đủ các khoản thu phát sinh, các khoản thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước; tăng thu nợ đọng thuế, chống thất thu và phấn đấu thu đạt mức cao hơn.
Bộ Tài chính cho biết đến ngày 15-12, tổng chi NSNN ước đạt xấp xỉ 1,45 triệu tỉ đồng, bằng 81,2% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển đạt 72,4% dự toán, chi thường xuyên đạt 88,1%. Ngoài ra, bộ đã chủ động tham mưu gói phục hồi kinh tế 347.000 tỉ đồng.
Về phía địa phương, ở điểm cầu TP HCM, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết năm 2022, TP HCM đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ về tài chính ngân sách. Đến thời điểm hiện tại, số thu ngân sách thành phố là 449.000 tỉ đồng, vượt dự toán. Dự toán thu NSNN năm 2023 của TP HCM là 469.682 tỉ đồng, tăng 21% so với dự toán năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết bộ sẽ tổ chức điều hành chi NSNN năm 2023 chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN, nợ của chính quyền địa phương, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Đồng thời, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế kiểm tra giám sát bảo đảm sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị của ngành tài chính
Gỡ khó cho chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết kết quả khả quan trong bức tranh chung về kinh tế - xã hội có sự đóng góp không nhỏ của toàn ngành tài chính. Bộ Tài chính là cơ quan "quản" nguồn lực của quốc gia thì phải phát triển được nguồn lực đó, làm sao để sử dụng hiệu quả, phân phối phù hợp.
Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra một số "điểm mờ" bên cạnh nhiều điểm sáng của ngành, cụ thể là những bất cập trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian qua.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính thời gian tới cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để hài hòa giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác. "Bộ Tài chính phải bám sát định hướng chung là chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả..." - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về năm 2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tham mưu, đề xuất tăng chi cho đầu tư phát triển, xây dựng cơ chế chính sách huy động mọi nguồn lực, lấy đầu tư công để dẫn dắt đầu tư. Cần đánh giá toàn diện để cơ cấu lại đầu tư theo lĩnh vực cho phù hợp. Thủ tướng dẫn chứng như lĩnh vực văn hóa, hiện đặt ngang với kinh tế, chính trị, xã hội, nên cần được cơ cấu bố trí nguồn lực phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng.
Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính tập trung cho nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, qua đó tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều bộ, ngành, địa phương "than" vướng mắc nhưng không chỉ rõ ở đâu, không có đề xuất cụ thể. Vốn đầu tư công hầu hết phân bổ cho các địa phương, nên các địa phương cần tập trung, làm mạnh, để giải ngân tốt hơn.
Đối với các thị trường chứng khoán, bảo hiểm, TPDN, Thủ tướng lưu ý phải nâng cao chất lượng, minh bạch, công khai để phát triển bền vững. Không để xảy ra tình trạng "chạy chọt" trong phân bổ ngân sách. Trong phân bổ ngân sách, địa phương nào cũng muốn được nhiều nhưng "chiếc bánh" ngân sách chỉ có như vậy, nếu địa phương này nhiều thì địa phương khác lại ít đi. Trong vấn đề này, phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận, thay vì xin phần trăm phân bổ ngân sách thì các địa phương cần đề xuất, xin cơ chế chính sách để làm cho "chiếc bánh" ngân sách to lên, từ đó sẽ phân bổ trở lại hợp lý hơn.
Cổ phần hóa, thoái vốn vẫn chậm
Bộ Tài chính cho biết công tác cổ phần hóa, thoái vốn trong năm vẫn chậm. Tính đến ngày 15-12, các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn, thu về 3.600 tỉ đồng, trong khi dự toán khoản thu này nộp vào NSNN Quốc hội quyết định năm 2022 là 30.000 tỉ đồng. Do đó, năm 2023 sẽ tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Bình luận (0)