Sáng 24-6, tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 310 năm năm sinh Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713 - 2023), 280 năm năm sinh danh nhân Nguyễn Huy Tự (1743 - 2023), 240 năm năm sinh danh nhân Nguyễn Huy Hổ (1783 - 2023), đồng thời đón bằng công nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc) là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương trao bằng công nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu cho tỉnh Hà Tĩnh.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương chúc mừng tỉnh Hà Tĩnh khi Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu được UNESCO công nhận là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương quy hoạch làng văn hóa Trường Lưu, có kế hoạch tổng thể về bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh. Bên cạnh đó, cần tranh thủ các nguồn lực, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu, vinh danh các di sản của tỉnh và làng Trường Lưu.
Ông Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, đã ôn lại thân thế, cuộc đời và những đóng góp to lớn của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, danh nhân Nguyễn Huy Tự và danh nhân Nguyễn Huy Hổ trên các lĩnh vực.
Theo ông Châu, với sự tâm huyết, dày công, trách nhiệm của các thế hệ con cháu trong dòng họ, sự quan tâm của tỉnh và Trung ương, vào tháng 11- 2022, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Văn bản Hán Nôm là bộ sưu tập gồm các sắc phong nhằm tôn vinh, ban tặng, phong chức cho một số người dân thuộc các dòng họ ở làng Trường Lưu.
Đây là bộ sưu tập các sắc phong của triều Hậu Lê, triều Nguyễn nhằm tôn vinh, ban tặng, phong chức cho một số người dân thuộc các dòng họ Nguyễn Huy, Trần, Hoàng, Phan thuộc làng Trường Lưu… Các văn bản này được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm trên giấy dó và lụa từ năm 1689 đến 1943; là tư liệu quý hiếm về văn hóa và giáo dục.
Theo ông Châu, đến nay, Trường Lưu là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam có 3 di sản tư liệu của Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm: Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ và Văn bản Hán Nôm. "Đây là vinh dự lớn không chỉ của riêng dòng họ Nguyễn Huy, người dân làng Trường Lưu và tỉnh Hà Tĩnh mà còn là sự tự hào của cả nước đối với nguồn tài sản vô giá mà các bậc tiền nhân đã để lại cho hậu thế chúng ta" - ông nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết hiện nay, tỉnh đang rất quan tâm bảo tồn và phát huy hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bình luận (0)