Sáng 28-8, Báo Người Lao Động tổ chức lễ tổng kết và trao giải trực tuyến cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" lần 1 năm 2020-2021, phát động cuộc thi lần 2 năm 2021-2022 với chủ đề "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc".
Nguồn động viên, cổ vũ mạnh mẽ
Phát biểu tại lễ trao giải, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi, cho biết cuộc thi được phát động từ ngày 1-8-2020 đến ngày 15-5-2021. Trong bối cảnh cả nước chung sức phòng chống dịch Covid-19, Báo Người Lao Động trân trọng ghi nhận sự quan tâm của nhiều bạn đọc, đã biểu thị lòng yêu nước, tình yêu biển đảo, ý thức bảo vệ chủ quyền gửi gắm qua từng tác phẩm. Điều này thể hiện qua gần 200 tác phẩm dự thi của 165 tác giả ở khắp mọi miền Tổ quốc và cả kiều bào ở nước ngoài.
"Các tác phẩm dự thi được đầu tư nghiêm túc, có chiều sâu, phản ánh đa dạng những vấn đề liên quan đến chủ quyền và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thông qua hình thức phóng sự, ghi chép, ký báo chí…, nhiều tác phẩm đã xây dựng được hình tượng đẹp của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển. Một số tác phẩm ca ngợi tình yêu biển đảo qua chính những chuyến hải trình đến các đảo, điểm đảo; qua đó truyền tải thông điệp về nâng cao nhận thức, bảo vệ chủ quyền. Đặc biệt, một số tác phẩm có sự đầu tư công phu về tư liệu lịch sử, cung cấp kiến thức chuyên sâu về lãnh thổ, chủ quyền, quyền tài phán… rất có giá trị cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam" - ông Tô Đình Tuân nhận định.
Thượng tá Nghiêm Xuân Thái - Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân - thay mặt cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 cảm ơn Báo Người Lao Động, đặc biệt là các tác giả đã chọn chủ đề viết về sự kiện, nhân vật tại Tiểu đoàn DK1. "Các tác giả đã phần nào lột tả được những khó khăn, vất vả, thầm lặng cống hiến, hy sinh của các chiến sĩ. Cuộc thi là nguồn động viên, cổ vũ mạnh mẽ để cán bộ, chiến sĩ hải quân nói riêng vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc" - thượng tá Nghiêm Xuân Thái bày tỏ.
Các tác giả được vinh danh (từ trái qua và từ trên xuống): Lê Mạnh Thường, Lê Thị Phương Dung, Nguyễn Thanh Tòng, Mai Văn Thắng và Hoàng Việt
Hành trình của lòng yêu nước
Tham dự lễ trao giải từ Pháp vào hơn 3 giờ sáng, tác giả Nguyễn Thanh Tòng - nguyên Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp, một trong 5 tác giả được vinh danh - không giấu được niềm vinh dự. "Tôi may mắn được đến Trường Sa, tận mắt chứng kiến sự hy sinh, ý chí kiên cường của các chiến sĩ nên viết lại hành trình của mình, để kể cho những kiều bào nghe. Bác Hồ từng căn dặn: "Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không?". Lời căn dặn đó là trách nhiệm khắc ghi của các chiến sĩ, của tất cả chúng ta" - tác giả Nguyễn Thanh Tòng bày tỏ.
Tác giả Hoàng Việt, chuyên nghiên cứu về biển Đông, cho rằng đây là cuộc thi rất thiết thực. Những thông tin, kiến thức cập nhật về biển, đảo luôn luôn cần thiết cho mọi người dân. Ông giãi bày: "Khi viết bài dự thi, tôi không mang tâm thế giành giải mà chỉ mong muốn làm rõ thêm chủ quyền biển đảo mà cha ông ta đã xác lập".
Tác giả Lê Mạnh Thường có gần 30 năm được làm người lính biển, đã đi hầu hết các vùng biển đảo của Tổ quốc và tình yêu biển, đảo đã ngấm vào máu từ lúc nào. "Bạch Long Vỹ là đảo tôi đã đến hơn 12 chuyến nhưng chuyến đi vào tháng 9-2020 để lại nhiều ấn tượng nhất. Giữa cái nắng, cái gió gay gắt trên đảo, lễ chào cờ với bài hát Quốc ca hùng tráng vang lên, thật sự quá đỗi thiêng liêng. Dồn nén những cảm xúc ấy, tôi đã viết nên tác phẩm "Cờ thắm nơi đảo xa", muốn chia sẻ với mọi người về những chuyến đi, những hành trình của lòng yêu nước" - tác giả Mạnh Thường bộc bạch.
Tác giả - trung tá Mai Văn Thắng (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) đã bật khóc khi nhắc lại những nhân vật trong tác phẩm của mình, những đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh, bỏ mình giữa biển khơi vì nhiệm vụ bảo vệ các nhà giàn, chủ quyền của Tổ quốc. "Qua tác phẩm của mình, tôi mong muốn truyền đi thông điệp rằng biển, đảo luôn là chủ quyền thiêng liêng, cha ông ta đã không tiếc máu xương bảo vệ, chúng ta phải cố gắng gìn giữ" - trung tá Thắng nói.
Cuộc trùng phùng giữa tác giả Phương Dung với bà Lê Thị Tính và chị Trần Thị Duyên. Ảnh: VĂN HÙNG
Cuộc trùng phùng của "Mộ nước"
Hành trình "Mộ nước" kể về sự hy sinh khi bảo vệ nhà giàn DK1 - Phúc Tần trước bão lớn của liệt sĩ Trần Văn Là và ước nguyện của người thân đã mang về giải thưởng cao nhất trong cuộc thi cho tác giả Phương Dung. "Mang được chai nước biển nhà giàn Phúc Tần về trao cho gia đình liệt sĩ Trần Văn Là là hành trình trọn vẹn và cảm xúc nhận giải hôm nay cũng thật trọn vẹn" - tác giả Phương Dung chia sẻ.
Tại lễ trao giải, ban tổ chức đã sắp xếp để tác giả Phương Dung gặp lại hai nhân vật của mình, đó là bà Lê Thị Tính và chị Trần Thị Duyên, vợ và con gái của liệt sĩ Trần Văn Là.
Ngồi trước màn hình tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị, bà Lê Thị Tính hồi hộp chờ giây phút xuất hiện để nói lời cảm ơn chị Phương Dung - người đã mang về cho gia đình chai đựng nước biển Phúc Tần, nơi chồng là liệt sĩ Trần Văn Là hy sinh năm 1990. Gặp lại chị Phương Dung, bà Tính bật khóc, nói không thành lời: "Cháu Dung mang về chai nước như mang một phần thân thể của người thân về với gia đình".
Còn chị Trần Thị Duyên nhớ lại: "Hồi nhỏ, mỗi dịp kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ, ông nội thường đưa tôi đi tưởng niệm các liệt sĩ, nhưng khi tưởng niệm xong thì ông dẫn lên ngôi mộ gió của ba có chữ "Tổ quốc ghi công". Tôi thắc mắc hỏi "vì sao gọi là mộ gió, vì sao ba không được nằm trong nghĩa trang?", thì ông bảo do ba không có thể xác ở dưới mộ nên gọi là mộ gió. Mỗi khi đồng đội của ba vào thăm gia đình có nhắc rằng khi nào cháu lớn thì đến nơi ba hy sinh để lấy một cây san hô về thờ cúng cho ba. Nỗi niềm đó cứ theo tôi suốt 30 năm, bởi nghĩ rằng Trường Sa rất xa vời, cho đến khi được chị Dung gọi điện hỏi địa chỉ nhà và trao về chai nước biển nơi ba ra đi, cảm giác như nhận được thi hài của ba trở về với gia đình".
Cuộc hội ngộ bất ngờ để rồi nghe thêm nhiều điều chưa kể về "mộ nước", tác giả lẫn khách mời tham dự đều không cầm được nước mắt. Tác giả Phương Dung nói rằng những "mộ nước" giữa biển khơi, trên những vùng biển thiêng của Việt Nam, nơi mà các chiến sĩ đã ngã xuống, luôn nhắc nhở mọi người, thế hệ trẻ phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc".
5 tác phẩm đoạt giải
Trong 44 tác phẩm vào vòng sơ tuyển, Hội đồng Sơ khảo đã chọn ra 20 tác phẩm vào vòng chung khảo để Hội đồng Chấm giải chung khảo xem xét chấm giải. Kết quả, Hội đồng Chấm giải chung khảo đã chọn ra 5 tác phẩm tiêu biểu nhất để trao giải với tổng số tiền thưởng 120 triệu đồng. Theo đó, giải nhất (50 triệu đồng) thuộc về tác phẩm "Mộ nước" của tác giả Phương Dung; giải nhì (30 triệu đồng) thuộc về tác phẩm "Cờ thắm giữa đảo xa" của tác giả Lê Mạnh Thường; giải ba (20 triệu đồng) thuộc về tác phẩm "Vạch trần luận điệu sai trái của Trung Quốc" của tác giả Hoàng Việt. Hai giải khuyến khích (mỗi giải 10 triệu đồng) là tác phẩm "Một lần đến Trường Sa" của tác giả Nguyễn Thanh Tòng và tác phẩm "Phía sau những pháo đài thép" của tác giả Mai Thắng.
. Chuẩn Đô đốc PHẠM KHẮC LƯỢNG, Phó Tham mưu trưởng Hải quân Việt Nam:
Xin cảm ơn Báo Người Lao Động đã tổ chức cuộc thi hết sức ý nghĩa, có được sự tham gia của đông đảo độc giả trong và ngoài nước. Ngoài ý nghĩa lớn lao, đây là cuộc thi hết sức cần thiết. Thứ nhất là cuộc thi đã truyền tải được tình yêu, trách nhiệm của các tầng lớp xã hội đối với chủ quyền biển, đảo của đất nước. Thứ hai là cuộc thi phản ánh một phần cuộc sống hiện tại của những người lính hải quân, Bộ đội Cụ Hồ đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, thể hiện được tình cảm của bà con quê hương đối với họ.
Cuộc thi góp phần cổ vũ, động viên lực lượng Hải quân phát huy hơn nữa nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
. Đại tá LÊ HUY SINH, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2:
Nên in thành sách về bảo vệ chủ quyền
Điều để lại ấn tượng lớn nhất đối với tôi ở cuộc thi này là ngoài những tác phẩm cảm nhận về tình yêu biển đảo, ca ngợi sự cống hiến, hy sinh đóng góp của các cán bộ, chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển, đảo thì đã có rất nhiều tác phẩm dự thi (theo thống kê của Ban Tổ chức là khoảng 60%) đã cung cấp thông tin tư liệu, tài liệu lịch sử khẳng định pháp lý, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Đây là những cơ sở chứng cứ quan trọng, tư liệu rất quý giá. Báo Người Lao Động nên tập hợp và in thành sách các tác phẩm dự thi được chọn đăng để giới thiệu cho bạn đọc cả trong và ngoài nước.
. Ông TRẦN TRỌNG DŨNG, Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM, thành viên Hội đồng Chung khảo:
Một cuộc thi có ý nghĩa, giá trị nhân văn to lớn
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cuộc thi vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc, với gần 200 tác phẩm dự thi, điều này thật sự rất đáng quý, chứng tỏ cuộc thi có sự lan tỏa sâu rộng. Các tác giả từ nhiều ngành nghề nhưng đều kể câu chuyện rất xúc cảm của chính mình, kể cả những tác phẩm chưa đoạt giải. Một số tác phẩm có rất nhiều tư liệu quý, ý kiến hay, không sa vào vấn đề hàn lâm mà nhẹ nhàng, dễ đọc, dễ hiểu, chạm đến trái tim nhiều người.
Đây là một cuộc thi rất có ý nghĩa, giá trị nhân văn to lớn. Tôi mong muốn Báo Người Lao Động tiếp tục duy trì cuộc thi rất có ý nghĩa này.
Phát động cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 2 và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc"
Từ thành công của cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" lần thứ nhất năm 2020-2021, Báo Người Lao Động quyết định mở rộng phạm vi, phát động cuộc thi viết lần 2 năm 2021-2022 với chủ đề: "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc".
Cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" nhằm mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc đối với mọi người dân Việt Nam trong nước cũng như đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài; cổ vũ, khuyến khích những ý tưởng, sáng kiến, giải pháp, những đóng góp thiết thực của mọi tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Gắn với chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" của Báo Người Lao Động, cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" nhằm tiếp tục lan tỏa lòng yêu nước, tình yêu quê hương; thông qua hình ảnh các tác phẩm thể hiện sự thiêng liêng, hào hùng của lá cờ Tổ quốc; nêu bật lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc; nét đẹp của cờ Tổ quốc trong đời sống lao động, các hoạt động thể dục - thể thao, ngoại giao…
Nội dung chi tiết, thể lệ hai cuộc thi sẽ được đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Người Lao Động trong thời gian tới.
Tòa soạn
THƯ CẢM ƠN
Thành công của chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" cũng như cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" có sự đóng góp tích cực của các đơn vị đồng hành.
Ban Biên tập Báo Người Lao Động trân trọng cảm ơn Công ty TNHH Hồng Thanh, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Công ty Xổ số điện toán Việt Nam - Vietlott, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ, Công ty CP Địa ốc Kim Oanh đã đồng hành chương trình và cuộc thi.
Ban Biên tập Báo Người Lao Động
Bình luận (0)