Diễn ra trong không khí trang trọng, ấm áp, lễ tổng kết, trao giải và giao lưu "Người Thầy thuốc trong tôi" mang đến nhiều cung bậc cảm xúc: tràn đầy niềm vui và sự tự hào lẫn những khoảng lặng lay động tâm can, tạo dấu ấn khó phai mờ cho người tham dự.
Các tác giả đoạt giải, ban tổ chức, ban giám khảo cùng chụp hình lưu niệm với các vị khách mời, các bác sĩ và các đại diện đơn vị tài trợ, đồng hành
Thấm đẫm ân tình và lòng tri ân
Cuộc thi "Người Thầy thuốc trong tôi" được Báo Người Lao Động phát động từ tháng 8-2021, thu hút các cây bút chuyên và không chuyên ở trong và ngoài nước, thuộc nhiều độ tuổi, ngành nghề. Các đề tài đã được phát hiện và chuyển tải trong cuộc thi rất đa dạng. Bối cảnh các câu chuyện có thể từ thời chiến tranh đến thời bình, xây dựng đất nước; trong suốt thời gian phòng chống dịch Covid-19. Các bài dự thi thể hiện dưới dạng ký báo chí, ghi chép, phóng sự... khá sinh động. Có tác giả viết về vị lương y đã cứu mạng mình năm nào; có tác giả kể về người cha hay người bạn là bác sĩ quân y; tác giả khác ghi chép diễn biến ở điểm nóng; có người khắc họa nỗi đau của người ở lại trước sự ra đi bất ngờ của người thân khi tham gia chống dịch... Không gian trong những câu chuyện trải dài từ cực Nam như Cà Mau, Bạc Liêu đến cực Bắc của Tổ quốc, như Lào Cai, Hà Giang.
Nhìn lại chặng đường của cuộc thi, TS Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi - cho hay qua các bài dự thi, độc giả được biết tới những người thầy thuốc tầm vóc, danh tiếng hay những lương y, y sĩ bình dân ở khắp các làng quê, thôn bản xa xôi… Nhân vật là cá nhân hay tập thể đều là người thật - việc thật và họ đúng nghĩa là "Thầy thuốc như mẹ hiền". Sự tham gia của đông đảo bạn viết và chất lượng bài dự thi khá cao cho thấy cuộc thi đã bắt đúng mạch thời sự, chạm vào trái tim và cảm xúc của cộng đồng.
Các đại biểu dành một phút mặc niệm các y - bác sĩ... đã nằm xuống trong đợt chống đại dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, đánh giá cao Báo Người Lao Động đã sáng tạo và đầy nhân văn khi phát động, tổ chức cuộc thi. Ông nhấn mạnh: "Cuộc thi "Người Thầy thuốc trong tôi" có ý nghĩa lớn lao trong việc động viên, chia sẻ, tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ công tác trong ngành y. Qua cuộc thi, nhiều gương sáng cá nhân, tập thể ở TP HCM và các tỉnh, thành lần lượt được giới thiệu đến với công chúng cả nước. Không chỉ là những người trực tiếp "ra trận", họ còn là những nhân tố xuất sắc ở hậu tuyến, là những thầy thuốc ở khắp nơi, lặng lẽ cứu người, vì sức khỏe, tính mạng và sự bình an của người khác".
Vợ chồng anh Đinh Công Doanh và chị Hoàng Thị Chung (tỉnh Bắc Giang, đoạt giải khuyến khích với tác phẩm "Nơi đong đầy yêu thương") xúc động khi được cùng các tác giả và các lãnh đạo, y - bác sĩ đến từ nhiều nơi quây quần, kết nối trong chương trình và càng thấy có trách nhiệm sống tốt hơn. Ông Trần Trọng Trung (đoạt giải khuyến khích với tác phẩm "Dù vất vả vẫn yêu nghề y") thức dậy sớm từ 2 giờ để đón xe từ tỉnh Đồng Tháp lên TP HCM và là người có mặt đầu tiên ở Hội trường Báo Người Lao Động. Ông Trung cảm tác 4 câu thơ về cuộc thi mà ông cho là đầy tính trí tuệ và bổ ích: "Viết Người Thầy thuốc trong tôi/ Đong đầy cảm xúc, bồi hồi đắm say/ Lương y từ mẫu tràn đầy/ Hy sinh thầm lặng hăng say yêu nghề".
Tác giả Nghĩa Huỳnh (TP HCM, tác phẩm "Thầy thuốc trẻ xông pha nơi tuyến đầu") đang có chuyến công tác dài ngày ở nhiều tỉnh, thành song vội vã bay về TP HCM giữa đêm khuya để kịp dự buổi lễ. Tác giả tỏ lòng biết ơn cuộc thi là nhịp cầu nối để câu chuyện của mình đến với bạn đọc, góp thêm năng lượng tích cực cho nhiều người. Tác giả Phạm Đức Long (tỉnh Gia Lai) bộc bạch rằng giải thưởng là kỷ niệm đẹp trong đời cầm bút: "Hơn 30 năm tôi lăn lộn với đồng bào dân tộc thiểu số. Sự huyền ảo của miền đất Tây Nguyên tích tụ, dồn nén, đến lúc được cuộc thi này kích thích mới như chất men chuyển hóa thăng hoa, để tác phẩm "Nữ y tá trên đỉnh Kon Chiêng" thành hình!".
Tác giả Lê Thị Hiệp (tỉnh Bình Dương) là độc giả trung thành của Báo Người Lao Động. Năm ngoái, chị sinh con, ở cữ giữa tâm dịch An Phú - Thuận An - Bình Dương. Trang nhật ký khó xóa nhòa về lần vượt cạn sinh tử của chị ngập tràn sự thương quý những nhân viên y tế, những đoàn chi viện và đặc biệt là những người đi đầu như PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu.
Nối dài yêu thương, thắp hy vọng
Không chỉ tạo cơ hội cho người viết thể hiện tình cảm chân thành trước phẩm chất và việc làm cao đẹp của người thầy thuốc, chương trình đã dành sự tôn vinh xứng đáng đến các nhân vật, thân nhân các nhân vật trong một số tác phẩm đoạt giải.
Dược sĩ Trương Văn Đạt (nhân vật trong bài "Thầy thuốc trẻ xông pha nơi tuyến đầu") thổ lộ: "Tôi thấy mình nhỏ bé so với các nhân vật trong những bài viết ở đây. Cuộc thi giúp tôi biết đến những tấm gương sáng để noi theo và tiếp tục cống hiến. Tôi cũng thấu hiểu nhiều hơn về ý nghĩa, giá trị của cuộc sống và càng trân trọng sự bao dung, nghĩa tình của nhân dân ta".
Bà Thân Ngọc Hương (bìa trái), vợ cố bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn và bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ chồng cố nữ điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng, giao lưu tại lễ trao giải
Bà Thân Ngọc Hương, vợ của cố bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn (nhân vật trong tác phẩm "Trọn vẹn một chữ Tâm"), không cầm được nước mắt khi xem đoạn video tái hiện những hình ảnh của chồng mình - người đã chiến đấu trong lằn ranh sinh tử vì một màu xanh yên bình cho quê hương.
Bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ chồng cố điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng (nhân vật trong bài "Nữ điều dưỡng quên mình giữa tâm dịch"), thấy ấm lòng và cảm động trước sự quan tâm dành cho gia đình mình.
Từ Hà Nội, PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, tham dự lễ bằng hình thức trực tuyến. "Cuộc thi "Người Thầy thuốc trong tôi" giúp chúng tôi vơi bớt áp lực khi được nhắc đến những cống hiến, hy sinh, cố gắng, nỗ lực của ngành, giúp củng cố niềm tin trong nhân dân đối với ngành y tế" - ông bày tỏ.
Chương trình cũng đã dành một phút mặc niệm những nhân viên y tế, các y - bác sĩ... đã nằm xuống trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.
Các tác phẩm đoạt giải
. "Trọn vẹn một chữ Tâm"
Tác giả: Hoài Thương
Giải đặc biệt (50 triệu đồng)
. "Những lá chắn thầm lặng"
Tác giả: Phương Lê
Giải nhất (30 triệu đồng)
. "Nữ y tá trên đỉnh Kon Chiêng"
Tác giả: Phạm Đức Long
Giải nhì (20 triệu đồng)
. "Thắp lửa niềm tin nơi tâm dịch"
Tác giả: Lê Thị Hiệp
Giải ba (10 triệu đồng)
. "Nữ điều dưỡng quên mình giữa tâm dịch"
Tác giả: Hoài Thương
Giải ba (10 triệu đồng)
. "Thầy thuốc trẻ xông pha nơi tuyến đầu"
Tác giả: Nghĩa Huỳnh
Giải khuyến khích (5 triệu đồng)
. "Nơi đong đầy yêu thương"
Tác giả: Đinh Công Doanh - Hoàng Thị Chung
Giải khuyến khích (5 triệu đồng)
. "Dù vất vả vẫn yêu nghề y"
Tác giả: Trần Trọng Trung
Giải khuyến khích (5 triệu đồng).
Trao tặng nhiều phần quà, học bổng
Tại lễ trao giải, ông Trương Hòa Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - đã trao tặng 20 triệu đồng từ chương trình "Học bổng dành cho học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" cho 2 con đang tuổi đi học của cố điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng. Ngoài ra, Báo Người Lao Động đã trao tặng gia đình cố bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn 10 triệu đồng.
Ban Tổ chức còn quyết định tặng thưởng cho những nhân vật và thân nhân các nhân vật ấn tượng, xuất sắc trong các bài viết. Đó là bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, dược sĩ Trương Văn Đạt, gia đình cố bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn và gia đình cố điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng. Cụ thể, mỗi trường hợp được tặng voucher du lịch 10 triệu đồng. Đây là những phần quà do Saigontourist và Vietravel hỗ trợ.
Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Lòng tốt quanh ta"
Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, phát động cuộc thi viết “Lòng tốt quanh ta”
Tại sự kiện, TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã phát động cuộc thi viết "Lòng tốt quanh ta".
Theo ông Tô Đình Tuân, dòng chảy cuộc sống vẫn tiếp diễn, ngày càng phát triển và lúc nào cũng cần sự nhân ái, nhân văn, tình thương. Do đó, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Lòng tốt quanh ta". Cuộc thi sẽ bắt đầu từ ngày 26-5 và kết thúc trao giải vào tháng 5 và tháng 6-2023. Điều này hoàn toàn phù hợp với tiêu chí của báo là "nhanh, hay, chính xác, trách nhiệm và nhân văn". Cuộc thi này mở rộng ngoài lĩnh vực y tế còn có giáo dục và nhiều lĩnh vực khác. "Nơi nào có cuộc sống, nơi đó có lòng tốt. Mọi tác giả ở mọi miền đất nước và những người Việt Nam ở nước ngoài có thể gửi bài tham gia cuộc thi này" - Tổng Biên tập Tô Đình Tuân nói.
. Ông TRƯƠNG HÒA BÌNH - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ:
Sáng kiến rất hay của Báo Người Lao Động
Tôi cảm thấy vinh hạnh khi được gặp người thân của những "chiến sĩ áo trắng" đã hy sinh anh dũng trong công cuộc chống dịch vừa qua. Trong những ngày dịch Covid-19 căng thẳng ở TP HCM, các nhân viên y tế - "chiến sĩ áo trắng" đã chiến đấu quyết liệt với "kẻ thù" giấu mặt và chấp nhận hy sinh bất cứ lúc nào.
Xin chia sẻ sự mất mát với người thân của hai liệt sĩ (cố bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn, nguyên Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP HCM - nhân vật trong tác phẩm "Trọn vẹn một chữ Tâm" và cố điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng, Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhân dân Gia Định - nhân vật trong tác phẩm "Nữ điều dưỡng quên mình giữa tâm dịch").
Cuộc thi "Người thầy thuốc trong tôi" là sáng kiến rất hay của Báo Người Lao Động khi được phát động trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng. Bên cạnh đó, Báo Người Lao Động còn nhiều chương trình hỗ trợ con em dân tộc thiểu số, khó khăn, mồ côi vì dịch Covid-19 không chỉ ở TP HCM mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác. Đây đều là những chương trình nhân văn, ý nghĩa.
. TS TÔ ĐÌNH TUÂN, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:
Thầy thuốc xứng đáng được tôn vinh
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 gây ra bao đau thương, mất mát về người, về của. Mức độ tàn khốc của đại dịch và hậu quả hết sức nặng nề của nó đối với cả nước và TP HCM như thế nào, tất cả chúng ta đều đã biết. Có lẽ chẳng ai muốn nhắc lại vì quá đau buồn! Nhưng có một điều không thể quên và không ai được phép lãng quên - đó là công lao của các lực lượng xông pha lên tuyến đầu chống dịch, trong đó ngành y là mũi nhọn tiên phong.
Đội ngũ những người thầy thuốc đã có mặt ở những điểm nóng nhất nơi tiền phương - nơi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau bằng ranh giới mong manh như sợi chỉ. Cuộc chiến nào cũng có mất mát, đau thương và cuộc chiến đương đầu với kẻ thù Covid-19 cũng vậy, không ít "chiến binh blouse trắng" đã nằm lại trong niềm tiếc thương vô hạn của người thân, đồng nghiệp và cộng đồng.
Song song với công cuộc phòng chống dịch Covid-19, đội ngũ y - bác sĩ cả nước còn ngày đêm thăm khám, điều trị, cứu chữa cho biết bao bệnh nhân đang mắc nhiều bệnh chứng khác. Tất cả đều vì nhiệm vụ cao quý là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Vì lẽ đó, những người thầy thuốc của chúng ta rất xứng đáng được tôn vinh. Cuộc thi viết "Người Thầy thuốc trong tôi" của Báo Người Lao Động ra đời vào ngày 16-8-2021 với ý nghĩa và mục đích như vậy.
Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bạn viết chuyên nghiệp và không chuyên trên cả nước cũng như người Việt đang định cư ở nước ngoài. Từ hàng trăm bài viết, Ban Sơ tuyển đã chọn đăng hơn 30 bài, sau đó chọn 30 tác phẩm vào chung khảo. Ban Chung khảo đã làm việc hết sức công tâm, khách quan, độc lập và thống nhất chọn ra 8 tác phẩm để trao thưởng. Ngoài ra, 30 tác phẩm chung khảo còn được tập hợp để in thành sách...
. PGS-TS-BS LÊ ĐÌNH THANH, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (Bộ Y tế):
Tự hào, nỗ lực cống hiến
Tôi rất vinh dự khi được mời tham gia Ban Giám khảo cuộc thi "Người Thầy thuốc trong tôi". Đọc từng bài dự thi, tôi cảm nhận các tác giả đã gửi gắm toàn bộ tâm tư của mình vào bài viết, nhiều góc cạnh của nhân viên y tế đối với sự nghiệp cống hiến vì sức khỏe nhân dân đã được nêu rõ.
Tôi trân trọng sự đóng góp của những nhân vật là nhân viên y tế có mặt trong các bài viết. Các bạn là tấm gương để những nhân viên ngành y noi theo. Ngành y đang bị dư luận đánh giá một cách phiến diện. Cuộc thi của Báo Người Lao Động giúp khơi gợi lại tình yêu người thầy thuốc trong mỗi người dân. Tiêu đề cuộc thi khiến tôi xúc động. Nếu mỗi người luôn ghi nhớ hình ảnh người thầy thuốc trong tâm thì chúng tôi rất tự hào và sẽ nỗ lực cống hiến.
. Bạn viết DƯƠNG THỊ THƯƠNG (Hoài Thương), tác giả đoạt giải đặc biệt cuộc thi "Người Thầy thuốc trong tôi":
Xin dành sự vinh danh cho nhân vật
Tôi cảm thấy vinh dự vì những bài viết và nhân vật của mình được ban tổ chức lựa chọn vào vòng chung khảo. Trong buổi lễ hôm nay, tôi xin từ chối nhận sự vinh danh về mình và xin dành sự vinh danh này cho cố bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn và cố điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng - hai nhân vật trong hai bài viết dự thi và đoạt giải của tôi.
Hơn 2 năm chống dịch khốc liệt, cuộc sống nay đã trở lại bình thường. Covid-19 không còn là mối đe dọa khủng khiếp như trước nữa. Cá nhân tôi biết ơn sâu sắc những người thầy thuốc, đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu. Tôi cũng xin cảm ơn Báo Người Lao Động và các đơn vị đồng hành đã tổ chức cuộc thi để tôi biết thêm những câu chuyện đẹp.
Hải Yến ghi
CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ, ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)