Trong buổi gặp mặt đoàn đại biểu giáo viên dân tộc thiểu số dự chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" ngày 16-11 tại TP Hà Nội, các thầy cô giáo đang dạy học tại những vùng khó khăn nhất của đất nước bày tỏ mong ước các trường, điểm trường đều có điện, sóng điện thoại, học sinh được ăn trưa, đủ sách vở…
Lo từng con chữ, bữa ăn
Cô giáo Vàng Ha De (SN 1990, dân tộc La Hủ) dạy học tại Trường Mầm non Bum Tở (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) cho biết do nhận thức còn hạn chế nên nhiều phụ huynh ở địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc học của con em. Những năm trước, ngày nào các thầy cô cũng phải đến các bản, vận động từng học sinh tới trường.
"Lớp học của cô trò chúng tôi dựng bằng ván gỗ, thiếu thốn đủ bề nhưng tôi và các đồng nghiệp vẫn cố gắng vừa công tác tốt vừa thay phụ huynh chăm lo cho học sinh, từ giặt giũ đến vệ sinh cá nhân. Nhiều lúc, tôi chỉ thầm ước điểm trường được xây dựng kiên cố hơn, có nhà vệ sinh để cô trò bớt khó khăn" - cô giáo Vàng Ha De bật khóc.
Cô Phùng Thị Thủy (SN 1992, dân tộc Thái) dạy học tại điểm Trường Mầm non xã Pa Thơm - điểm trường xa nhất tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Điểm trường chưa có sóng điện thoại, chưa có điện, nên chỉ vào dịp cuối tuần, cô mới được liên lạc về gia đình một lần. "Trước đây, điểm trường của chúng tôi được phụ huynh học sinh góp sức trát bùn làm vách, mái cũng chỉ lợp lá. Ngày mưa, giáo viên muốn tới trường phải đi bộ hơn 4 giờ. Đến nay, dù cơ sở vật chất được cải thiện nhưng điểm trường vẫn chưa có điện. Trời lạnh đến mấy, cô trò cũng đều dựa vào nguồn điện năng lượng mặt trời ít ỏi để sinh hoạt mỗi ngày" - cô Thủy cho biết.
Tại buổi gặp mặt, nhiều thầy cô đã chia sẻ về tình yêu nghề cũng như những khó khăn mà họ đã và đang phải đối mặt, như thầy Thạch Bình Thanh (SN 1969, dân tộc Khmer) - giáo viên Trường Tiểu học Thạch Thía (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long), cô giáo PiNăng Thị Hải (SN 1996, dân tộc Raglai) - giáo viên Trường Mầm non Phước Bình (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận)…
Những người "cõng chữ lên non" chia sẻ về những ngày đi từng nhà vận động học sinh đến trường, làm sao lo cho các cháu được ăn trưa tại lớp hay nhiều điểm trường còn chưa có điện, không có sóng điện thoại, nhà vệ sinh, nước sạch… Nhưng với suy nghĩ "tất cả vì học sinh thân yêu", mỗi thầy cô đều ý thức được trách nhiệm của mình để vượt lên khó khăn, vượt lên chính mình, "gùi con chữ" đến vùng khó khăn, xa xôi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các giáo viên tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” vào ngày 16-11 Ảnh: HÀ ĐẶNG
5 điều ước cho trường khó khăn
Bày tỏ niềm vui khi gặp mặt các thầy cô giáo tiêu biểu người dân tộc thiểu số, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và tri ân những công lao, đóng góp, tâm huyết trong sự nghiệp trồng người của các thầy cô giáo công tác ở vùng khó khăn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn trong thời gian tới sẽ có phong trào "5 điều ước" để kêu gọi toàn xã hội hỗ trợ thiết thực cho các điểm trường còn khó khăn, thiếu thốn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là các trường, điểm trường chưa có điện sẽ có điện, dù là điện lưới hay điện mặt trời; được phủ sóng điện thoại để tạo điều kiện cho các thầy cô sử dụng, cập nhật bài giảng, kiến thức giảng dạy mới; hỗ trợ học sinh ở các điểm trường xa có bữa ăn trưa; có đủ sách vở, đồ dùng dạy học, nhất là bằng tiếng dân tộc; xây dựng nhà vệ sinh hợp vệ sinh.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Ủy ban Dân tộc và các bộ, ban, ngành, tổ chức, cá nhân tiếp tục quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ thầy trò ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo bằng các hoạt động cụ thể, ý nghĩa, thiết thực.
Chiều cùng ngày, tại Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh đã có buổi gặp thân mật các giáo viên. Ghi nhận những nỗ lực, cố gắng, đồng thời chia sẻ với các khó khăn của thầy cô, Thứ trưởng Ngô Thị Minh mong các thầy cô tiếp tục nỗ lực, cố gắng, chủ động và bản lĩnh để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục tại vùng khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho 63 thầy cô giáo tiêu biểu người dân tộc thiểu số đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Đại diện lãnh đạo TP HCM trao bằng khen cho các thầy cô có thành tích xuất sắc vào sáng 16-11 Ảnh: TẤN THẠNH
Đặt trọn niềm tin vào đội ngũ nhà giáo
Sáng 16-11, UBND TP HCM đã tổ chức lễ kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và tuyên dương, khen thưởng các gương điển hình ngành GD-ĐT năm 2020.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, yêu cầu phát triển của TP trong giai đoạn mới cần nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, thích ứng nhanh với những thay đổi của xã hội. Để thực hiện mục tiêu đó, TP HCM đặt trọn niềm tin vào đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống tốt.
Tại buổi lễ, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, gửi lời chúc mừng hơn 90.000 thầy cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên đang làm việc trong ngành GD-ĐT. Đặc biệt, chúc mừng các tập thể, cá nhân được vinh danh, được đón nhận các danh hiệu khen thưởng cao quý của nhà nước, của TP và của ngành; đồng thời ghi nhận những đóng góp của các cá nhân được đón nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục.
Theo ông Lê Hồng Sơn, đất nước đang trải qua những ngày tháng khó khăn, nhiều thử thách bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cả xã hội phải điều chỉnh. Trong đó, ngành GD-ĐT với sự tích cực, năng động của đội ngũ các thầy cô giáo đã sớm thích nghi qua hình thức dạy học trực tuyến, đưa năm học 2019 - 2020 về đích an toàn và tạo tiền đề để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong những năm học tiếp theo.
"Trong thời gian tới, chính đội ngũ các thầy cô giáo là những người trực tiếp cụ thể hóa các nhiệm vụ, yêu cầu trên thành thực tiễn, giúp đào tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao, những công dân trẻ sống tốt, sống có ích, góp phần xây dựng, phát triển TP và đất nước" - ông Sơn nhấn mạnh.
Đ.Trinh
Bình luận (0)