Ở TP Cần Thơ, trên cơ sở Quyết định số 1056/QĐ-TTg ngày 20-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP Cần Thơ đã ban hành chỉ thị và kế hoạch triển khai nhằm cụ thể các yêu cầu, nhiệm vụ và thời gian hoàn thành cho từng cơ quan đơn vị liên quan.
Kỳ vọng "trái tim" ĐBSCL
Theo dự thảo Quy hoạch TP Cần Thơ, đến năm 2030, thành phố trở thành "trái tim" của ĐBSCL, để từ đó chuyển dịch sang các ngành có giá trị cao và trở thành thành phố xanh, đáng sống nhất Việt Nam. Có 6 ngành ưu tiên tiêu biểu là kinh doanh nông nghiệp, năng lượng, dược phẩm, hậu cần, du lịch và bán lẻ. Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái để phát triển bền vững, hệ sinh thái các ngành hỗ trợ lẫn nhau, được tích hợp với định hướng môi trường và xã hội; đồng thời có vai trò lớn ở ĐBSCL. Tầm nhìn tới năm 2050, Cần Thơ tiếp tục phát triển đồng đều, định hướng trở thành thành phố thông minh, đáng sống của Việt Nam.
Đến năm 2030, TP Cần Thơ trở thành “trái tim” của ĐBSCL. Trong ảnh: Một góc TP Cần Thơ
UBND TP Cần Thơ cũng có văn bản gửi các bộ, ngành trung ương, UBND TP HCM và 12 tỉnh ĐBSCL; Ủy ban MTTQ TP Cần Thơ, các sở, ban ngành thành phố, các cơ quan trung ương trên địa bàn thành phố, các viện, trường, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn đề nghị hỗ trợ, phối hợp và tham gia đóng góp ý kiến cho nội dung Quy hoạch TP Cần Thơ. "Xác định vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình, TP Cần Thơ đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp góp phần cho sự phát triển chung của toàn vùng. Cụ thể, quy hoạch TP Cần Thơ hướng đến mục tiêu bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất tạo cơ sở để chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang phát triển tập trung thông qua các chuỗi sản xuất, cụm ngành, hành lang kinh tế và chuỗi đô thị. Đồng thời phát huy và triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác đã ký kết giữa Cần Thơ với các địa phương trong và ngoài vùng; đề xuất các phương án, lĩnh vực hợp tác phù hợp để phát huy vai trò trung tâm của thành phố và tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương" - ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh.
Bà Võ Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ - cho rằng cộng đồng doanh nghiệp ở khu vực kinh tế tư nhân rất quan tâm và kỳ vọng vào quy hoạch mới của TP Cần Thơ trong khuôn khổ quy hoạch ĐBSCL vừa ban hành. Bà Hương đề nghị quy hoạch này sẽ được tuyên truyền trên website cũng như các sự kiện cho doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể tìm kiếm thông tin.
Liên kết chặt chẽ
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, thời gian qua, tỉnh này luôn quán triệt công tác lập quy hoạch là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Địa phương đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành nghiêm túc nghiên cứu các quy định, hướng dẫn của trung ương với mục tiêu xây dựng "quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" có chất lượng, khả thi, hiệu quả; cân đối nguồn vốn đầu tư công ngân sách tỉnh bảo đảm việc lập quy hoạch và đầu tư cho phát triển. "Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tích hợp và thay thế cho hơn 50 loại quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch cấp huyện. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn và thách thức, song sẽ tạo tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý nhà nước đối với nền kinh tế - xã hội; tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh; liên kết chặt chẽ giữa tỉnh An Giang với các tỉnh, thành trong khu vực và trên cả nước" - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết.
TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng ĐBSCL đã có quy hoạch vùng là điều đáng mừng nhưng khó khăn nhất vẫn là thực hiện. Trong đó, làm thế nào để tổ chức liên kết vùng, đưa hết thành phần kinh tế, các đối tác trong và ngoài nước vào đầu tư, phát triển tại địa bàn này. "Với quy hoạch ĐBSCL, chắc chắn đất nước ta trong giai đoạn tới sẽ phát triển rực rỡ, trong đó ĐBSCL là địa bàn tiên phong không chỉ về sản xuất nông nghiệp mà còn công nghiệp chế biến, kinh tế biển và phát triển con người" - TS Đặng Kim Sơn đánh giá.
Cơ hội cho nhà đầu tư
ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL cho rằng cho rằng quy hoạch ĐBSCL vừa được công bố là để người dân và chính quyền các cấp của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL biết được sự ra đời chính thức của quy hoạch cấp khu vực và ý chí chính trị, cam kết của Đảng và Chính phủ đối với sự phát triển của ĐBSCL theo hướng xanh, bền vững và bao trùm, gìn giữ môi trường và duy trì bản sắc văn hóa đặc thù sông nước của vùng. "Trước đây, các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tư nhân, muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL, họ đều cảm thấy lúng túng vì không có một khung định hướng rõ ràng, không thấy bức tranh định hướng chung. Giờ đây, khi vùng đã có quy hoạch, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế với quy mô, lĩnh vực khác nhau sẽ có nhiều cơ hội hơn. Ví dụ, các nhà đầu tư có thể tham gia vào 8 trung tâm đầu mối nông nghiệp đặt ở 8 vị trí chiến lược ở ĐBSCL, đầu tư vào hạ tầng dịch vụ, mạng lưới giao thông, du lịch, chế biến nông sản và thương mại, các nghiên cứu và chuyển giao công nghệ"- ThS Nguyễn Hữu Thiện nói.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)