Râu hùm có tên khoa học Tacca chantrieri André, là một loại cây thân thảo. Ở nước ta, cây râu hùm còn được gọi với nhiều tên khác nhau như: phá lủa, hoa mèo đen, co nốt khao, nưa, cẩm địa la... Cây này có nhiều giá trị về kinh tế và dược liệu nhưng đang mất dần trong đời sống tự nhiên.
Khai thác cạn kiệt
Cây râu hùm có 10 loài, phân bố ở Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Sri Lanka, các nước Đông Nam Á… Ở Việt Nam, râu hùm mọc hoang dã ở các tỉnh miền núi, trong rừng ẩm và ven suối, hiện có 6 loài được ghi nhận.
Râu hùm là cây sống lâu năm, cao 50 - 80 cm, có thân rễ dài trên mặt đất, nhiều đốt và hơi cong. Lá mọc từ phần đầu thân rễ, phiến lá hình trái xoan gần giống lá dong; hoa dạng cụm màu tím. Râu hùm nở hoa tạo quả từ tháng 7 đến tháng 10. Cây có thể nhân giống vô tính bằng cách cắt ngang thân rễ thành từng khúc nhỏ, dày khoảng 2 - 3 cm, chấm vào tro bếp rồi vùi trong cát hoặc đất ẩm.
Cây râu hùm có vị cay, đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, chống viêm, chỉ thống, lương huyết, tán ứ. Thân rễ thường được người dân giã nhỏ đắp ngoài da để chữa thấp khớp. Ở Trung Quốc, thân rễ được dùng trị nhiều bệnh như: viêm loét dạ dày, hành tá tràng, viêm gan, huyết áp cao, phỏng lửa, lở ngứa, giải độc thực phẩm. Dịch từ thân rễ của râu hùm có tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm, kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư vú.
Cây râu hùm được người dân thu hái quanh năm. Đây là một vị thuốc được sử dụng thường xuyên ở các vùng miền núi.
Do có giá trị dược liệu cao nên râu hùm được thương lái người Trung Quốc thu mua với giá cao, từ 600.000 - 800.000 đồng/kg thân rễ phơi khô. Do thấy được lợi ích về mặt kinh tế nên ở một số vùng, râu hùm trong tự nhiên bị khai thác nhiều và không bền vững nên có nguy cơ cạn kiệt.
Thêm vào đó, việc chưa có vùng trồng cũng như chưa có nhiều mô hình trồng râu hùm nên số lượng loài cây dược liệu này ở nước ta ngày càng ít, không đủ cung cấp cho thị trường. Nói cách khác, thị trường dược liệu đang khan hiếm loại nguyên liệu này.
Cây, hoa, củ và rễ râu hùmẢnh: Đăng Khôi
Không tốn nhiều công sức, chi phí
Dù rất có giá trị về mặt dược liệu và kinh tế nhưng râu hùm là loại cây mới đối với nhiều người nên chưa có nhiều mô hình trồng.
Đây là cơ hội để những hộ gia đình và người làm nông tham khảo nhằm có kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế thích hợp, khai thác và phát huy hiệu quả nguồn lợi này. Việc nhân giống cây râu hùm sẽ vừa tạo nguồn nguyên liệu sản xuất dược phẩm vừa giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng cao.
Đến nay, chỉ có một vài viện, trường nghiên cứu nhân giống râu hùm cho các khu vực sản xuất dược liệu. Trong đó, nhóm nghiên cứu của Khoa Nông - Lâm - Ngư thuộc Trường Đại học Vinh và Viện Nghiên cứu phát triển vùng thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ, do PGS-TS Trần Ngọc Lân làm trưởng nhóm, đã tiến hành điều tra, thu thập cây râu hùm tại Vườn Quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An. Nhóm có kế hoạch nhân giống nhanh râu hùm cho thị trường cây giống dược liệu, cung cấp cho người dân những cây giống chất lượng cao để sản xuất ổn định.
Nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Hải - Trường Đại học Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang - cũng đã nhân giống thành công râu hùm, tạo được số lượng lớn cây giống cho người dân trong vùng. Giá bán cây giống dao động từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng, tùy thuộc quy mô nhân giống cũng như kích thước cây giống.
Nguồn vốn đầu tư quy mô lớn cho việc trồng cây râu hùm để phát triển kinh tế không nhiều, khoảng 200 - 400 triệu đồng/ha. Vì râu hùm rất dễ trồng, ít bị sâu bệnh nên việc trồng và chăm sóc không tốn nhiều công sức cũng như chi phí.
Râu hùm sau khi phát triển khoảng 1 năm đã có thể cho thu hoạch. Cả củ, lá và hoa râu hùm đều có thể làm dược liệu. Với mỗi hecta, người trồng có thể thu được 50 - 100 triệu đồng, tùy vào khả năng chăm sóc cũng như mật độ canh tác.
Bình luận (0)