xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Miền Trung: Nhiều địa phương trở tay không kịp trước lũ dữ

NHÓM PHÓNG VIÊN

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12, mưa lớn cùng với việc thủy điện xả lũ khiến nhiều địa phương ở các tỉnh, thành miền Trung, Nam Trung Bộ bị ngập lụt, thiệt hại nặng nề

7 giờ ngày 11-11, hai chị em bà Ngô Trúc Hà và Ngô Trúc Quyên mới dám về nhà bên chân cầu La Hai (khu vực thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên). Hai ngôi nhà đổ sụp hoàn toàn do ảnh hưởng của bão số 12.

Hối hả chạy lũ

Sáng hôm trước, gió bão nổi lên nhưng chị em bà Hà cố trụ lại trong nhà để giữ tài sản mà họ dành dụm bằng nghề buôn bán nhỏ. Đến 12 giờ trưa, nước lũ lên nhanh, chị em bà chỉ còn kịp bỏ của chạy lấy người lên đường tàu lửa phía đối diện trú tạm. Đến chiều, 2 ngôi nhà đổ ầm xuống nước rồi mất hút. "Mấy năm trước cũng bị một lần rồi. Không có đất ở nơi khác nên phải dựng lại ngôi nhà ở chỗ cũ. Giờ bị vầy nữa chẳng biết lấy đâu để dựng lại nhà" - bà Hà buồn bã. Trong lúc bà Hà trò chuyện, bà Quyên đi nhặt những tấm tôn để làm chòi ở tạm.

Miền Trung: Nhiều địa phương trở tay không kịp trước lũ dữ - Ảnh 1.

Ngôi nhà của bà Ngô Trúc Hà chẳng còn gì sau lũ dữ Ảnh: HỒNG ÁNH

11 năm qua, sau trận lũ lịch sử xóa sạch xóm Trường (cũng ở huyện Đồng Xuân) năm 2009, người dân huyện này lại chứng kiến một trận lũ dữ. Ngay thị trấn La Hai, nơi tương đối cao, nhà dân cũng ngập đến hơn 3 m. Trong đêm 10-11, hơn 7.000 người dân ở huyện Đồng Xuân phải hối hả chạy lũ.

Dọc con đường từ cầu La Hai vào trung tâm thị trấn là cảnh tan hoang. Trong lúc vợ phải leo lên ghế cao lau chiếc quạt trần bám đầy bùn nước lũ, ông Trần Văn Đạo, một chủ lò bánh mì lớn ở thị trấn La Hai, ngồi bần thần trước cửa. Ông bảo nước lũ lên rất nhanh, chẳng kịp trở tay. Dàn máy làm bánh mì trị giá hơn 100 triệu đồng của gia đình ông Đạo bị hư hỏng hoàn toàn.

Theo ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, thủy điện La Hiêng 2 và hồ Phú Xuân đã đồng loạt xả nước với lưu lượng lớn qua tràn trong ngày 10-11 đã làm nước lũ lên nhanh. Mực nước trên sông Kỳ Lộ (chảy qua 2 huyện Đồng Xuân và Tuy An) tại trạm Hà Bằng trong đêm 10-11 đo được vượt báo động 3 đến gần 1 m, nhấn chìm hơn 5.000 nhà dân ở huyện Đồng Xuân. Còn ở huyện Tuy An, ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện, xác nhận toàn huyện có hơn 11.500 nhà bị ngập từ nửa mét trở lên. Đến chiều 11-11, tỉnh Phú Yên huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng vũ trang và đoàn viên thanh niên giúp 2 huyện này khắc phục lũ.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của bão số 12 và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, lượng nước đổ về sông Ba khá lớn buộc Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ phải tăng lưu lượng xả lũ. Đến tối 11-11, thủy điện Sông Ba Hạ vẫn duy trì lưu lượng xả lũ 4.500 m3/giây. Cùng với thủy điện Sông Hinh xả lũ hơn 250 m3/giây, dự báo một số vùng trũng thấp của thị xã Đông Hòa, TP Tuy Hòa và huyện Phú Hòa tiếp tục bị ngập. Đến lúc này tỉnh Phú Yên đã có 1 người mất tích và 2 người bị thương trong bão lũ.

Nước lên quá nhanh

Tại Khánh Hòa, từ tối 10-11 đến sáng 11-11, 2 xã Vĩnh Thạnh và Vĩnh Trung (TP Nha Trang) nước lên nhanh gây ngập sâu. Tại huyện Vạn Ninh có đến 12 điểm ngập tại các xã Vạn Long, Vạn Phú, Vạn Khánh, Vạn Phước. Ở thị xã Ninh Hòa, các xã dọc sông Dinh cũng bị nước lũ chia cắt.

Trong ngày 11-11, các trường học ở Ninh Hòa, Vạn Ninh và một số điểm trường ở TP Nha Trang tiếp tục cho học sinh nghỉ học. Ngay sau khi bão tan, các tổ chức Đoàn đã đến thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ cho một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn có nhà bị tốc mái hoàn toàn do bão số 12.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của bão số 12 nên địa bàn tỉnh Bình Định liên tục có mưa to, khiến nước lũ trên các sông dâng cao, gây ngập lụt tại một số địa phương. Rạng sáng 11-11, nhiều khu vực ở các huyện Vân Canh, Phù Cát, Hoài Ân và TP Quy Nhơn bị lũ chia cắt, hơn 8.500 ngôi nhà ngập nước. Trong đó, nhiều nhất là TP Quy Nhơn với hơn 8.000 nhà. Toàn tỉnh có gần 7.000 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; hàng chục hecta lúa rẫy, hoa màu, cây keo bị ngã đổ, hư hỏng. Mưa lũ cũng khiến 216 m kè, 750 m kênh mương, 200 m bờ sông và 2.645 m đường giao thông bị sạt lở, 3 cầu bị hư hỏng.

Miền Trung: Nhiều địa phương trở tay không kịp trước lũ dữ - Ảnh 2.

Thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập nặng Ảnh: QUANG TÁM

Tại tỉnh Quảng Ngãi, mưa lớn trong đêm 10 và sáng 11-11 làm một số xã ven sông Trà Câu và sông Vệ bị ngập nặng. Mưa lũ lớn gây ra 3 điểm sạt lở trên đường Trường Sơn Đông (huyện Sơn Tây) và 11 tuyến đường liên huyện, xã. Tại thôn Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây vào tối 10-11 xảy ra trận sạt lở núi vùi nhiều nhà dân. Rất may, toàn bộ 60 hộ dân khu vực sạt lở đã được di dời đến chỗ tránh trú an toàn.

Tính đến chiều tối 11-11, tỉnh Quảng Ngãi đã di dời, sơ tán 941 hộ với 2.656 nhân khẩu tại vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.

Sau bão số 12, hoàn lưu bão số 12, không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao gây mưa to trên diện rộng ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Mực nước trên sông Hương, sông Bồ đến tối 11-11 vượt báo động 3, buộc các hồ thủy điện, thủy lợi lớn ở thượng nguồn sông Hương, sông Bồ xả lũ về hạ du. Trong đó, thủy điện Bình Điền xả trên 2.500 m3/giây, thủy điện Hương Điền xả 2.412 m3/giây. Tình hình trên khiến ngập lụt xảy ra ở huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang... Thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền là một trong những khu vực bị ngập nặng nhất. Từ chiều 11-11, tất cả nẻo đường đều bị chìm sâu, người dân đi lại bằng thuyền.

Thôn Xuân Tùy cũng như rất nhiều địa phương ở tỉnh Thừa Thiên - Huế suốt một tháng qua, ngày nào người dân cũng vất vả sống chung với lũ lụt. Bão số 12 đã qua, bão số 13 chuẩn bị tới gần như vượt quá sức chịu đựng của người dân.

Bão số 13 giật cấp 15 ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Bộ

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết hồi 13 giờ ngày 11-11, vị trí tâm bão Vamco ở khoảng 14,6 độ vĩ Bắc; 123,5 độ kinh Đông, cách phía Nam đảo Luzon (Philippines) khoảng 200 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km và có khả năng mạnh thêm, sau đó đi vào biển Đông trở thành cơn bão số 13. Đến 13 giờ ngày 13-11, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250 km về phía Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15. Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết dự báo khoảng ngày 14 đến 15-11, bão số 13 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ.

Ngay trong chiều 11-11, Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện gửi các tỉnh, thành ven biển, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, yêu cầu theo sát diễn biến của bão, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, ban chỉ đạo, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Các địa phương, bộ, ngành chủ động triển khai lực lượng, phương tiện để sẵn sàng công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố trên biển, trên đất liền, cũng như hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do bão lũ.

V.Duẩn

Quảng Nam: Lở núi vùi lấp nhiều người

Ba ngày qua, do ảnh hưởng của bão số 12, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam liên tục có mưa rất lớn, nhất là tại các địa phương miền núi như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang...

Mưa lớn tiếp tục gây nên tình trạng sạt lở đất ở nhiều nơi. Trong đó, vụ sạt lở đất xảy ra khoảng 15 giờ ngày 11-11 trên tuyến Quốc lộ 40B, đoạn qua xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My khiến 1 người bị vùi lấp, 2 người bị thương nặng, nhiều người thoát chết trong gang tấc.

4-ảnh-trong-BOX

Khu vực xảy ra vụ sạt lở núi kinh hoàng ở huyện Bắc Trà My khiến 1 người mất tích, 2 người bị thương nặng Ảnh: TUẤN TÚ

Clip của một người dân ghi lại thời khắc xảy ra vụ lở núi cho thấy lúc này có khoảng 7-8 người đang đi qua đường này thì một quả núi ập xuống. Sau tiếng tri hô "chạy, chạy, chạy đi...", một số người dân đã nhanh chân chạy khỏi nơi nguy hiểm, 3 người bị vùi lấp. Sau đó, ông Đoàn Ngọc Hùng (ngụ thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My) và Huỳnh Văn Thanh (quê TP Tam Kỳ) được mọi người tìm thấy, đưa đến bệnh viện nên giữ được tính mạng. Người còn lại đang mất tích là ông Huỳnh Văn Hạ (52 tuổi; quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).

Đến tối cùng ngày, lực lượng của Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, dân quân nỗ lực tìm kiếm cứu nạn nhưng do trời tối và mưa rất lớn nên công tác tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn, chưa tìm thấy nạn nhân mất tích.

Trong ngày và đêm 11-11, mưa lớn đã khiến nhiều khu vực thấp trũng tại các huyện Nông Sơn, Đại Lộc, TP Hội An bị ngập nặng; tại các địa phương miền núi như Đông Giang, Tây Giang bị chia cắt do đường bị sạt lở, cầu cống bị cuốn trôi, hư hỏng. Các địa phương trước đó đã chủ động sơ tán người dân ở nơi có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Tr.Thường

Hướng dẫn ủng hộ chương trình "Trái tim miền Trung"

Người dùng ví AirPay có thể ủng hộ người dân vùng bị mưa lũ miền Trung qua chương trình "Trái tim miền Trung" của Báo Người Lao Động bằng các thao tác đơn giản trên ứng dụng AirPay:

Bước 1: Vào trang chủ trên ứng dụng AirPay => chọn Thanh Toán.

Bước 2: Quét mã QR của Báo Người Lao Động.

Lưu ý: Tài khoản chính thức của Báo Người Lao Động hiển thị logo màu đỏ của báo, tên Báo Người Lao Động và ghi chú: Chương trình "Trái tim miền Trung". Báo Người Lao Động chỉ có duy nhất tài khoản nhận quyên góp trên AirPay.

Bước 3: Nhập số tiền muốn quyên góp.

Bước 4: Nhập mật khẩu Ví AirPay để hoàn thành quyên góp.

4-image001

Ngoài ra, nếu đã liên kết Ví AirPay trên ứng dụng Shopee, bạn cũng có thể quyên góp qua các bước như sau:

Bước 1: Vào trang chủ Shopee => chọn biểu tượng quét QR.

Bước 2: Quét QR của Báo Người Lao Động.

Bước 3: Nhập số tiền muốn quyên góp.

Bước 4: Nhập mật khẩu Ví AirPay để hoàn thành quyên góp.

4-image002

Ngoài ra, Báo Người Lao Động vẫn tiếp tục nhận mọi đóng góp gửi về tài khoản: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh TP HCM; số tài khoản: 117000004884, Báo Người Lao Động. Nội dung: Hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt qua chương trình "Trái tim miền Trung".

Bạn đọc cũng có thể trực tiếp gửi tại Tòa soạn Báo Người Lao Động (123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM) hoặc các văn phòng đại diện, văn phòng liên lạc của báo trên cả nước:

* Hà Nội: 16F Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm. ĐT: (024) 39274484.

* Đà Nẵng: 152 Nguyễn Thị Minh Khai, quận Hải Châu. ĐT: (0236) 3837623.

* Tây Nguyên - Nam Trung Bộ: 6 Lê Thánh Tôn, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. ĐT: (0258) 3510889.

Danh sách tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào miền Trung được đăng chi tiết trên Báo Người Lao Động điện tử tại nld.com.vn

Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc.

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG

4-QR CODE CHUONG TRINH

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo