Trước những thông tin tại hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tổ chức ở TP Cần Thơ vào cuối tuần qua, người dân và các ngành chức năng cùng các chuyên gia đã tin tưởng vào tinh thần "thuận thiên" mà Nghị quyết (NQ) 120 của Chính phủ vạch ra.
Chuyển đổi mô hình nông nghiệp thích ứng tốt với biến đổi khí hậu sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của Nghị quyết 120 của Chính phủ. Ảnh: LÂM LONG HỒ
Chuyển đổi kịp thời, nhà nông phấn khởi
Nằm ở cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau vừa trải qua một năm hạn, mặn khốc liệt nhất trong lịch sử và chuẩn bị bước vào một mùa hạn hán, xâm nhập mặn dự báo dễ chịu hơn nhờ các dự án xuất phát từ NQ 120 đã khởi động.
Những ngày giữa tháng 3, nắng nóng nhưng kênh, rạch vùng ngọt hóa không còn cảnh cạn trơ đáy như các năm trước. Ông Võ Văn Bền - nông dân trồng đậu ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời - bùi ngùi nhớ lại vụ mùa thất bát vì khô hạn tàn khốc của năm trước: "Mùa này năm trước, tôi xuống giống 1 ha đậu, đậu phát triển tốt nhưng khoảng 3 tuần sau, vào giai đoạn tưới phân thì nắng nóng khủng khiếp và kéo dài, đậu không ra rễ nổi, toàn bộ vốn liếng và công sức đầu tư mất trắng". Năm nay, khi xuống giống đậu xanh, ông tràn trề hy vọng vì công trình cống Cái Lớn, Cái Bé ở Kiên Giang đã vận hành sẽ ngăn mặn hiệu quả. Công trình này được xem là một "siêu" dự án cống thủy lợi kiểm soát mặn lớn nhất Việt Nam khởi công tháng 11-2019 với tổng mức đầu tư hơn 3.309 tỉ đồng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự án có nhiệm vụ kiểm soát nguồn nước mặn, lợ, ngọt, tạo điều kiện sản xuất ổn định cho các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) trên vùng diện tích hơn 384.000 ha. Giai đoạn 1 của dự án tác động đến 4 tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, một phần Cà Mau, Bạc Liêu. Một phần của dự án đã được vận hành tạm vào ngày 5-2 vừa qua.
Tại vùng nguyên liệu mía một thời lớn nhất nhì ĐBSCL ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau từng được tỉnh này quyết tâm gìn giữ và mở rộng quy hoạch lên đến 7.000 ha, bất chấp nguyện vọng muốn chuyển đổi sang nuôi tôm của nông dân, giờ cũng đã đổi màu. Thực tế thời điểm đó, cây mía đã mất giá trị và vùng mía nhiễm mặn, nông dân càng trồng càng lỗ. Nhiều hộ trồng mía đã tự phá vỡ quy hoạch, đốt bỏ ruộng mía, đưa nước mặn vào làm mô hình lúa - tôm. Từ đó, dẫn đến nhiều cuộc xung đột mặn - ngọt kéo dài gay gắt giữa các hộ nông dân, giữa nông dân với chính quyền. Nguyện vọng của người dân vùng mía thật sự được ghi nhận từ khi NQ 120 ra đời. Tỉnh Cà Mau nắm rõ tinh thần chỉ đạo của NQ này là "thuận thiên" nên đã quyết định cho thực hiện chuyển đổi toàn vùng trồng mía đan xen mô hình lúa - tôm tự phát sang mô hình lúa - tôm. Hiện nay, tại "thủ phủ mía" thuộc các xã Trí Lực, Trí Phải, Biển Bạch..., nông dân chỉ còn nhắc chuyện trồng lúa và nuôi tôm sao cho hiệu quả, những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày càng nhiều. Cây mía chỉ còn lại trong ký ức ngọt ngào lẫn cay đắng của người nông dân một thời bị gò bó bởi quy hoạch cứng nhắc, đi ngược với thiên nhiên.
"Từ khi chuyển đổi sản xuất thuận theo điều kiện tự nhiên, đời sống của nông dân được cải thiện, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu. NQ 120 thật sự đã cởi trói cho nông dân. Sắp tới, Chính phủ quan tâm đầu tư mạnh vào các công trình, mô hình thích ứng với BĐKH thì đời sống, sản xuất của nông dân chúng tôi sẽ thêm vững bền hơn" - ông Trần Văn Thiệt (nông dân ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình) hồ hởi.
Người nuôi tôm ở ĐBSCL thắng lớn nhờ đặt trọn niềm tin vào tư tưởng “thuận thiên” của Nghị quyết 120. Ảnh: NGỌC TRINH
Kết nối nông dân với doanh nghiệp, thị trường
Trước những kết quả bước đầu được nêu ra tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện NQ 120, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho rằng trong thời gian dài nhiều nơi chạy theo năng suất để lấy thành tích, mở rộng diện tích vùng mặn làm lúa. Từ khi có NQ 120, nông dân đã có mô hình chuyển đổi và những sáng kiến mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều vùng thay vì trồng lúa vụ 3 trong đê bao khép kín mùa lũ thì nay nông dân cũng "thuận thiên" dựa vào lũ, vùng ven biển để sản xuất theo mùa. Thực hiện theo NQ 120 là chúng ta không chống chọi với thiên nhiên hay oằn mình chống lũ, gồng mình chống mặn trong mùa khô.
Từ năm 2010 trở lại đây, Kiên Giang đã và đang phải đối mặt với nguy cơ tác động ngày càng gia tăng do BĐKH cực đoan, khó lường; tình trạng sụt lún đất, xói lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ngày càng nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến toàn vùng… Trước thực trạng đó, NQ 120 của Chính phủ ra đời với tập hợp các quyết sách hết sức kịp thời, đánh dấu bước đột phá lịch sử về tư duy, định hướng chiến lược và khát vọng về một vùng ĐBSCL phát triển "bền vững, an toàn, thịnh vượng" vào năm 2100. Bên cạnh các giải pháp phi công trình, các giải pháp công trình có tính chất liên vùng, đa mục tiêu, hạn chế tác động bất lợi của BĐKH là một trong những định hướng chiến lược theo NQ 120. "Trong giai đoạn 2021-2025, Kiên Giang quyết tâm thực hiện có hiệu quả hơn nữa NQ 120, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là kinh tế biển và kinh tế nông nghiệp, dịch vụ" - ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, khẳng định.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, báo cáo của các bộ tại hội nghị lần 3 chưa ai nói đầu ra cho bà con nông dân. Chúng ta không thể để cho thương lái hoành hành trong dân hoặc không thể cứ giải cứu hoài. "Quy hoạch ĐBSCL nên định hướng theo từng vùng, chuyên cây trái. Từ đó, kết hợp nông dân với nông dân - điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rất nhiều, phải thành một HTX hoặc nhiều HTX để liên kết với doanh nghiệp (DN) có sẵn chuỗi phân phối để tìm đầu ra, thay thế cách làm hiện nay là giải cứu. Cần có quốc sách mạnh gắn nông dân với DN và thị trường. Trong đó, TP HCM là nơi có nhiều DN năng nổ, giúp hiệu quả cho đầu ra của ĐBSCL" - GS-TS Võ Tòng Xuân đề xuất.
Giao thông thuận tiện
Trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến cho ĐBSCL khoảng 388.000 tỉ đồng để sớm hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng, trong đó có việc thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau. Khi đó, chuyện đi lại của người dân trong khu vực ĐBSCL trở nên nhanh chóng hơn, việc mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân13 tỉnh, thành trong vùng và TP HCM cũng sẽ thuận lợi hơn.
Tập trung vào 3 điểm
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ - cho rằng qua 3 năm thực hiện NQ 120, chúng ta đã làm được một số việc nhưng còn nhiều thách thức rút ra từ sơ kết NQ này. Khẩu lệnh "8G" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất đầy đủ và toàn diện, gắn với nhiều giải pháp lớn, song đó là câu chuyện cho 50 năm hay thậm chí 100 năm. Trong 5 năm tới, chỉ cần tập trung vào 3 điểm gồm: bản quy hoạch có chất lượng, tính khả thi cao; tập trung hạ tầng giao thông có tính ưu tiên, quyết định, không dàn trải cùng logistics hiệu quả; chuyển đổi mô hình nông nghiệp thích ứng tốt. Ba điểm này sẽ được các chuyên gia kinh tế và nông nghiệp chứng minh trong thời gian tới.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)