Ông Hồ Đa Thê, Giám đốc HTX Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc (HTX Hòa Lộc, xã Lộc Bổn), cho biết đến nay, HTX có 30 xã viên với 804 ha rừng trồng, trong đó 690 ha là rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC. "Trung bình mỗi năm, 70-100 tấn gỗ rừng trồng đạt chuẩn được khai thác. Đây là loại gỗ có ít nhất 7-8 năm tuổi nên giá trị kinh tế cao, xã viên HTX thu lợi lớn. Ngày càng có nhiều người trở nên khấm khá từ kinh tế rừng" - ông Thê phấn khởi.
Gỗ rừng để được cấp chứng chỉ FSC không hề đơn giản, phải đạt 10 tiêu chí với 56 nguyên tắc nghiêm ngặt do các chuyên gia rừng thế giới kiểm tra, đánh giá. Theo đó, phải bảo đảm 3 vấn đề: môi trường, xã hội và kinh tế. "Sau khi khai thác rừng, thực bì không được đốt mà phải chặt nhỏ làm phân để tái trồng cây. Rừng phải có yếu tố bảo vệ được dòng chảy tự nhiên, không được sử dụng hóa chất; khai thác đúng quy trình; bảo vệ các loài động vật hoang dã" - ông Thê giải thích.
Nhờ vậy, rừng Bến Ván cho sản lượng 200 m3/ha, giá trị 250 - 300 triệu đồng/ha, thậm chí có lô rừng đạt giá trị đến 380 triệu đồng/ha. Nếu tính theo thời gian của chu kỳ trồng thì hiệu quả kinh tế rừng gỗ lớn cao hơn rừng gỗ nhỏ khoảng 40% - 50%.
Trồng và khai thác rừng gỗ lớn đạt tiêu chuẩn FSC tại HTX Hòa Lộc
Gia đình ông Hồ Đức Lăng, xã viên HTX Hòa Lộc, hiện có hơn 30 ha rừng trồng theo tiêu chí FSC. "Trước đây, cây trồng khoảng 2-3 năm là thu hoạch bán cho thương lái để đưa đến các nhà máy làm dăm gỗ. Cây nhỏ nên người trồng bị ép giá, thu nhập thấp. Nay cây được trồng 7-8 năm, được chăm sóc với quy trình chuẩn nên giá trị cao hơn hẳn" - ông Lăng so sánh.
Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 473 thành viên các HTX là chủ rừng có chứng chỉ FSC với diện tích khoảng 5.172 ha. Trong đó, Bến Ván được xem là nơi đầu tiên thực hiện mô hình này từ năm 2012.
HXT Hòa Lộc được thành lập năm 2018, theo mô hình lâm nghiệp bền vững nhằm hỗ trợ người dân trong việc trồng rừng đạt chuẩn FSC. HTX này đã đầu tư nhà xưởng, thiết bị, máy móc chế biến gỗ, diện tích xây dựng 700 m2 trị giá 1,2 tỉ đồng; đầu tư vườn ươm gần 2 ha giống chất lượng cao, bảo đảm 500.000 đến 1 triệu cây giống phục vụ nhu cầu thường xuyên của người dân.
Mô hình rừng trồng gỗ lớn đạt chuẩn FSC của HTX Hòa Lộc từ lâu đã trở thành địa điểm tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của những người trồng rừng trong cả nước và các đoàn đến từ Thái Lan, Lào, Myanmar… "Nhiều đoàn sinh viên của các trường đại học ở Đông Nam Á cũng tới tham quan. Chúng tôi thu phí 1 triệu đồng/đoàn trên 50 người; đoàn ít người hơn thì phí thấp hơn. Có năm, chúng tôi thu đến 5-7 triệu đồng, thu theo quy định điều lệ, được nộp vào quỹ HTX để chi phí cho việc in ấn tài liệu, thuyết trình và phục vụ các đoàn tham quan" - ông Thê tự hào.
Từ mô hình HTX Hòa Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng 25 HTX lâm nghiệp bền vững liên kết theo chuỗi giá trị với Công ty TNHH Scansia Pacific nhằm mục tiêu trồng và chế biến gỗ rừng có chứng chỉ FSC phục vụ xuất khẩu.
Bình luận (0)