Bệnh viện (BV) Tâm thần TP HCM giữa trưa nóng bức nhưng khu khám bệnh đông nghịt, người ra kẻ vào tấp nập. Tại khu chờ khám, nhiều người đeo khẩu trang che kín mặt, ngồi thu mình, tránh mọi ánh nhìn, dường như sợ bị xem là "tâm thần mới vô đây". Một số khác ôm chặt cánh tay người thân, trạng thái mệt mỏi, phản ứng chậm chạp. Thỉnh thoảng có người bị trói chặt tay được một đám đông "hộ tống" đến...
Kể chuyện đời...
Sau khi trình giấy giới thiệu, tôi được một điều dưỡng dẫn vào trong. Phía sau cánh cửa sắt ngăn cách Khoa Nội trú với thế giới bên ngoài, nhiều bệnh nhân nam ôm chặt khung cửa, có người hát, người reo hò, cũng không ít người nhìn xa xăm hoặc bật khóc, luôn miệng đòi "đưa con về nhà, con hết bệnh rồi"...
Bệnh nhân trong khu nam Khoa Nội trú Bệnh viện Tâm thần TP HCM
Vừa bước vài bước qua cánh cửa để vào Khoa Nội trú, tôi giật mình khi một thanh niên trong phòng nhảy ra, vẫy tay cười tươi rói: "Mình chào bạn mới". Tôi chưa kịp hoàn hồn thì điều dưỡng ra tín hiệu đi tiếp. Bên phải là khu nam, một người đàn ông trung niên mân mê trên tay người nhện đồ chơi rồi đong đưa làm nó bay lượn, gương mặt thích thú như đứa trẻ. Một thanh niên chừng 30 tuổi đang được người thân đút từng muỗng cơm; phía sau anh, một thanh niên khác lủi thủi chui vào góc phòng, gục mặt xuống ngốn thật nhanh phần cơm của mình…
Ở khu nữ, cô gái trẻ tóc bù xù ngồi co người ở góc giường liên tục chửi bới. Cạnh đó, người phụ nữ mặt tái nhợt, mắt thâm quầng nài nỉ: "Bác sĩ (BS) ơi cứu em, làm ơn cho 2 viên thuốc, mệt quá". Có cô gái gương mặt ngơ ngác, ánh mắt vô hồn nhét vội vào tay tôi quả chuối luộc, xong lặng lẽ bỏ đi…
Tôi được BS giới thiệu trò chuyện với bệnh nhân Đ.K.D (53 tuổi, bệnh tâm thần phân liệt). Bà D. thường khóc cười vô cớ, mất ngủ, có khi gây hấn, hung hăng. Tình trạng ngày càng nặng nên gia đình đưa đến đây điều trị. Khi tôi hỏi thăm, bà ngọng nghịu nói tên, địa chỉ nhà như kiểu học thuộc lòng rồi tuôn một tràn: "D. biết mình bị bệnh nên chị mới đưa vô đây nhưng giờ khỏe rồi, ăn được. D. nhớ nhà. Khi về nhà, D. sẽ đi làm. Mà sao chị chưa đến đón D. Cô ơi, cô nhắn giùm chị là D. khỏe rồi, đến đón về nhà nha".
Bệnh nhân N.T.N.Q (36 tuổi, có biểu hiện trầm cảm, bất thường tâm thần vận động sau khi sinh) được gia đình đưa vào khi thường xuyên trầm uất, dễ cáu gắt, không muốn chăm sóc con, có ý muốn tự tử. Cách đây 2 năm, chị Q. từng khám tâm thần vì trầm buồn quá mức dẫn đến rối loạn hành vi nhưng do uống thuốc không đều nên tình trạng không cải thiện.
"Hồi trước, tôi cảm giác chị gái không thương mình, làm gì chị cũng không vừa ý. Tôi thấy áp lực lắm. Rồi tôi cũng không biết sao chồng lại đưa mình vô đây. Tôi thấy mình bình thường. Tôi nhớ con, mong sao chồng nhanh đến đón về. Tôi sẽ kiếm công việc để làm và chăm sóc con" - chị Q. nói. Những lúc tỉnh táo ngắn ngủi và hiếm hoi như lúc này, chị mới nhận ra mình nhớ và yêu thương con biết chừng nào.
Nước mắt người thân
Ở Khoa Nội trú này, ngoài những người "không biết mình là ai" thì còn có người thân của họ, những người ngày đêm ở cạnh bệnh nhân chăm sóc, đút từng muỗng cơm, chăm từng giấc ngủ, vui sướng đến trào nước mắt trước sự hồi phục, dù chỉ là một chút, của người thân.
Tôi nhớ mãi hình ảnh bà T.T.T (64 tuổi) vừa dỗ dành đút cơm cho cô con gái L.T.N.N (27 tuổi, bệnh tâm thần phân liệt) vừa gắng gượng cười mà đôi mắt in hằn nỗi đau đớn cùng cực. Bà ly hôn khi N. còn nhỏ, một mình tần tảo nuôi con. N. học giỏi, vào được trường chuyên, thành tích lúc nào cũng vượt trội nhưng có lẽ vì sức ép học tập mà bản thân đặt ra quá lớn, N. sụp đổ khi thi rớt đại học. Bệnh của N. ngày càng nặng, không chịu uống thuốc, cuối cùng phải điều trị nội trú.
"Từ lúc vào đây, tôi phải nghỉ bán hàng rong để ở bên cạnh chăm sóc con. Có lúc nửa đêm lên cơn, nó nói nhảm, tụng kinh làm bệnh nhân xung quanh không ngủ được. Ở đây có người hiền, có người nóng nảy, tôi không bên cạnh thì khổ. Chỉ khi nào nó ngủ, tôi mới nghỉ ngơi được một chút. Nhiều khi lo tuổi mình ngày một già yếu, không biết còn bao nhiêu thời gian chăm sóc cho con" - bà T. sụt sùi.
Trong lúc tôi ngồi nói chuyện với bà T., một cụ bà hớt hải chạy đi tìm BS: "Con tôi lại phát bệnh, cho uống thuốc rồi mà vẫn chưa thấy đỡ. Nó cứ kêu tai lùng bùng nghe như ai nói gì đó". Đó là bà L.T.A (68 tuổi), con trai tên L.B.N (36 tuổi), mới được chuyển vào tối hôm trước.
"Nó đang có công việc ổn định nhưng không biết chọn bạn chơi rồi nghiện ma túy. Gần đây, tinh thần nó không ổn định, mấy lần leo lầu trốn khỏi nhà, bị phát hiện giữ lại, nó lấy kéo cắt vào tay mình. Giờ cả nhà chỉ biết thay nhau vào chăm sóc nó. Tôi già yếu, không còn sức kìm nó mỗi khi phát bệnh, mà bỏ ở một mình thì tội lắm" - bà A. kể.
Kỳ tới: Vất vả chăm sóc
Bệnh trầm cảm có thể tái phát
Theo BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc BV Tâm thần TP HCM, người trầm cảm thường có biểu hiện khí sắc buồn, thụ động, mắt trũng vào, cơ mặt nhão. Khi mắc bệnh, họ sẽ mất hết hứng thú, sở thích cá nhân, từ chối hoạt động tập thể, lúc nào cũng trong trạng thái mệt mỏi, làm việc kém hiệu quả. Một số biểu hiện khác là mất tập trung, chú ý, trí nhớ giảm sút; chán ăn hoặc ăn nhiều, mất ngủ hoặc ngủ nhiều; vận động chậm chạp hoặc bị kích thích đi lại lăng xăng.
BS chuyên khoa II Vũ Kim Hoàn, Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Tâm thần TP HCM, cho biết nguyên nhân của trầm cảm rất đa dạng: stress do áp lực cuộc sống, gặp phải chuyện đau buồn, mắc bệnh hiểm nghèo và có những trường hợp nguyên nhân không rõ ràng. "Trầm cảm là bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi được. Quá trình điều trị tùy thuộc vào mức độ nặng, nhẹ mà thời gian có thể kéo dài từ 6 đến 24 tháng. Trường hợp nghiêm trọng có nguy cơ dẫn đến tự tử thì phải được nhập viện để điều trị nội trú. Tuy nhiên, sau khi đã khỏi, bệnh trầm cảm cũng có thể tái phát trong trường hợp lại gặp phải một cú sốc hoặc vấn đề khó chịu nào đó nên gia đình cần hết sức lưu tâm" - BS Hoàn lưu ý.
Bình luận (0)