Thời gian gần đây, PV Báo Người Lao Động nhận được phản ánh của người dân địa phương nghi ngờ tình trạng trục lợi từ việc lấy cát nạo vét thuộc dự án khu neo đậu tàu thuyền ở xã Phú Hải, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế để "tuồn" vào bán cho các dự án làm đường và các bãi tập kết cát.
Việc xúc cát chở đi công khai giữa ban ngày
Đây là dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư, nguồn vốn từ khoản tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh trong sự cố môi trường biển năm 2016. Đơn vị thi công là liên danh hai nhà thầu, trong đó Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Đạt (tỉnh Quảng Bình) nạo hút cát, khơi thông luồng lạch âu thuyền.
Một xe ben chở đầy tràn cát
Đến nay, nhà thầu đã nạo hút được khoảng 50.000 m3 trong tổng số 150.000 m3 cát theo quy định. Số cát này được đổ tạm ở 2 bãi bồi liên tiếp nhau cạnh âu thuyền tại thôn Cự Lại Trung, xã Phú Hải.
Vị trí bãi tập kết cát sau khi nạo vét và được chở đi công khai
Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định khối lượng nạo cát nạo vét lên hiện tại chỉ phục vụ nhu cầu các công trình xây dựng, công trình phục vụ dân sinh trên địa bàn xã Phú Hải theo nhu cầu của địa phương đề xuất, được chủ đầu tư phê duyệt, ngoài ra không được phép chở ra ngoài địa bàn.
Cát được chở vượt chiều cao, quá tải từ âu thuyền "tuồn" ra ngoài trái phép
Theo tìm hiểu, gần 1.000 m3 cát đã được đổ tại sân bóng đá xã Phú Hải để san lấp, nâng cao hơn mặt đường nhựa Quốc lộ 49B khoảng 15 cm theo đề xuất của xã. Ngoài ra, khoảng hơn vài chục ngàn m3 sẽ được đổ ở bãi biển chống sạt lở theo đề xuất của địa phương nhưng chưa triển khai do đường vào chưa thông.
Chiếc xe ben chở cát rời bãi tập kết
Thế nhưng, cát nạo hút ở đây đang được đưa đi đổ ở những chỗ khác, ngoài phạm vi xã Phú Hải. Trong các ngày 1 và 2-4, chúng tôi có mặt tại bãi tập kết cát dự án này, ghi nhận cảnh các xe tải tự đỗ (xe ben) loại tải trọng 7- 8 tấn nối đuôi nhau đến chở cát.
Xe chở cát rời bãi
Xe rời bãi tập kết
Theo ghi nhận, các xe BKS 75C.105.xx, 75C.052.xx, 75C.003.xx, 75.096.xx, 75.097.xx, 75C-097.xx, 75C-060.xx, 75C-088.xx, 75C-038.xx…. liên tục đến chở cát. Tại đây, một chiếc máy xúc hoạt động hết công suất. Những chiếc xe được đổ cát cao vun vút, vượt quá chiều cao thành thùng hàng và được xe múc dùng gàu "nện" xuống để chở nhiều hơn. Một nam thanh niên thường xuyên túc trực, ghi sổ sách từng chuyến xe.
Chở cát quá tải "vi vu" trên đường
Những chiếc xe ben này sau khi "no" cát, chở quá tải, chỉ được che bạt sơ sài khiến cát rơi vãi dọc đường vận chuyển.
Cát đổ vào bãi tập kết ven Tỉnh lộ 2 ở xã Phú Thanh, huyện Phú Vang
Các xe này sau khi rời bãi cát, theo Quốc lộ 49B ngược hướng lên TP Huế. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các xe này khi đến vị trí phân hiệu Trường ĐH Tài chính - Kế toán ở xã Phú Thượng (Phú Vang) thì đi vào đường dự án Chợ Mai - Tân Mỹ đang thi công.
Một trong nhiều xe ben chở cát rời địa phận xã Phú Hải
Đây là dự án do Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư và đang thực hiện đổ đất san lấp nền từ mặt ruộng. Men theo đoạn đường đang thi công, chúng tôi tìm đến vị trí cuối cùng đang đổ đất và ghi nhận có rất nhiều đống cát trắng. Theo ghi nhận, cát tập kết ở đây rất giống với cát nạo vét từ âu thuyền Phú Hải.
Xe liên tục tới chở cát
Ngoài ra, cát từ âu thuyền Phú Hải cũng được chở đến tập kết tại một số bãi cát lậu ở xã Phú Mậu, xã Phú Thanh, huyện Phú Vang. Từ đó, cát được chủ bãi bán cho những ai có nhu cầu với giá khoảng 200.000 đồng/m3 để độn nền nhà.
Chở vào dự án đường Chợ Mai - Tân Mỹ
Sau khi theo xe BKS 75C-003.xx chở cát từ âu thuyền Phú Hải vào đổ cho bãi cát lậu ở ven Tỉnh lộ 2 (xã Phú Thanh,) trong vai người cần mua cát độn nền, chúng tôi được chủ bãi đồng ý bán với giá 900.000 đồng/5m3 nếu chở về Thuận An (huyện Phú Vang) cách đó chừng 5 km. Tại bãi này, có hơn 50 m3 cát rất giống với cát từ âu thuyền Phú Hải nạo vét. Người chủ bãi tên Q. quả quyết rằng đó là cát từ âu thuyền nạo vét chở tới, nó trắng chứ không đen như cát hút trộm ở sông Hương - đoạn ngoài đập Thảo Long. "Phải có tay trong mới lấy được cát ở đó. Cát phục vụ dự án" - người đàn ông này nói thêm.
Cát tập kết ở dự án đường Chợ Mai - Tân Mỹ
Cát tập kết và san gạt
Người dân địa phương đặt nghi vấn "việc nạo hút cát ở âu thuyền đã được dự án trả tiền công, cát đưa lên đi bán "chui" như vậy thì họ lại "ăn" thêm một khoản nữa. Đó là dấu hiệu trục lợi từ tài nguyên của nhà nước, cần phải làm rõ ai bán, ai mua, số lượng đã bán bao nhiêu? Việc chở cát đi giữa ban ngày sao chủ đầu tư, chính quyền không hay biết?".
Cát từ âu thuyền đến dự án thi công và bãi tập kết
Mặt khác, cát từ âu thuyền Phú Hải bị nhiễm mặn, phèn vì là vùng nước lợ. Vậy, việc đưa loại cát này vào thực hiện xây dựng công trình liệu có ảnh hưởng đến chất lượng? Trong phê duyệt trúng thầu, chủ đầu tư phải chăng đã đồng ý với phương án sử dụng vật liệu cát từ khu vực này hay không hay chính họ cũng bị đơn vị thi công "qua mặt" nhằm giảm giá thành xây dựng để thu lợi?
Người dân đang chờ các ban quản lý dự án, đơn vị thi công trả lời.
Bình luận (0)