Việt Nam, Mỹ và Philippines đã đồng loạt có phản ứng mạnh mẽ sau khi Trung Quốc tiến hành tập trận phi pháp ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ ngày 1-7.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 2-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần tuyên bố DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quy trình đàm phán COC (Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông) hiện nay, giữa ASEAN và Trung Quốc và việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở biển Đông. Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại hành động này trong tương lai".
Tàu kiểm ngư Việt Nam (phải), tàu USS Gabrielle Giffords (giữa) và tàu Hải Dương 4 ở biển Đông hôm 1-7 .Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Không lâu sau đó, Bộ Quốc phòng Mỹ ra tuyên bố chỉ trích hành động khiêu khích nói trên của Trung Quốc sẽ khiến tình hình khu vực thêm bất ổn. Theo tuyên bố, cuộc tập trận của Trung Quốc, dự kiến kéo dài đến ngày 5-7, là phản tác dụng đối với các nỗ lực xuống thang căng thẳng và duy trì ổn định. "Cuộc tập trận này là động thái mới nhất trong chuỗi hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định những yêu sách hàng hải bất hợp pháp và gây bất lợi cho các nước Đông Nam Á ở biển Đông" - Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.
Tuyên bố cũng cáo buộc các cuộc tập trận cũng vi phạm cam kết của Trung Quốc trong DOC năm 2002, theo đó mọi bên liên quan tránh các hành động làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp, cũng như ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định.
Ngoài ra, hành động của Bắc Kinh còn đi ngược cam kết không quân sự hóa biển Đông cũng như tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó, tất cả quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều được bảo đảm về chủ quyền, không bị ép buộc và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Mỹ không ít lần cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa biển Đông và tìm cách dọa nạt, cản trở các nước láng giềng khai thác trữ lượng dầu khí khổng lồ của vùng biển này. Trong động thái gây sức ép lên tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở biển Đông, Washington đã tiến hành nhiều chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực.
Trong số này, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin đã có những hoạt động "hỗ trợ an ninh và ổn định" tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa hồi cuối tháng 5, theo hải quân Mỹ.
Cũng trong ngày 2-7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana chỉ trích các cuộc tập trận của Trung Quốc là động thái "cực kỳ khiêu khích" có thể khiến căng thẳng leo thang trong khu vực. Theo trang ABS-CBN News, ông Lorenzana cũng nhắc lại quan điểm phản đối kế hoạch lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc tại biển Đông. Quan chức này còn phàn nàn chuyện Bắc Kinh gia tăng hành vi quấy rối đối với tàu chính phủ và tàu cá Philippines thời gian gần đây.
Tàu chiến Mỹ đến gần tàu khảo sát Trung Quốc
Cùng với động thái tập trận, hoạt động của tàu khảo sát địa chất Hải Dương 4 của Trung Quốc ở biển Đông cũng gây không ít lo ngại. Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ hôm 2-7 cho biết tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords vừa thực hiện nhiệm vụ thường lệ gần tàu Hải Dương 4 hôm 1-7. Đáng chú ý, hình ảnh do hải quân Mỹ đăng tải còn cho thấy sự hiện diện của một tàu kiểm ngư Việt Nam tại khu vực với 2 tàu trên.
Theo trang Stars and Stripes, tàu Hải Dương 4 trong mấy tháng qua đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia và Việt Nam. Về thông tin tàu Hải Dương 4 đã đi vào EEZ của Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng hôm 2-7 nhấn mạnh: "Chúng tôi cho rằng các hoạt động thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 thì phải được sự đồng ý của Việt Nam theo đúng quy định của công ước này".
Bình luận (0)