xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trung Quốc lợi dụng dịch để lấn tới: Tham vọng bành trướng, đơn phương leo thang

HOÀNG VIỆT (Thành viên Ban Nghiên cứu Luật Biển, Liên đoàn Luật sư Việt Nam)

Trong tình hình mới ở biển Đông có nhiều phức tạp, Việt Nam cần cảnh giác hơn nữa trước mọi âm mưu; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền

Trung Quốc từ lâu không che giấu mưu đồ độc chiếm biển Đông. Dã tâm bành trướng biển Đông của nước này càng lộ rõ trong bối cảnh thế giới đang gồng mình chống lại dịch bệnh Covid-19, đến độ Mỹ cũng phải lên tiếng cảnh báo.

Lợi dụng dịch bệnh để thực hiện dã tâm

Có thể điểm lại hàng loạt hành động đơn phương leo thang trên biển Đông của Trung Quốc để thấy rõ nước này lợi dụng dịch bệnh để "thừa nước đục thả câu" như thế nào.

Đó là vào tháng 2 vừa qua, Trung Quốc tiếp tục gia tăng tính chất, mức độ các hoạt động khiêu khích khi các đơn vị quân đội Trung Quốc trong đất liền bắn tia laser vào các máy bay tuần tra của Mỹ hoạt động ở biển Đông.

Không quân Trung Quốc cũng bắt đầu các cuộc tập trận tại biển Hoa Đông, trong đó máy bay Shaanxi Y-8 thực hiện các hoạt động chống tàu ngầm trong vùng biển tranh chấp ngoài khơi bờ biển Đài Loan (Trung Quốc).

Trung Quốc lợi dụng dịch để lấn tới: Tham vọng bành trướng, đơn phương leo thang - Ảnh 1.

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tăng cường tuần tra, làm nhiệm vụ hỗ trợ ngư dân đánh bắt trên biển Ảnh: KỲ NAM

Ngày 23-3, Mỹ đáp trả bằng cách điều máy bay trinh sát Lockheed EP-3E thực hiện giám sát giữa vùng lãnh thổ Đài Loan và Philippines. Ngày 24-3, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry cùng tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Shiloh tiến hành một vụ phóng tên lửa trên biển Đông. Trong một động thái bất thường, Hạm đội 7 của Mỹ đã đăng video về việc kích hoạt và phóng tên lửa tầm trung SM-2 trên trang Facebook của mình.

Nếu như bình thường, sự hiếu chiến như vậy của Trung Quốc sẽ khiến nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, vốn đã di chuyển theo hướng Tây về phía Philippines, đảo ngược lịch trình và tái thiết lập ảnh hưởng của Mỹ tại biển Đông. Tuy nhiên, ngày 24-3, lực lượng đặc nhiệm Hải quân hùng mạnh nhất thế giới này đã buộc phải "án binh bất động" do dịch Covid-19. Hơn 100 thủy thủ trên tàu này đã bị nhiễm virus SARS-Cov-2, thuyền trưởng đã phải cầu cứu sự giúp đỡ.

Cũng trong ngày 24-3, Trung Quốc công bố khánh thành hai "trạm nghiên cứu khoa học", mà báo chí quốc tế gọi chính xác là các cơ sở quân sự mới, trên Đá Chữ Thập và Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đến ngày 2-4 mới đây, Trung Quốc dấn thêm một bước leo thang bằng sự kiện cho tàu hải cảnh đâm chìm 1 tàu cá và rượt đuổi, đánh phá 2 tàu cá Việt Nam khi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây cũng là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy một năm, tàu cá của Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa. Ngày 6-4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus tuyên bố Mỹ rất quan ngại trước hành động nguy hiểm này của Trung Quốc. "Đây là vụ việc mới nhất trong một chuỗi dài các hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở biển Đông. "Đường 9 đoạn" của Trung Quốc đã bị Tòa Trọng tài coi là một yêu sách biển bất hợp pháp vào tháng 7-2016, một lập trường mà Chính phủ Mỹ cũng chia sẻ" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.

Phía Mỹ cũng khẳng định: "Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tiếp tục tập trung vào việc hỗ trợ các nỗ lực quốc tế chống lại đại dịch toàn cầu và chấm dứt ngay việc lợi dụng sự mất tập trung hoặc dễ bị tổn thương của các quốc gia khác để mở rộng yêu sách phi pháp ở biển Đông".

Việt Nam cảnh giác, kiên trì đấu tranh

Cho dù không có cơ sở pháp lý nào nhưng Trung Quốc vẫn lập lờ sử dụng "đường 9 đoạn", hay còn gọi là "đường lưỡi bò" để biện minh cho các yêu sách phi lý của mình. Đặc biệt, 4 năm qua, kể từ khi bị Tòa Trọng tài quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc bác bỏ "đường lưỡi bò" vì trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và không dựa trên các bằng chứng pháp lý nào, Trung Quốc vẫn muốn dùng sức mạnh của mình để áp đặt nó trên thực tế.

Để thực hiện các hành vi xâm lấn, ức hiếp, đe dọa các tàu cá của các nước khác, mà tránh được sự lên án của quốc tế, Trung Quốc sử dụng các lực lượng chấp pháp như cảnh sát biển, hải giám cùng các tàu dân quân biển trá hình thành các tàu cá bình thường.

Theo dữ liệu theo dõi tàu thuyền và hình ảnh vệ tinh, ngay từ đầu tháng 1 vừa qua, tàu "dân quân biển" Trung Quốc đã qua lại cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 14-3, ngày Việt Nam kỷ niệm 32 năm sự kiện Gạc Ma, các tàu "dân quân biển" Trung Quốc lại bị phát hiện qua lại khu vực Đá Gạc Ma, ở phía Tây Nam cụm đảo Sinh Tồn.

Dữ liệu của Global Fishing Watch (Hệ thống giám sát đánh cá toàn cầu) cho thấy Trung Quốc có các hoạt động đánh bắt cá quy mô nhất và phạm vi xa nhất trên thế giới, thậm chí vượt cả 10 quốc gia lớn nhất cộng lại. Nước này đã triển khai 672.000 tàu cá sử dụng ống dài gắn động cơ, trong đó có 2.500 tàu cá đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, chúng ta khó có thể tìm thấy cá trên những tàu "dân quân biển" với hàng ngàn thuyền viên được huấn luyện quân sự bài bản này.

Giáo sư Andrew Erickson thuộc Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (CMSI), Đại học Hải chiến Mỹ, dẫn chứng "dân quân biển" Trung Quốc đã triển khai ít nhất 84 tàu, được đóng có chủ đích với vòi rồng công suất lớn và gia cố vỏ thép, sẵn sàng cho các vụ va chạm, gây hấn trên biển.

Với lực lượng dân sự trá hình này, Trung Quốc tìm mọi cách để thực hiện tham vọng độc chiếm biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế. Chính vì vậy, để chống lại các hành động sai trái đó, Việt Nam cần sự chung tay, cùng lên tiếng của cộng đồng thế giới. Trong tình hình mới ở biển Đông có nhiều phức tạp, chúng ta cũng cần cảnh giác hơn nữa trước mọi âm mưu của Trung Quốc; kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đã được xác lập tại Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. 

Mới đây, Trung Quốc tuyên bố đã khai thác băng cháy “thành công” trên khu vực biển Đông nhưng không cho biết chi tiết trên vùng biển nào. Nhiều nhà nghiên cứu nói rằng thực hư khai thác băng cháy như thế nào rất khó biết, nhiều khi chỉ là cái cớ để Trung Quốc che giấu những âm mưu, ý đồ khác.

Việt Nam không đơn độc trong vấn đề biển Đông

Liên quan đến vụ việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào rạng sáng 2-4, TTXVN tại Nga dẫn lời Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ Nghiên cứu Á - Âu của Nga, chuyên gia Grigory Trofimchuk, cho rằng dư luận quốc tế lên án hành vi không phù hợp của Trung Quốc.

Theo ông Trofimchuk, vụ việc diễn ra trong bối cảnh tình hình bất ổn trên phạm vi toàn cầu đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, điều này có thể làm các vấn đề biển Đông thêm trầm trọng. Do vậy, phía Trung Quốc cần kiềm chế và tránh những hành động tương tự, đồng thời bình tĩnh giải quyết thỏa đáng các vấn đề tồn tại bằng biện pháp hòa bình.

Ông Trofimchuk nhấn mạnh những hành động tương tự sẽ được giới nghiên cứu chú ý và cần phải bị lên án tại các hội thảo, diễn đàn quốc tế về biển Đông. "Trong mọi trường hợp, Việt Nam không đơn độc trong vấn đề biển Đông. Tôi tin rằng cộng đồng quốc tế sẽ lên tiếng ủng hộ Việt Nam" - ông Trofimchuk nói.

Trước hành động leo thang của Trung Quốc, theo ông Trofimchuk, Việt Nam có thể tận dụng tối đa các công cụ quốc tế của mình, trong đó có vị thế của một nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để giải quyết vấn đề biển Đông. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phát huy hơn nữa cơ chế hợp tác trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt là khi Việt Nam giữ chức Chủ tịch luân phiên trong năm nay.

Đồng tình với quan điểm của chuyên gia Trofimchuk, giáo sư Vladimir Kolotov - Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Saint Petersburg (Nga) - khuyến cáo các nước trong khu vực cần cảnh giác về làn sóng leo thang căng thẳng mới ở biển Đông, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

N.Duy

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo