Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ngày 30-9 cho biết vừa có thông báo kết luận thanh tra tại Trường ĐH Luật TP HCM và Trường ĐH Điện lực.
Công nợ dây dưa nhiều năm
Theo kết luận thanh tra, liên quan đến thu chi, quản lý và sử dụng tiền học phí, học lại của hệ vừa làm vừa học, quy chế chi tiêu nội bộ của Trường ĐH Luật TP HCM chưa chi tiết hóa, chưa hạch toán đầy đủ, kịp thời 29,9 tỉ đồng số tiền học lại của hệ vừa làm vừa học, bổ sung hoàn thiện kiến thức. Trường cũng chưa thực hiện dứt điểm các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước với công nợ dây dưa nhiều năm đối với số tiền 29,9 tỉ đồng. Chứng từ chi 3,4 tỉ đồng chưa đầy đủ, rõ ràng; chưa bảo đảm cơ sở quyết toán.
Ngoài ra, công tác quản lý quỹ tiền mặt của Trường ĐH Luật TP HCM chưa chặt chẽ; chưa tiến hành kiểm kê, đối chiếu thường xuyên giữa kế toán quỹ tiền mặt và thủ quỹ. Việc bà Mai Quốc Thu Trang (thủ quỹ) sử dụng tài khoản cá nhân để nhận tiền từ các đơn vị dẫn đến nguy cơ mất an toàn, dư luận không tốt.
Theo báo cáo của Trường ĐH Luật TP HCM, bà Trang sử dụng tài khoản cá nhân tại ngân hàng để nhận 5 khoản tiền từ các đơn vị, cá nhân, từ khi mở tài khoản ngày 31-7-2013 đến 4-4-2018 là 26,32 tỉ đồng. Ngoài ra, trong tài khoản của bà Trang có 5,2 tỉ đồng là tiền cá nhân. Sau khi nhận các khoản do đơn vị, cá nhân chuyển vào, bà Trang đã rút ra để hoàn trả tạm ứng và nộp về trường.
Thanh tra Bộ GD-ĐT kiến nghị nhà trường thực hiện nghiêm kết luận của Kiểm toán Nhà nước xử lý dứt điểm các khoản công nợ tồn đọng. Trong đó có việc rà soát lại chứng từ các khoản chi hơn 24,16 tỉ đồng cho hoạt động chuyên môn và hơn 1,4 tỉ đồng cho các hoạt động chung khác để quyết toán. Đồng thời, phải rà soát các khoản chi hơn 3,49 tỉ đồng để bổ sung chứng từ hợp pháp, không bổ sung được thì thu hồi, nộp ngân sách nhà nước…
Sai phạm trong tuyển sinh, đào tạo
Về việc tuyển sinh, đào tạo thạc sĩ, thanh tra Bộ GD-ĐT nêu rõ Trường ĐH Luật TP HCM chưa có quy định chi tiết việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ; quy chế ra đề, sao in đề, bảo mật đề thi kết thúc học phần chưa thống nhất, thông báo tuyển sinh chưa ghi đầy đủ về chỉ tiêu. Thời điểm tổ chức học bổ sung kiến thức cho học viên đầu vào thạc sĩ sau khi kết thúc tuyển sinh là không đúng. Một số hồ sơ có chứng chỉ tiếng Anh do trường cấp chưa bảo đảm được miễn thi ngoại ngữ theo quy định.
Việc phối hợp với 14 đơn vị để tổ chức tuyển sinh, đào tạo thạc sĩ đối với 40 lớp ngoài trụ sở của Trường ĐH Luật TP HCM chưa đúng quy định.
Thanh tra cũng chỉ rõ Trường ĐH Luật TP HCM chưa xây dựng, ban hành quy định riêng làm cơ sở cho ra đề thi, đáp án, in sao đề thi, bảo mật... Ngoài ra, trường thực hiện liên kết 19 lớp khi chưa có văn bản cho phép liên kết đặt lớp đào tạo của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Kết luận thanh tra nêu khi liên kết với Trung tâm VASS để dạy ngoại ngữ, Trường ĐH Luật TP HCM không có văn bản cho phép của Bộ GD-ĐT để sử dụng tài sản vào mục đích liên kết là không đúng về quản lý sử dụng tài khoản công. Thêm vào đó, việc liên kết với Trung tâm VASS để tổ chức ôn tập, thi, cấp chứng chỉ tiếng Anh cũng chưa được phép. Chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực 6 bậc do trường cấp không đúng mẫu theo quy định, không phải là chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân nên việc trường căn cứ vào chứng chỉ để miễn thi ngoại ngữ cho thí sinh trong tuyển thạc sĩ là không đúng quy định.
Thông tin về một đợt tuyển sinh của Trường Đại học Luật TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tuyển cả dưới điểm chuẩn
Kết luận thanh tra tại Trường ĐH Điện lực cũng vừa được thanh tra giáo dục công bố. Theo đó, Trường ĐH Điện lực đã có nhiều sai phạm trong quá trình tuyển sinh, quản lý đào tạo, quản lý cấp phát văn bằng trình độ đại học đối với các khóa tuyển sinh năm 2013, 2014.
Cụ thể, năm 2013, trường tuyển sinh số sinh viên chính quy vượt chỉ tiêu được Bộ GD-ĐT thông báo là 43,4%; năm 2014 vượt chỉ tiêu thông báo là 12,2%. Đoàn thanh tra kiểm tra ngẫu nhiên danh sách 222 sinh viên trúng tuyển ngành điện công nghiệp và dân dụng năm 2013 thì thấy có 140 sinh viên trúng tuyển dưới điểm chuẩn của trường, trong đó có 47 sinh viên được ghi chú là dạng đào tạo theo nhu cầu xã hội, 7 sinh viên không có dữ liệu điểm xét tuyển.
Trường cũng vi phạm quy định tiếp nhận sinh viên chuyển trường năm thứ nhất, sinh viên chuyển trường không cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo mà sinh viên đang học. Tuyển sinh đại học chính quy năm 2014 đặt lớp tại Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam là vi phạm quy định tại Luật Giáo dục Đại học.
Trước học kỳ 2 năm học 2017-2018, Trường ĐH Điện lực không chấm thi tập trung, cán bộ chấm thi nhận túi bài đã rọc phách từ giáo vụ khoa, bộ môn và đưa về chấm. Từ học kỳ 2 năm học 2017-2018, trường tổ chức chấm chung do Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng chủ trì nhưng công tác quản lý thiếu chặt chẽ, còn để xảy ra hiện tượng sửa điểm bài thi, người không có nhiệm vụ và sinh viên vào được phòng chấm thi. Có nhiều bài thi được nâng điểm hoặc sửa điểm, đánh dấu bài.
Tuyển sinh khi Bộ GD-ĐT chưa cho phép
Cũng theo kết luận thanh tra, năm 2016, Trường ĐH Luật TP HCM tuyển sinh vượt 378 sinh viên bậc ĐH hệ vừa làm vừa học (52,5%), năm 2017 tuyển vượt 249 sinh viên (43,6%) so chỉ tiêu theo thông báo của Bộ GD-ĐT. Từ năm 2014 đến 2016 trường tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ ĐH, ngành luật (văn bằng 2, hệ vừa làm vừa học) cho 1.306 sinh viên khi chưa có văn bản cho phép của Bộ GD-ĐT là chưa đúng quy định.
Bình luận (0)