Ca sĩ, nhạc sĩ Dương Quốc Hưng đã 3 lần đến Trường Sa, anh nói chính hình ảnh đứng gác dưới cột cờ lộng gió, người lính trẻ bảo vệ biển đảo quê hương như những cây Phong ba. Họ hiên ngang bảo vệ vùng trời yên bình của tuyến đầu Tổ quốc, để sức gió luôn làm những lá cờ trên đảo và trên những con tàu của ngư dân được tung bay trong niềm tự hào của người ở đầu sóng ngọn gió.
Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, thăm hỏi các chiến sĩ là con em TP đang công tác trên quần đảo Trường Sa
Trong chuyến hải trình "Vì Trường Sa thân yêu, vì tuyến đầu Tổ quốc" của đoàn công tác số 7 (từ ngày 19 đến 27-4) gồm 184 đại biểu TP HCM do Chuẩn đô đốc Phạm Mạnh Hùng, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, làm trưởng đoàn; bà Võ Thị Dung - Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, ông Nguyễn Trường Thắng - Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP HCM và bà Triệu Lệ Khánh - Phó Chủ tịch Ủy Ban MTTQ TP HCM, làm phó đoàn đã đến thăm Nhà giàn DK1/21 và các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).
Bà Dương Thị Minh Hương, mẹ của chiến sĩ Nguyễn Thành Hiệp (ở huyện Hóc Môn) gặp con trai khi đến quần đảo Trường Sa
Chuyến đi đã đọng lại trong lòng chúng tôi nhiều tình cảm, nhất là được ghi lại những ký ức đẹp của các nghệ sĩ, ca sĩ đưa sáng tác về Trường Sa đến với người lính đảo. Ca khúc "Trường Sa hẹn ngày yêu thương" được Dương Quốc Hưng sáng tác trên tàu KN 290 với dạt dào tình cảm: "Em cầm trên tay nhánh hoa bàng vuông, màu hoa tím biếc, chung thủy chờ em. Niềm tin trong sóng gió theo lời hát, gửi đến anh tình yêu quê nhà… Ở nơi đầu sóng, anh giữ trong lòng Trường Sa bình yên, tình em nơi đất liền, hẹn ngày yêu thương".
Chính hình ảnh về những người lính trẻ là con em nhân dân đang sinh sống tại TP HCM nói riêng và tâm sự của các chiến sĩ bảo vệ quần đảo Trường Sa nói chung, đã mang lại cho Dương Quốc Hưng nhiều chất liệu để đưa vào ca khúc. "Họ là những công dân thế hệ trẻ của một thành phố đang vươn mình đến những tầm cao mới, xứng đáng là thành phố hiện đại, văn minh, nghĩa tình. Tôi viết ca khúc này như một lời nhắn gửi rằng hậu phương luôn hướng về Trường Sa".
Trên con tàu kiểm ngư KN 290 đưa chúng tôi đến thăm 10 điểm đảo: Song Tử Tây, Đá Nam, Sơn Ca, Đá Thị, Sinh Tồn, Cô Lin, Tiên Nữ, Núi Le A, Đát Lát, Trường Sa và nhà giàn DK 1/21 bãi cạn Ba Kè, còn có ca sĩ Quốc Đại, Thanh Sử, Minh Thư, Thùy Trinh, Duyên Huyền, ảo thuật gia Đức Joker, nghệ sĩ Cẩm Loan, biên đạo múa Phan Cường, diễn viên múa Lê Nam... Không ngại gian khó, trên con tàu cứ lắc lư theo sóng biển, các nghệ sĩ lấy bon tàu làm sàn tập. Không chỉ hát trên những đảo nổi như Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh tồn…; mà ở những đảo chìm, nơi không có sân khấu, thì bếp ăn vẫn là sàn diễn của các nghệ sĩ.
Nhà báo Thanh Hiệp tại cột mốc chủ quyền đảo Tiên Nữ trên quần đảo Trường Sa
"Lần đầu đến Trường Sa, khí hậu trong lành, nắng ấm mùa này với điểm nhấn tuyệt đẹp của hàng cây Phong ba xanh lối, cùng với những lá cờ đỏ Tổ quốc tung bay trên thuyền của các ngư dân đã mang lại cho tôi niềm tự hào" - ca sĩ Duyên Huyền tâm sự.
Hành trình qua 10 điểm đảo, đoàn công tác số 7 đã gặp và thăm hỏi, động viên nhiều chiến sĩ là công dân trẻ của TP mang tên Bác. Ở đó, các ca sĩ cũng nhận được nhiều tình cảm hết sức chân thành. Trên đảo Sơn Ca, tôi đã gặp chiến sĩ Nguyễn Thanh Hoàng, công dân quận 12, TP HCM. Hoàng hái tặng tôi những chùm hoa Phong ba rất đẹp, đồng thời nhờ gửi đến các ca sĩ của đội văn nghệ mà em yêu mến như: Minh Thư, Cẩm Loan, Quốc Đại, Thanh Sử, Duyên Huyền, Thùy Trinh… "Tôi phải hoàn thành nhiệm vụ với ca trực nên nhờ anh gửi những chùm hoa này tặng các ca sĩ" - Hoàng nói.
Hoàng đã nghe nhiều chương trình ca cổ trên đài phát thanh và biết tôi có nhiều sáng tác, nhất là hành trình của 20 năm giải Bông lúa vàng (Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM - VOH), 19 năm của giải "Chuông vàng vọng cổ" (Đài Truyền hình TP HCM - HTV). Hoàng còn biết các nghệ sĩ thành danh từ cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ", như: Thu Vân, Bùi Trung Đẳng, Nguyễn Minh Trường, Lê Văn Gàn… Tôi càng bất ngờ và xúc động khi biết em thuộc rất nhiều ca khúc viết về Trường Sa, kể cả những bài ca cổ. "Trường Sa luôn ở trong trái tim người lính biển mà anh" – Hoàng bộc bạch.
Các ca sĩ cùng hát với các chiến sĩ trong chương trình văn nghệ trên quần đảo Trường Sa
Tiếng cười tuổi đôi mươi
Người đem lại tiếng cười duyên dáng cho các chiến sĩ Trường Sa chính là các tiết mục ảo thuật khéo tay của Joker Đức. Đây cũng là lần thứ hai anh đến Trường Sa, nên sự có mặt của nhà ảo thuật này luôn để lại nhiều ấn tượng đối với những chiến sĩ trẻ.
Trong đoàn đi còn có nhạc sĩ Mai Anh, công tác tại Phòng Ca nhạc – Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Anh tâm sự hình ảnh cây Phong ba hiên ngang trước giông tố đã là nguồn cảm xúc trong chuyến đi Trường Sa và tiếng cười của chiến sĩ trong các chương trình giao lưu văn nghệ đã cho anh thêm yêu biển đảo, thềm lục địa của đất nước. "Các chiến sĩ ở giữa đầu sóng ngọn gió vẫn hiên ngang, họ quên đi lợi ích riêng tư để hoàn thành trọng trách mà nhân dân giao phó" – nhạc sĩ Mai Anh xúc động.
Kỳ tới: Triệu lá cờ, triệu niềm tin
Bình luận (0)