Liên quan đến tình trạng xảy ra ngập úng khiến kẹt xe trên cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết cách đây 2 ngày, chiều 31-7, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Bình Thuận tổ chức mời họp các đơn vị liên quan để đánh giá nguyên nhân và tìm giải pháp xử lý.
Ô tô bị nước cuốn trôi trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết vào sáng 29-7
Phát biểu tại cuộc họp, đơn vị tư vấn thiết kế dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết là Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng 533 cho rằng trong quá trình khảo sát sau khi xảy ra ngập tại vị trí Km 25+419 thì một trong những nguyên nhân ngập là nước từ đập Sông Phan chảy về vị trí ngập quá lớn.
"Chúng tôi có rà soát lại bảng tính của đơn vị xem thử có sai sót gì không và nhận thấy việc thiết kế vẫn đảm bảo. Tần suất xả lũ thời điểm ngập tương ứng với lưu lượng là 90m³/giây. Đơn vị tư vấn thiết kế cũng đã có sự rà soát lại dòng chảy Sông Phan thì thấy dòng chảy rất ngoằn ngoèo, làm ảnh hưởng một phần tới khả năng thoát nước tại các hệ thống cống, trong đó có vị trí cống ngập rạng sáng 29-7" - đại diện Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng 533 thông tin.
Đại diện Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng 533 phát biểu tại buổi họp
Ngoài ra, đơn vị tư vấn khẳng định hệ thống thoát nước tại các vị trí cống qua đoạn Dầu Giây – Phan Thiết đã được thu thập số liệu từ nhiều nguồn và thiết kế kỹ thuật thoát nước chưa có gì sai.
Tiếp lời, ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, khẳng định đợt ngập vừa qua tại vị trí Km 25+419 cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là do mưa lớn và nước từ đập Sông Phan xả lũ về.
"Thời điểm ngập, khu vực này có cả 3 dòng chảy dồn về: dòng chảy thượng lưu dự án, dòng chảy từ đập Sông Phan và dòng chảy của hồ nuôi tôm đổ dồn về. Khi chúng tôi kiểm tra thì đập Sông Phan đang mở 2 cửa xả với lưu lượng 90m³/giây. Từ 3 yếu tố này cộng với lượng mưa quá lớn làm cho dòng nước cản ngược lại gây ra ngập, chứ không phải do vấn đề đặt cống hay thiết kế" – ông Thái nói.
Ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cho rằng mưa lớn kết hợp xả lũ là nguyên nhân quan trọng gây ngập
Trao đổi về lưu lượng nước từ đập Sông Phan là một trong những nguyên nhân gây ngập cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phản bác ý kiến này.
"Với thiết kế hồ Sông Phan là công trình thủy lợi cấp 2, lũ tần suất là 50 năm xảy ra 1 lần, với lưu lượng xả phải là 600 m³/giây. Lượng mưa, xả tràn vừa qua chưa phải là lũ lớn. Vì vậy, cần phải kiểm tra lại mực nước để xác định lại thiết kế cao độ cống, tính toán lại mực nước xả lũ để có điều chỉnh phù hợp" – đại diện Sở NN-PTNT cho biết.
Nhiều tranh luận xung quanh nguyên nhân và giải pháp xử lý ngập trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết
Theo Công ty cổ phần Tư vấn Trường Sơn, khu vực ngập trên cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết tại Km 25+419 có vị trí trũng thấp là một trong những nguyên nhân xảy ra ngập. Đơn vị này cho biết lo sợ trận lũ vừa rồi chưa lớn nhất mà đã ngập thì buộc khảo sát lại để đánh giá tình hình, thu thập lượng mua, để xác định mật độ cây cối để có biện pháp xử lý.
"Do vài năm gần đây không có mưa lũ lớn khiến lòng sông gần vị trí ngập khả năng bị bồi lắp nên phải tính toán lại giải pháp nạo vét. Chúng tôi đã kiểm tra độc lập thì khẳng định từ nước thượng lưu xuống cống đảm bảo khả năng thoát" - đại diện Công ty cổ phần Tư vấn Trường Sơn cho biết.
Hệ thống thoát nước tại lý trình Km 25+419 cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết
Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Thuận, cho rằng đợt mưa vừa qua chưa phải là lớn nhất tại Bình Thuận nhưng đã xảy ra ngập thì về sau sẽ có khả năng tái diễn. Cũng theo ông Thanh, việc thiết kế hạ độ dốc cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết qua lý trình Km 25+419 xuống quá sâu, gần bằng mực nước sông dẫn nguy cơ nước chạy ngược vào cao tốc.
Để giải quyết trước mặt không lặp lại ngập úng trên cao tốc, đơn vị điều hành dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết cho biết sẽ khơi thông tất cả dòng chảy, kể cả những dòng chảy nằm ngoài dự án, nạo vét kênh mương, lòng sông để tạo dòng chảy tối ưu nhất.
Về lâu dài, đơn vị này chỉ đạo đơn vị tư vấn đi kiểm tra toàn bộ khảo sát địa hình thủy văn lên mô hình đánh giá thực trạng để có giải pháp lâu dài, bền vững trong thời gian tới. "Chúng tôi đảm bảo giao thông qua đây sẽ không bao giờ lặp lại tình trạng ngập úng. Chúng tôi cũng khẳng định sẽ giải quyết triệt để vấn đề này" - ông Đặng Hùng Thái nói.
Bình luận (0)